Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng môi khô, nứt nẻ. Vì vậy, cách điều trị môi khô nẻ cũng tùy thuộc vào từng loại nguyên nhân.
Cháy nắng: Giống như da mặt, da tay hay da lưng, da môi cũng có thể bị cháy nắng. Thậm chí da môi còn nhạy cảm với ánh nắng hơn cả vì môi không có melanin. Bạn nên dùng son dưỡng chống nắng để bảo vệ môi.
Viêm môi vùng mép: Viêm môi vùng mép thường bắt đầu từ vết nứt nẻ ở mép nhưng rồi có thể lan ra khắp môi nếu không được chữa trị. Có nhiều nguyên nhân gây viêm môi, như thiếu vitamin hoặc do liếm môi quá nhiều.
Nhiễm trùng nấm men: Ai cũng có nấm men trên da, nhưng sự sản sinh nấm men quá mức có thể gây khô, nứt nẻ môi. Tình trạng này càng tệ hơn khi bạn liếm môi, cung cấp cho nấm men môi trường ẩm và ấm để lây lan.
Liếm môi: Liếm môi là phản ứng tự nhiên khi môi khô, nhưng nước bọt càng khiến da môi khô nhanh hơn, thậm chí có thể phá hủy lớp da mỏng ngoài cùng nếu nước bọt có tính axit cao.
Thở bằng miệng: Khi bạn bị nghẹt mũi và phải thở bằng miệng trong thời gian dài, môi bạn dễ bị khô và nẻ. Mỗi hơi thở đều khiến môi tiếp xúc với không khí ấm và khô, làm mất đi độ ẩm của môi.
Thiếu vitamin: Những người bị thiếu các vitamin như B2 hay riboflavin có thể bị khô môi. Các chất dinh dưỡng này giúp duy trì chức năng tế bào. Môi sưng và nứt nẻ là dấu hiệu đầu tiên của thiếu vitamin.
Thừa vitamin A: Khô môi do thừa vitamin A có thể dự báo vấn đề tiềm ẩn lớn hơn. Thừa vitamin A có thể gây mờ thị lực, hoa mắt, đau đầu, cáu gắt, tăng cân,...
Dược phẩm và các quá trình trị liệu: Một số loại dược phẩm có thể gây khô môi, ví dụ như thuốc thông mũi, một số thuốc hen suyễn, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm và lo âu. Khô môi cũng là một tác dụng phụ của thuốc trị mụn.
Cách điều trị: Cách điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây khô môi. Quan trọng nhất là bạn cần uống đủ nước và thoa kem dưỡng bảo vệ môi bất kể vào mùa nào. Hạn chế liếm môi và hạn chế thở bằng miệng nếu có thể.
Theo T.H./VOV