Đời sống

Nhà chồng không có gì ngoài "điều kiện" mà cứ bắt con trai "tự lực cánh sinh"

Đến hiện tại sau 8 năm ra trường, chồng em vẫn nợ 1/2 khoản tiền học phí này. Gia đình nhà chồng em có 4 căn nhà, và ông bà cũng có 1 khoản tiền dư ra để dự định mua xe ôtô mới.

Gánh việc nhà chồng bao năm vẫn bị tiếng toan tính thiệt hơn với người nhà, nàng dâu “bật lại” khi phải đóng thay 2 triệu tiền điện và cái kết / Đi đẻ gặp ngay người yêu cũ, anh hỏi nhẹ một câu nhưng làm cả nhà chồng tôi giận đến mức đùng đùng bỏ về rồi gửi cả dâu lẫn cháu bên ngoại

Xin chào chương trình!

Em là 1 cô gái miền Nam, lấy chồng người miền Bắc. Vì chồng em là con một, nên sau khi kết hôn, em đồng ý theo chồng chuyển công tác về thủ đô. Em tự nhận xét mình cũng khá xinh xắn, có học thức, công việc ổn định với mức lương nghìn đô. Gia đình chồng em là 1 gia đình gia phong, nề nếp, điều kiện kinh tế khá giả và có học thức. Bố chồng em là con trưởng, tính cách nghiêm khắc và rất gia trưởng. Tất cả mọi chuyện trong nhà đều là phần lớn bố chồng em quyết định. Ban đầu, do lo sợ nảy sinh mâu thuẫn nên em yêu cầu ra riêng. Tuy nhiên, trước sự thuyết phục của bố mẹ chồng và chồng em, em đồng ý về làm dâu 1 thời gian. Bố chồng em cũng bảo rằng sau 1 thời gian sẽ cho bọn em ra ở riêng.

Khi về làm dâu, bố mẹ chồng em có ý định mua 1 căn nhà tầm 3 tỷ và yêu cầu góp bọn em góp 1 khoản tiền, tổng số tiền bọn em góp là tầm 1/6 của căn nhà, 5/6 còn lại bố mẹ chồng em chi trả. Sau khi mua nhà, mẹ chồng em hứa sẽ trả lại khoản tiền mà bọn em góp (trong khoản tiền góp đó có 1 nửa là tiền riêng của em trước khi lấy chồng) + khoản tiền mừng cưới, đồng thời bảo rằng sẽ cho 2 vợ chồng em đứng tên ngôi nhà.

Tuy nhiên, sau khi ngôi nhà mới hình thành, 2 vợ chồng em chuyển sang ngôi nhà mới. Mọi thứ nội thất trong nhà gần như là bố mẹ em quyết định. Tuy nói rằng cho vợ chồng em ở riêng, nhưng do nơi làm việc của mẹ chồng em gần với ngôi nhà mới, bố mẹ em tự quyết rằng ông bà sẽ dành 1/2 thời gian trong tuần ở nhà cũ, 1/2 thời gian ở căn nhà mới, cuối tuần thì cả bố mẹ và bọn em về căn nhà cũ ở. Thật sự em cảm thấy đấy không phải là cho bọn em ra riêng nên em phản ứng thì bố mẹ chồng em tỏ ra rất khó chịu. Sau đó, ông bà cũng tự quyết định rằng ông bà đứng tên căn nhà.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy không nói ra, nhưng em có nghe được rằng bố chồng em sợ việc chia chác tài sản nếu như bọn em chia tay nhau. Sau khi làm xong thủ tục, ông bà nói rõ rằng không phải ông bà cho nhà mà chỉ cho bọn em sử dụng căn nhà mà thôi. Còn về khoản tiền bọn em đóng góp khi mua nhà, ông bà cũng quyết định rằng do bọn em thường xuyên ở căn nhà mới nên bọn em cũng có nghĩa vụ đóng góp, do đó không hoàn trả lại khoản tiền đấy.

Còn về phần chồng em, anh ấy không hề có 1 phản ứng nào với quyết định của bố mẹ. Chồng em có 1 thời gian học tại nước ngoài và hiện tại anh ấy còn 1 khoản nợ do vay mượn chính phủ nước ngoài với lãi suất 5%/năm. Trước khi cưới, mẹ chồng em bảo sẽ cố gắng trả hết khoản nợ này cho chồng em; Tuy nhiên, sau đó em được biết ông bà chỉ chi trả 1/2 khoản nợ này, còn lại chồng em sẽ tự gánh vác. Đến hiện tại, sau 8 năm ra trường, chồng em vẫn nợ 1/2 khoản tiền học phí này. Gia đình nhà chồng em có 4 căn nhà, và ông bà cũng có 1 khoản tiền dư ra để dự định mua xe oto mới. Tuy nhiên, em không hiểu tại sao ông bà cương quyết để cho con trai mình gánh khoản nợ này lâu như vậy. Khi em hỏi thì bố chồng em trả lời rằng, làm như thế để tạo áp lực cho chồng em để anh ấy phấn đấu. Em không muốn vì chuyện tiền bạc mà gây nên tranh cãi tranh chấp giữa em và gia đình nhà chồng.

Chồng em tuy miệng nói rằng anh ấy là con một, mọi thứ sau này là của anh ấy. Tuy nhiên, cái cách cư xử có phần tính toán với em của gia đình chồng thật sự khiến em thất vọng và mất niềm tin vào nhà chồng. Em có cảm giác vì gia đình nhà chồng sợ mất tài sản vào tay em, và muốn dùng tiền bạc để tạo áp lực để hai vợ chồng em phải dựa dẫm vào nhà chồng nên mới làm như vậy.

Hiện tại, do quá chán nản nên em đã xin chuyển công tác vào Nam, chồng em cũng kiếm được công việc trong Nam nên bọn em thuê 1 căn phòng nhỏ để sống trong đây. Bố mẹ chồng em ban đầu vô cùng khó chịu nhưng không ngăn cản được. Khi vào, ông bà gửi bọn em 1 khoản tiền 100 triệu làm vốn nhưng vẫn không đồng ý trả 1/2 khoản nợ cho chồng em.

 

Thật sự, sau 2 năm kết hôn, em gần như tay trắng. Lương của chồng thì mỗi tháng đều dành hết để trả khoản nợ. Em yêu cầu chồng em nói chuyện với bố mẹ chồng để xin lại khoản đóng góp mua nhà ban đầu để trả nợ cho chồng nhưng chồng em không đồng ý. Mỗi tháng, anh ấy chỉ góp 1ít lương và em góp 1 nửa vào khoản chi phí hàng tháng cho gia đình.Tiền để dành anh ấy giành hết để đi trả nợ. Em đồng ý rằng căn nhà đó là của bố mẹ chồng góp phần lớn nên ông bà có quyền đứng tên căn nhà, tuy nhiên việc không rõ ràng tiền bạc của vợ chồng em, cùng với việc không chi trả khoản nợ khi chồng em học Đại học khiến em cảm thấy rất bức xúc.

Em cảm thấy rất bế tắc..

Chào em!

Vấn đề kinh tế sau khi kết hôn và sự quản lý của bố mẹ chồng luôn là những điều thực sự cần phải cân nhắc và cần phải suy nghĩ rất nhiều của các cặp vợ chồng mới xây dựng hạnh phúc. Em cũng đang trong hoàn cảnh như vậy khi cảm thấy bố mẹ chồng khá cương quyết và rõ ràng trong vấn đề kinh tế khiến hai vợ chồng em cũng có những khó khăn nhất định và có những điều em cảm thấy bức xúc. Chúng ta cùng trao đổi với nhau về vấn đề này em nhé!

 

Việc gia đình chồng em và chính em có một nền tảng khá tốt cho hiện tại và tương lai của hai em là điều rất tốt cho cả hai vợ chồng rồi. Tuy nhiên, việc bố mẹ chồng em như em có chia sẻ là em nhận thấy cách cư xử của ông bà có phần tính toán với vợ chồng em cũng là điều dễ hiểu. Có thể, em cảm thấy việc bố mẹ chồng tính toán khi không chi trả hết, mà chỉ trả một nửa số tiền học cho chồng em mà thôi là điều khó hiểu khi ông bà có thừa đủ khả năng để làm điều đó. Nhưng em ạ, cách giải thích của ông bà là hợp lý với cương vị người làm cha làm mẹ. Khi bố mẹ tạo cho chồng em áp lực thì anh ấy sẽ có thể có sự cố gắng hơn, thành công hơn thay vì là một người ỷ lại vào kinh tế gia đình.

Có thể em chưa làm cha mẹ nên khó hiểu hết nỗi lòng người làm cha mẹ. Bố mẹ nào chắc hẳn cũng thương con, thương cái và không mong muốn con cái phải khổ. Tuy nhiên, “cho hết thì sợ con hư, không cho thì sợ con khổ”; vì vậy, có thể ông bà lựa chọn cách cho “vừa phải” dựa trên cơ sở có “quản lý” để có thể hướng con tự lập, trưởng thành. Và sau này có thể tất cả những gì ông bà đã làm ra thì chồng em cũng sẽ được “thừa hưởng” như cách anh ấy chia sẻ với em “anh ấy là con một, mọi thứ sau này là của anh ấy” mà thôi em ạ.

Vì vậy, ở giai đoạn này có thể hai vợ chồng em có những khó khăn nhất định về kinh tế, tuy nhiên những điều gì tự bản thân mình làm ra vẫn tốt hơn là trông đợi và có suy nghĩ dựa dẫm. Có thể, em cảm thấy khó chịu, bức bách; nhưng nghĩ đi thì nên nghĩ lại, có nhiều gia đình lấy nhau về trong hoàn cảnh khó khăn rất nhiều, có những cô cậu sinh viên tự lực cánh sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà không hề có sự trợ cấp hay khoản vay nào hoặc kinh tế khó khăn đến mức không đủ ăn, đủ mặc mà vợ chồng họ lấy nhau về vẫn cố gắng, vẫn hạnh phúc. Vì vậy, khi chồng em được lớn lên và được nhiều ưu ái vì gia đình khá giả đó đã là điều hạnh phúc rồi. Nên em nên cố gắng quan tâm đến cảm xúc của chồng và động viên cả hai vợ chồng cố gắng thay vì để anh ấy khó xử khi cằn nhằn, khó chịu vì bố mẹ không chi trả nốt khoản nợ đó mà làm sứt mẻ tình cảm vợ chồng.

Em không chia sẻ với gia đình chồng về hoàn cảnh thực tế của hai vợ chồng nên không thể tránh được tình trạng không ai hiểu cho ai. Em không hiểu cách giáo dục hay mục đích của ông bà và ông bà không hiểu cho sự cố gắng của hai vợ chồng. Như vậy, lỗi này là một phần cũng là ở phía em. Dâu mới thì cũng là một thành viên trong đại gia đình vậy nên không nói nhiều, không quá quắt, không bất kính mà chỉ chia sẻ, tâm sự thật lòng thì tại sao lại không thể? Em không nói nhiều, không mang hình thức kể lể hay lên án mà chí nói đúng sự thật, súc tích thì liệu rằng có ai trách em được không?

Mọi người vừa mới được gắn kết kết với nhau, nếu như không chia sẻ, không nói chuyện thì sao có thể hiểu nhau được. Điều quan trọng hơn nữa, chồng em chính là cầu nối giữa em với gia đình chồng, bản thân anh ấy phải là người hiểu rõ nhất kinh tế của hai vợ chồng ra sao, công việc của vợ như thế nào để từ đó chuyện trò thêm với bố mẹ, gần gũi hơn với em và có thể ông bà sẽ hiểu được phần nào. Gia đình phải có sự gắn kết giữa các thành viên và để làm được điều đó thì không thể thiếu được sự trao đổi, tâm sự, chia sẻ.

 

Tôi nghĩ rằng, con dâu thì cũng là con, đâu phải là người ngoài; còn cha mẹ chồng em có lẽ cũng rất thương em và hiểu cho hoàn cảnh làm dâu như em và những lo lắng cho gia đình của em. Vì vậy, hãy chia sẻ với chồng, với gia đình chồng về hoàn cảnh thực tế hiện nay của vợ chồng em, để mọi người có cách giúp đỡ phù hợp cũng như hiểu hơn cho em tránh những mâu thuẫn hiểu lầm không đáng có. Còn nếu hai vợ chồng không quá khó khăn thì nên chấp nhận việc đó như một động lực phấn đấu em ạ.

Thân ái!


Theo PV/Cửa Sổ Tình Yêu
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm