Đời sống

Những đứa trẻ bị “đánh cắp” tuổi thơ

“Mẹ, con không cần đi chơi công viên, con không cần đồ chơi, con không cần áo quần mới, con không cần gì cả... mẹ cho con ở lại với mẹ và em Nhím mẹ nhé, nha mẹ!”. Lời cái Sóc như mũi dao đâm thẳng vào tim Hạnh đau nhói.

Vực chồng dậy sau thất bại / Tình yêu rồi sẽ bay đi

Trong bóng đêm, tiếng khóc của hai mẹ con càng trở nên rõ hơn. Hạnh không muốn xa con, không muốn hai đứa con mỗi đứa một nơi. Hạnh sẽ làm mọi thứ để giữ lại cuộc sống bình yên vốn có cho con, dẫu thiếu thốn nhưng Hạnh thề không để ai một lần nữa “đánh cắp” tuổi thơ của con mình...

Ái Hạnh ôm con vào lòng, cái ôm càng chặt thì nước mắt của cô lại không có cách nào ngừng tuôn. Đã có lúc nghĩ đến con mà bỏ qua tất cả mặc cho anh đối xử tệ với cô như thế nào. Cô còn nhớ cái ngày cô một tay ôm đứa nhỏ tay dắt đứa lớn, đôi mắt đỏ hoe nhìn vào mắt Tuấn Kiệt mà khẩn thiết cầu xin nhưng anh thản nhiên nâng cửa kính cắt chia thực tại, dẫn người đàn bà khác đi vào thâm u ái lạc của hai người. Tiếng con khóc, tiếng cô gào cũng nhanh chóng nhòa đi sau tiếng rít phát ra từ bánh xe. Cô xác định, từ đó cô sẽ sống vì con, sẽ vì con mà không gục ngã.

Sau lần gặp mặt ở Tòa, gần như Tuấn Kiệt và cô chưa có lần gặp lại. Thực lòng mà nói sau chữ “hận” cô vẫn còn chữ “thương” nhưng trước sự tàn nhẫn mà anh đối xử với mẹ con cô, dần dân thứ tình cảm sâu đậm ngày nào cũng đến ngày khô cạn. Sau cùng cô cũng đã chấp nhận buông tay. Ái Hạnh cũng đã từng nghe đến câu “cuộc sống luôn là điều bất ngờ, tình yêu lại là thứ bất ngờ nhất trong cuộc sống”, sau khi cùng Kiệt đường ai nấy đi cô mới giật mình “hóa ra cái điều bất ngờ lớn nhất trong cuộc hôn nhân ấy chính là con người ấy vì nó quá khác xa với tình yêu trước đó”. Sự sụp đổ như “thần tượng bị sụp đổ”, khiến cho Hạnh rơi vào stress, trầm cảm.

Sau khi ly hôn, Hạnh ra đi với hai bàn tay trắng. Nói đúng hơn Hạnh bồng theo con ra đi với hai bàn tay trắng. Chẳng trách được, khi kết hôn Kiệt một mực yêu cầu cô ở nhà cơm nước chăm con. Chỗ ở đã có cha mẹ chồng cho nên khi cưới xong được bao nhiêu tiền tích cóp cũng gom vào sửa sang cái nhà cho đàng hoàng để ở. Nói về tài sản sau ly hôn, Kiệt ngoảnh mặt... Hạnh thành người đàn bà trắng tay. Không tài sản! Hạnh chỉ buồn vì lòng người quá bạc chứ cô không kiện đòi hơn thua. Có điều người đàn ông bội bạc ấy đến đồng tiền nuôi con cũng “kì kèo bớt một thêm hai” ngay trước Tòa mới làm cô đau đớn tột cùng. Kiệt lấy lý do khó khăn để “mặc cả” tiền nuôi con chỉ hơn thua, xê dịch thêm trên dưới 100 ngàn đồng/tháng.

Người phụ nữ như Hạnh, đắng cay phải gọi là có thừa. Nói là chu cấp hằng tháng nuôi con cho phải phép chứ nói chẳng ngoa, số lần Hạnh nhận chưa đếm hết trên đầu một bàn tay. Nếu Hạnh nhắc thì cũng chỉ nhận được câu ậm ự... chưa có tiền. Lâu dần Hạnh không buồn nói đến. Đến cái trách nhiệm làm cha của mình còn không làm tròn thì đừng mong có chút lương tâm để làm điều tử tế. Hạnh chỉ đau khổ khi con càng lớn, con lại trở nên trầm tính hỏi ra mới biết ở lớp các bạn nói con là “đứa không có cha” vì chẳng bao giờ được cha đến đón!

Mọi khổ đau cô đều có thể vượt qua, riêng chạm vào con trẻ lòng cô như rỉ máu. Cô có cố gắng để cuộc sống của con đầy đủ đến đâu cũng không thể khỏa lấp được sự thật con mình vắng đi tình thương của một người cha. Mọi thứ cô có thể thực hiện ở hai vai trò nhưng riêng điều này cô không thể. Cô vẫn luôn tự dằn vặt, vì mình đã không đủ giỏi dang để giữ lại cho con một người cha, chính mình đã cướp mất tuổi thơ hạnh phúc của con... khiến con không được bằng bạn bằng bè.

Ảnh minh họa.

Sự “biến mất” không tăm hơi của cha đã khiến hai đứa trẻ dần quen thì bổng nhiên Kiệt quay về đòi nuôi đứa lớn. Đâu lại có chuyện dễ dàng như vậy. Hạnh “có chết” cũng giữ con lại. Thời điểm khó khăn nhất, tưởng gục ngã thì 3 mẹ con họ đều đã vượt qua vậy thì hiện tại lấy lý do gì để họ không tồn tại, không tiếp tục? Hạnh đã từng nghĩ tại sao người đàn ông ấy không vì con mà xuất hiện, vậy nhưng khi xuất hiện cô lại mong rằng điều đó chưa từng xảy ra. Bởi chính sự xuất hiện này sẽ thêm một lần tổn thương cho các con mà chắc chắn vết thương này sẽ rất khó lành...

Trường hợp như Hạnh và Kiệt chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện hậu ly hôn. Có những cuộc hôn nhân khi tan vỡ, người đàn ông vì quá muốn phần nuôi con đã không ngần ngại tìm mọi cách để giành. Thậm chí đã có vụ bị truy tố về tội “Đe dọa giết người” cũng xuất phát từ cuộc chiến giành con như thế.

Đó là trường hợp của một chàng kỹ sư xây dựng tên Phúc vì muốn giành quyền nuôi con với vợ nên đã nhắn tin cho vợ, cho lãnh đạo nơi vợ làm việc đe dọa giết nếu như xác nhận lương cao để cô vợ có điều kiện nuôi con. Cuối cùng quyền nuôi con ở đâu không thấy, chỉ thấy Phúc phải vào tù. Câu chuyện này để thấy rằng, cha mẹ ai cũng yêu con nhưng yêu như thế nào cho đúng. Nếu như tình yêu thương dành cho các con của Phúc lớn đến vậy thì Phúc nên làm mọi thứ để gia đình ấy không tan vỡ từ trước. Và nếu Phúc trân quý gia đình nhỏ ấy thì đã không buông mà phải níu đến cùng. Đáng lý ra, một khi Phúc chấp nhận buông, Phúc phải nghĩ đến cảm nhận của con mình. Hay một lần Phúc tự mình đặt ra câu hỏi, con muốn sống với ai? Liệu những việc mình làm có quá tàn nhẫn khi thêm một lần xáo trộn lâm lý của con trẻ hay không?

Đáng nói, 2 đứa con của Phúc quấn quýt bên nhau, bây giờ buộc chúng phải tách nhau ra quả thực sao nỡ. Nếu thương con, người cha có thể cấp dưỡng hàng tháng để các con có điều kiện được ăn học tốt hơn, thường xuyên thăm con, quan tâm, chăm sóc cũng thể hiện được tình cảm dành cho con mình... Có nghĩa là, trong trường hợp xấu nhất cả hai không còn tìm thấy tiếng nói chung, chấp nhận ly hôn thì cũng phải sống làm sao để còn chút tình vì con, trên nữa đó là trách nhiệm.

 

Tôi còn nhớ, mới đây nhất tôi nhận được một lá đơn đẫm nước mắt của một người phụ nữ kèm theo những dòng thư của một cô bé nói về nguyện vọng được sống với mẹ và bà ngoại khiến tôi không kìm được lòng mình. Tôi tự hỏi, người đàn ông ấy “nhân danh” tình yêu con đề giành quyền nuôi con về phần mình sau một thời gian “lạnh nhạt” liệu có động cơ gì không? Nếu có, thì quả thật tàn nhẫn và đáng sợ. Chuyện là hai anh chị đã ly hôn, chị nuôi con gái. Sau thời gian ly hôn, người vợ cùng với con gái đã có cuộc sống ổn định, phía người chồng đã có gia đình mới và có một người con. Không hiểu lý do gì, đột nhiên người chồng khởi kiện thay đổi quyền nuôi con. Đáng nói, đứa bé con chung của hai người chỉ muốn sống với mẹ và bà ngoại, không muốn sống với ba.

Đọc những dòng “tâm sự đầy nước mắt” của con trẻ, người viết càng thấy người lớn quá tàn nhẫn. Đối với một cuộc hôn nhân đã tan vỡ, hạnh phúc còn lại có chăng chỉ gói gọn lại ở những đứa con. Ai cũng muốn tìm niềm vui, sự yêu thương bên con trẻ nên muốn được quyền trực tiếp nuôi con, thế nhưng, tình yêu thương ấy đôi khi vô tình biến đứa trẻ trở thành nạn nhân và thêm lần in hằn thương tổn. Chưa kể, nếu vì một mục đích nào đó, người lớn dùng con trẻ như một “chiêu bài” để khơi chiến thì đớn đau còn lớn hơn bội lần.

Đã có rất nhiều cái kết đau lòng đằng sau câu chuyện ly hôn của các gia đình. Hậu quả của việc ly hôn không chỉ là chấm dứt mối quan hệ hôn nhân giữa hai người mà nó còn kéo theo các hệ lụy khác như: Hạnh phúc gia đình đổ vỡ, những đứa trẻ bị tổn thương, thiếu tự tin trong cuộc sống để rồi việc vướng vào các tệ nạn xã hội… Đừng để những quyết định sai lầm của người lớn đẩy con cái, gia đình vào bước đường cùng. Đặc biệt, nếu không cho các con một mái nhà hạnh phúc thì người làm cha làm mẹ phải cùng nhau bù đắp cho con, bỏ qua sự hằn học về nhau để dành những điều tốt đẹp nhất cho con trẻ. Xin đừng “đánh cắp” tuổi thơ của các con, dù đó chỉ là một lần trong đời!

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm