Những món đặc sản Hà Tĩnh đừng nên bỏ lỡ
Làm bánh canh tôm, thịt bằm nước cốt dừa đặc sản miền Tây / Bí quyết làm sủi cảo, há cảo tôm thịt - đặc sản nổi tiếng Trung Quốc
1. Nem chua xứ Nghệ
Nem chua không chỉ là món “mồi” ngon để nhâm nhi ly rượu, chúc nhau ngày xuân, mà còn là món quà quê hấp dẫn mang hương vị đặc trưng xứ Nghệ, một tinh túy ẩm thực của người dân Việt, chứa đựng trong đó bề dày văn hóa của ẩm thực làng quê.
Ảnh minh họa.
Trong những ngày cuối tháng Chạp, thời tiết miền Trung vẫn còn se se lạnh, nhưng không khí bắt đầu đầy ắp hương vị của Tết, len lỏi từ trong chái bếp, dịu dàng quyện vào khói sương lan tỏa trên từng mái nhà, thoang thoảng trong gió mùi hương thơm các loại mứt bánh kẹo, dưa hành, củ kiệu, bánh chưng bánh tét … phả ra bao trùm khắp cả làng quê.
Bên cạnh những món ăn ngon trong ngày Tết cổ truyền dân tộc, có thể nói món nem chua là món đặc trưng nhất, có những nét hấp dẫn rất riêng và rất lôi cuốn người thưởng thức mà không có món ăn nào qua được. Đặc biệt là mùi hương tỏa ra từ quả nem sẽ rất khó mà khước từ vị giác từng người, từ thành thị đến nông thôn kể cả những người nước ngoài, là một trong những ẩm thực mang đậm nét văn hóa hồn quê đất Việt.
2. Bưởi Phúc Trạch
Nhắc đến bưởi, người miền Nam đã rất quen thuộc với bưởi Tân Triều (Đồng Nai), Năm Roi (Vĩnh Long)…còn miền Bắc có bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ) là đặc sản nổi tiếng. Đến với quê hương Đại thi hào Nguyễn Du, ta lại có thêm thứ đặc sản của “hồn đất - tình người”, đó là bưởi Phúc Trạch.
Bưởi Phúc Trạch chỉ có mùa vào khoảng tháng 7,8 và 9 âm lịch, lâu nay sản lượng thường không đủ để cung cấp cho nhu cầu của các tỉnh phía Bắc. Điều đặc biệt là giống bưởi này đã được lấy đi trồng ở nhiều nơi và cũng được chăm sóc rất công phu nhưng quả không bao giờ ngon được như trên đất Phúc Trạch.
Không chỉ có giá trị ở độ ngon ngọt, bưởi Phúc Trạch còn được chuộng vì rất dễ bảo quản. Quả có lớp vỏ dày, cứng nên vận chuyển đi xa rất ít bị giập nát. Bưởi tươi ngon rất lâu mà không cần bất kỳ loại hóa chất bảo quản nào. Ở Hương Khê, một số gia đình chỉ cần vùi bưởi vào cát ẩm hoặc bôi vôi vào cuống rồi để ở nơi thoáng mát là có thể giữ được 3 - 5 tháng.
3. Cu đơ Hà Tĩnh
Những ai dù ở miền Bắc hay Nam cũng không lạ gì khi nghe đến tên "cu đơ Hà Tĩnh". Đã có nhiều nơi làm nhưng kẹo cu đơ Hà Tĩnh có vị ngọt đậm đà, cùng với bát nước chè xanh vừa thơm vừa chát, hai vị hòa tan vào nhau rất thú vị.
Kẹo cu đơ có hình tròn như chiếc gương, nhìn bề ngoài thô ráp và sần sùi nhưng lại rất thơm, có vị đậm đà của mật mía, thơm cay cay của gừng tươi, cái giòn tan của lạc và bánh tráng vừng. Miếng bánh vừa dai, vừa ngọt, vừa thơm lại vừa cay…ăn rất “lạ miệng”.
Kẹo cu đơ ngày nay, cầu kỳ và bắt mắt hơn nhiều. Lạc được chọn làm nhân phải là lạc đồi, giòn, đều hạt, vỏ ngoài mỏng và bóng. Mật mía phải là thứ mật sánh, thơm và đặc như mật ong. Bánh tráng không quá dày cũng không quá mỏng, phải có vừng và gừng ở đều vỏ bánh.
Cầm miếng bánh cu đơ trên tay vừa nặng, vừa chắc, cắn miếng bánh phải dẻo quẹo, nồng nồng cay cay của gừng và thơm bùi của lạc, đấy mới là chiếc bánh chuẩn và ngon. Ăn cu đơ và ngâm nga bát nước chè xanh cùng đôi câu chuyện thấy cuộc sống và con người Hà Tĩnh thật đôn hậu, một nét văn hóa độc đáo.
4. Bánh đa vừng
Ở Hà Tĩnh có một món ăn dân dã, rẻ tiền mà thật ngon, đó là món bánh đa. Vùng nào, chợ nào, quán nào cũng có nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bánh đa Chợ Tỉnh, Chợ Cầy, Chợ Hội... Bánh đa ở những vùng này dầy, to, giòn và đặc biệt là có rất nhiều vừng đen, ăn vừa béo, thơm, vừa giòn, khi đói có thể ăn trừ cơm, chỉ thấy no mà không thấy chán.
Bánh đa được làm hoàn toàn bằng gạo ngon, không pha thêm ngô, thêm sắn như ở nhiều nơi khác. Thông thường khi làm bánh đa, nguời ta chọn loại gạo gié vụ mùa, vừa dẻo, vừa thơm, không dùng gạo xay từ các vụ lúa trước, năm trước vì lúa để lâu gạo mất chất.
Khách cầm bánh, xé nhỏ từng miếng, chấm với nước mắm cốt pha chanh, ớt cay xè, có vài giọt cà cuống thì càng ngon tuyệt. Ăn bánh cặp bạn sẽ có cảm giác vừa giòn, vừa mềm mềm, thơm, béo, ngon ngọt, cay. Ở Hà Tĩnh người ta còn ăn bánh tráng xúc nham (gỏi) bắp chuối, hến xào...
5. Gỏi cá đục
Về với mảnh đất đại thi hào Nguyễn Du, là cái nôi của ca trù... chúng ta lại được thưởng thức nhiều món ăn được chế biến từ biển, trở thành nét văn hóa riêng của làng biển.
Cá đục dài khoảng 13-18cm, thân to hơn ngón tay cái, sống gần bờ biển, có hình dạng tương tự loài cá bống nước ngọt. Cá đục có thể chế biến được rất nhiều món ngon vì thịt chắc, trắng, có vị ngọt và hầu như mùa nào cũng có.
Ăn gỏi cá đục nhất thiết phải có rau thơm và các loại lá sung, lá đinh lăng, lá xoài non... cùng với xoài xanh, khế chua, chuối xanh thái lát mỏng, khi ăn dùng bánh đa nem cuộn rau với cá, chấm với nước lèo. Khi ăn gỏi cá đục, bạn sẽ cảm nhận được vị béo của cá, vị bùi của cùi dừa, vị cay, vị chua lẫn vị thanh thanh, ngọt ngọt rất đặc biệt.
6. Mực nhảy Vũng Áng
Vũng Áng vốn là một khu kinh tế cảng biển của huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh nổi bật là một vùng biển xanh non nước hữu tình. Đến Vũng Áng bạn còn được nhiều món hải sản vô cùng tươi ngon, nhất là mực nhảy.
Loại mực nhảy Vũng Áng - đặc sản Hà Tĩnh - này được những người thợ câu trong đêm sau đó đem thả vào các khoang thuyền trữ nước biển rồi đem về bán. Vì mực ở đây luôn tươi rói, lúc nào cũng nhảy nhót vì mới có tên là mực nhảy.
Theo người dân nơi đây, mực nhảy còn được gọi là mực “nháy”, muốn nhấn mạnh đôi mắt mực còn sống nhấp nháy, hoặc da mực mới vớt lên khỏi nước ánh lên lấp lánh. Dù là mực “nhảy” hay mực “nháy” thì cùng giống nhau ở đặc điểm là mực còn tươi, sống.
End of content
Không có tin nào tiếp theo