Đời sống

Nữ sinh 2 lần dũng cảm chống lại tục “bắt vợ” để viết tiếp ước mơ đến trường

Em Hà Thị Hồng T. (SN 2000), học sinh người Thái tại huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An bị trai làng 2 lần tổ chức “bắt vợ” trong dịp Tết. Thay vì cam chịu như nhiều thiếu nữ khác, T. quyết tâm chống lại phong tục bị trai làng biến tướng thành hủ tục, để trở lại trường lớp với bạn bè.

Vì sao ngủ không nên dùng gối? / Cách làm bò bít tết đơn giản tại nhà

Có sự “tiếp tay” của người thân?

Nhìn học sinh vui vẻ chơi đùa trong khuôn viên nhà trường, thầy giáo Nguyễn Minh Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Quỳ Hợp 3, tỉnh Nghệ An không khỏi lo lắng khi một học kỳ nữa sắp kết thúc. “Chỉ trong thời gian ngắn nữa, tất cả học sinh sẽ được trở về nhà nghỉ Tết. Các em thì thích thú được nghỉ, còn chúng tôi thì lo lắng sẽ mất học trò, vì năm nào sau Tết cũng có vài em bị bắt làm vợ”, thầy Đạt nói.

Như năm học 2015-2016, có 4 học sinh của trường phải xin nghỉ học vì về làm vợ, trong đó có 2 em mới 16 tuổi đang học lớp 10, một em lớp 11 và một em lớp 12. Đến năm học 2016-2017, tiếp tục có 3 em bị trai bản rình bắt làm vợ. Nhà trường đã can thiệp nhưng chỉ thành công một trường hợp duy nhất là em Hà Thị Hồng T..

Nữ sinh 2 lần dũng cảm chống lại tục “bắt vợ” để viết tiếp ước mơ đến trường - ảnh 1
bắt vợ hủ tục bắt vợ ước mơ đến trường tục bắt vợ chống lại tục bắt vợ

Thời điểm đó, T. đang là học sinh cuối cấp của trường THPT Quỳ Hợp 3. 18 tuổi, T. không ngờ mình lại trở thành nạn nhân của tục “bắt vợ” hay còn gọi là “trộm vợ”. Người gây ra sự việc trên là V.V.H. (SN 1995, trú cùng xã). H. thích T. từ lâu, hai nhà cũng quen biết nhau. Tuy nhiên T. chỉ xem H. như một người anh và đã nhiều lần giải thích việc mong muốn được đi học như bạn bè cùng trang lứa.

“Mùng 1 Tết Mậu Tuất, H. cùng bạn anh ấy đến nhà em chúc Tết và uống rượu với bố em. Đến 22h cùng ngày, do trong nhà hết rượu nên bố nhờ em và anh H. đi mua về uống tiếp. Thấy anh chở đi vòng vèo, em nghi nghi, đòi xuống nhưng anh không dừng xe lại. Bất ngờ anh H. hỏi, làm vợ anh ấy nhé, em sợ quá liều nhảy xuống và chạy một mạch đến nhà người dân. Sau đó, em mới gọi điện nhờ anh trai đến đón về”, T. nhớ lại.

Những tưởng từ chối dứt khoát thì H. sẽ bỏ cuộc, nhưng T. không ngờ, H. thuyết phục một số người thân trong gia đình để bắt em về làm vợ lần nữa. Theo T., vào ngày mùng 4 Tết, em sang nhà bà ngoại chơi và H. cũng đi theo. Khi biết chuyện H. muốn lấy T. làm vợ, nhiều người đã khuyên T. đồng ý.

Đến 21h cùng ngày, do say rượu nên một người mợ đã nhờ T. và H. đưa về nhà. Lần này, H. chở T. đến thẳng nhà của mình. Ở đó họ đã chuẩn bị sẵn mâm cơm, một chum rượu cần để chuẩn bị cho lễ “cúng ma nhà”. “Em khóc, xin họ thả ra để về nhưng họ không chịu. Họ bắt em ngồi trước mâm cơm để “cúng ma”. Em nhớ mẹ dặn nếu không ăn chung mâm, không uống chung chum rượu cần, làm đứt dây buộc 1 cần uống rượu thì đám cưới sẽ không diễn ra nên em nhất quyết không ăn, không uống”, T. nhớ lại.

 

Mặc cho T. cầu xin, H. nhất quyết không chịu. Sau đó, T. một lần nữa phải gọi điện cho anh trai. Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cùng người thân, T. mới thoát thân. Nhưng ngay ngày hôm sau, gia đình H. đã đưa trầu cau sang hỏi cưới T.. Bố mẹ cho T. tự quyết định.

Trước việc này, T. dõng dạc khẳng định không lấy H., nhờ bố mẹ từ chối lễ vật. Chuyện ép hôn của T. chỉ kết thúc khi có sự can thiệp của nhà trường. Chính thầy Nguyễn Minh Đạt đã xuống nhà giải thích cho bố mẹ nữ sinh này hiểu, rồi nhờ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vào cuộc nhắc nhở gia đình chàng trai kia. Sau khi T. đi học lại thì đạt kết quả rất khá, em đỗ vào ngành du lịch và tiếp tục thực hiện ước mơ của mình. Hiện em đang ôn thi để giành suất đi du học ở nước ngoài.

Hủ tục ám ảnh nữ sinh

“Nếu như đồng bào Mông có tục “cướp vợ” thì đồng bào Thái tại huyện Quỳ Hợp cũng có tục “trộm vợ”. Đây vốn là một phong tục tốt đẹp và có từ lâu đời. Nguyên do là xưa quá nghèo không thể cưới vợ gả chồng, nên người ta nghĩ ra cách bắt vợ để các đôi trai gái có thể về được với nhau. Nhưng hiện nay nó đã biến tướng, trở thành nỗi ám ảnh của không ít nữ sinh”, thầy Đạt cho hay.

Chính thầy Đạt cũng đã từng trực tiếp giải cứu học trò khỏi một vụ trộm vợ. Đó là một đêm đầu tháng 1 cách đây mấy năm, đang nghỉ trong phòng, thầy choàng dậy khi nhận được thông tin học sinh Lô Thị T. (lớp 11C) bị 6 thanh niên “trộm vợ” ngay trước dãy trọ cạnh trường. Lúc này, em T. đã bị ép lên một chiếc xe máy và đang di chuyển về nhà để làm lễ.

 

“Tôi đuổi kịp nhóm thanh niên và ép được chiếc xe máy đang chở em T. dừng lại. Nói thực lúc đó cũng hơi sợ vì chỉ một mình, trong khi bên kia có đến 6 nam thanh niên. Nhưng họ biết tôi là thầy giáo nên không dám xông vào, chỉ yêu cầu được đưa T. đi, tôi thì không chịu. May mà sau đó các thầy cô khác trong trường đến kịp thời nên giải thoát được cho em T.”, thầy Đạt nhớ lại.

Thế nhưng có rất nhiều học sinh ở vùng sâu vùng xa trở về nhà trong dịp Tết hoặc hè, khi nhà trường biết được thông tin thì đã muộn vì các em đã hoàn tất các thủ tục theo phong tục của đồng bào Thái. Trong trường hợp này, nhà trường trực tiếp xuống vận động gia đình 2 bên để các em tiếp tục đi học. Nếu gia đình chàng trai không chịu thì nhà trường sẽ làm văn bản gửi cơ quan công an vào cuộc điều tra, bởi phần lớn các nữ sinh đều chưa đủ 18 tuổi.

Bà Trương Thị Bích Hiệp, Phó Chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quỳ Hợp cho biết, mỗi năm cơ quan chức năng đều phối hợp với tất cả trường học trên địa bàn tổ chức các lớp ngoại khóa bàn về tục cướp vợ và chống nạn tảo hôn. “Một trong những nguyên nhân là các em gái cam chịu khi bị trộm làm vợ. Hơn nữa, tình trạng trộm vợ xảy ra ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện nên khi cơ quan chức năng biết thì đã muộn. Vì vậy, cách tốt nhất là phải tuyên truyền nâng cao dân trí, để các em ý thức được bảo vệ bản thân”, bà Hiệp nói.

Theo doisongphapluat.com
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm