DNVN – Nước ngọt có ga hầu như không chứa các thành phần dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất hay chất xơ. Thế nhưng, chúng đang dần thay thế cho các loại nước giải khát tốt cho cơ thể như nước lọc hay nước ép trái cây. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh lý như béo phì hay tiểu đường.
Các thành phần của nước ngọt có ga
Thành phần chủ yếu của nước ngọt có ga là cacbon đioxit (CO2), và đường. Ngoài ra, chúng còn chứa caffeine, phẩm màu, chất tạo hương liệu, chất bảo quản và một số chất phụ gia khác.
Hầu như, các loại nước ngọt thường không chứa các chất dinh dưỡng, nhưng chính thành phần caffeine đã kích thích hệ thần kinh trung ương tạo cho người uống có cảm giác tỉnh táo và sảng khoái. Chính vì vậy, nước ngọt có ga là sự lựa chọn yêu thích của mọi người.
Bệnh béo phì
Theo những nghiên cứu cho thấy, lượng đường chứa trong 1 chai nước ngọt có ga tương đương với 22 gói đường nhỏ để pha cà phê. Với lượng đường này, cơ thể sẽ kích thích ra nhiều insulin hơn để đảm bảo nhu cầu “cất giữ” đường của cơ thể.
Đồng thời, gan sẽ nhanh chóng biến đường thành chất béo, từ đó gây ra bệnh béo phì nếu tình trạng uống quá nhiều nước ngọt có ga trong khoảng thời gian dài.
Bệnh đái tháo đường
Nước ngọt có ga còn ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy chuyển hóa đường của cơ thể. Cơ thể đều có những cơ chế bù trừ để bảo vệ chúng ta khỏi những tác nhân gây hại. Thế nhưng, nếu các yếu tố có hại xâm nhập ngày càng nhiều sẽ làm rối loạn sự bù trừ, từ đó gây bệnh cho cơ thể.
Cũng giống như việc uống quá nhiều nước ngọt, làm tăng lượng đường trong cơ thể. Cơ thể sẽ tăng tiết insulin (cụ thể là tuyến tụy sẽ tăng cường làm việc và tiết insulin) để “cất giữ” đường. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, tụy sẽ liên tục làm việc quá sức dẫn đến suy tụy. Lúc này, tụy sẽ giảm tiết insulin, insulin không đủ để “đẩy” đường vào trong tế bào nên làm tăng lượng đường trong máu. Đây cũng là cơ chế gây đề kháng insulin hay còn gọi là đái tháo đường.
Gan nhiễm mỡ
Nước ngọt có ga ảnh hưởng tới hoạt động của gan Như chúng ta đã biết, insulin do tuyến tụy tiết ra đóng vai trò như “người hướng dẫn” gan trong quá trình chuyển hóa đường của cơ thể. Gan dự trữ đường dưới dạng glycogen và mỡ, nhưng khả năng dự trữ này của gan chỉ có giới hạn.
Khi uống quá nhiều nước ngọt có ga, lượng đường trong cơ thể sẽ dư thừa, đặc biệt là đối với những người ít vận động, lượng chất béo được chuyển hóa từ đường sẽ khiến cho gan tích lũy mỡ quá nhiều gây nên bệnh lí gan nhiễm mỡ.
Tuệ Tâm (tổng hợp)