Đời sống

Nuôi loài cá "lạ" ở chuồng heo cũ, lớn con nào lái khuân đi con đó

Gần đây nghề nuôi cá tầm đã thu hút nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Ðam Rông (tỉnh Lâm Đồng), bởi hiệu quả đem lại của nó hơn hẳn nhiều loại con vật nuôi ở huyện. Nguồn lợi từ những lứa cá thương phẩm đầu tiên của một số hộ đi tiên phong trong việc nuôi cá tầm ở đây, đã mở ra một triển vọng mới cho nghề nuôi cá nước lạnh ở địa phương.

Hiệu quả mô hình nuôi cá lăng nha / Ninh Bình: Nuôi cá lóc bán Tết, nông dân đếm tiền... mỏi tay

Mặc dù là loài cá đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng do đặc điểm của loài cá nước lạnh nên không phải nơi nào cũng nuôi được. Trong khi đó ở địa bàn xã Rô Men, theo một người có kinh nghiệm trong nghề, thì nơi đây có điều kiện tự nhiên lý tưởng cho việc nuôi cá tầm.

Điển hình nhất là địa bàn Thôn 1 và Thôn 2 nằm ở thượng nguồn của dòng suối Nước Mát, nhiệt độ quanh năm mát lạnh, dòng nước trong lành chưa bị ô nhiễm là môi trường thuận lợi cho loài cá này phát triển.

nuoi loai ca

Sau 10 tháng nuôi, cá tầm của gia đình anh Hưng đạt trọng lượng mỗi con gần 2 kg. Ảnh: Vi Xuân

Hiện nay, tại thôn này có 2 doanh nghiệp và 4 hộ nuôi, những hộ nuôi nhiều trên dưới 10.000con giống, hộ nuôi ít cũng có đến 1.000con. trong đó có một doanh nghiệp chuyên ươm cá giống, để cung cấp cho các tỉnh bạn. Bước đầu một số hộ đã có cá thương phẩm xuất bán ra thị trường với lợi nhuận khá cao.

Một trong những hộ có cá thương phẩm bán lứa đầu tiên, đó là hộ anh Vũ Văn Hưng ở Thôn 2, xã Rô Men. Sau một thời gian chật vật với nghề nuôi heo với quy mô lớn, nhưng lợi nhuận không được bao nhiêu, gia đình anh quyết định chuyển sang nuôi cá tầm.

Anh Hưng cho biết, cách đây hơn 1 năm do giá heo rớt giá, nguồn thức ăn chăn nuôi lại cao, nên một thời gian dài anh bỏ không gần 300 m2 chuồng trại. Từ đầu năm 2018, trên địa bàn thôn có công ty ươm giống cá tầm đến đầu tư ở khu vực gần nhà. Ý tưởng nuôi cá tầm của anh xuất hiện từ đó. Sau một thời gian tự tra cứu, học hỏi kinh nghiệm, anh tiến hành cải tạo 300 m2 chuồng trại nuôi heo cũthành bể cá.

Đồng thời đầu tư thêm 100 triệu đồng để lắp đặt hệ thống ống dẫn nước, đưa nước từ con suối gần nhà vào các bể nuôi cá, được cải tạo từ các chuồng nuôi heo. Sau khi vệ sinh, khử trùng chuồng trại và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, anh mua 3.000 con giống cá tầm, loại 3 tháng tuổi thả vào bể, với giá bình quân 28 ngàn đồng/con. Cũng từ đó vợ chồng anh bắt đầu cho cuộc hành trình mới trong chăn nuôi.

Anh Hưng tâm sự: “Lúc đầu mình tưởng cá tầm khó nuôi, nhưng hóa ra lại dễ. Vì khu vực gần nhà đang có nguồn nước suối tự chảy, nguồn nước không bị ô nhiễm, lại có nhiệt độ thích hợp để cá phát triển”.

 

Trong quá trình nuôi, gia đình anh luôn chú ý vệ sinh nguồn nước, không để bị nhiễm. Bởi theo anh loài cá này chỉ sống trong môi trường nước sạch, nếu nước bị ô nhiễm, hoặc không có nguồn nước vào ra liên tục, thiếu oxy thì cá sẽ chết.

Về thức ăn, hiện tại anh chỉ cho cá ăn cám công nghiệp, một loại cám chuyên dụng cho cá tầm, với giá khoảng 32.000đồng/kg, nhưng phải mua tận thành phố Hồ Chí Minh vì tại địa phương không có. Anh Hưng cho biết thêm: Cứ bình quân trong vòng 10 tháng, kể từ khi bắt giống đến khi xuất bán, mỗi con cá tiêu thụ khoảng 3 đến 3,5 kg cám, thì trọng lượng mỗi con đạt từ 1,8 kg đến 2 kg.

Gần đây, sau hơn 10 tháng chăn nuôi, gia đình anh đã xuất bán bớt 100 con, bình quân mỗi con nặng gần 2 kg. Theo cách tính của anh thì mỗi con anh cũng có lãi từ 120 đến 140 nghìn đồng. Nếu xuất bán hết 1.000 con, gia đình anh có lãi ít nhất hơn 100 triệu đồng.

Qua trao đổi với một số hộ nuôi cá tầm ở đây, thì việc nuôi loại cá này tuy dễ mà khó, khó mà dễ. Dễ là ở đây có môi trường thiên nhiên ưu đãi, có tiểu vùng khí hậu phù hợp cho con cá tầm phát triển, nguồn nước suối tự nhiên đầu nguồn mát lạnh, không bị ô nhiễm.

Nguồn nước này lại ở các khe, suối từ rừng cao quanh năm đổ về, nên dễ dàng cho việc dẫn nước về tận nhà để chăn nuôi. Cái khó là việc nuôi cá tầm ban đầu phải bỏ ra một số vốn lớn, phải hàng trăm triệu đồng cho đầu tư chuồng trại, con giống, thức ăn. Nhưng cái khó nhất là phải “tiền trao, cháo múc, “thậm chí” tiền trao trước, cháo mới múc sau”.

 

Không như nuôi heo, tiền thức ăn có thể nợ đến khi heo xuất chuồng mới trả. Hiện nay việc mua thức ăn cho cá phải đặt hàng tận TP Hồ Chí Minh và phải chuyển tiền trước mới có cám chuyển về. Mỗi lần đặt hàng phải đủ tải trọng một chuyến xe theo quy định, thì bên cung ứng mới chấp nhận.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện về việc nuôi cá tầm ở huyện, ông cho biết: Việc nuôi cá tầm là mô hình rất mới ở địa phương, đang được huyện và ngành quan tâm, tạo điều kiện để bà con phát triển. Gần đây, huyện cũng đã tạo điều kiện cho các hộ thành lập một hợp tác xã nuôi cá tầm tại xã Rô Men.

Về phía ngành nông nghiệp cũng đang cử cán bộ về cơ sở để hướng dẫn các hộ chăn về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, đồng thời khảo sát thực tế để có cơ sở định hướng, kiến nghị các ngành chức năng, tạo điều kiện về nguồn vốn vay cho các hộ.

Ông Đào Bá Trực - Phó Chủ tịch UBND xã Rô Men cho biết: “Chính quyền địa phương cũng đang cùng với các ngành liên quan giúp bà con có thêm kỹ thuật chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời hướng bà con vào tổ hợp tác, để chăn nuôi có quy trình, quản lý được nguồn chất lượng con giống và sản phẩm đầu ra”.

Theo một số người có kinh nghiệm về nuôi cá tầm ở đây, với điều kiện về tự nhiên, môi trường, khí hậu, nguồn nước suối lạnh dồi dào trong sạch như Đam Rông, thì không chỉ ở Rô Men mà ở địa bàn các xã khác trong huyện, cũng có thể phát triển được nghề nuôi cá tầm. Mô hình này bước đầu đã mở ra triển vọng khả quan cho ngành chăn nuôi ở huyện.

 

1
Theo Báo Lâm Đồng
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm