Đời sống

Sai lầm chết người của cha mẹ khi thấy con ho, khó thở về đêm

Thấy con ho nhiều, khó thở, khò khè về đêm và sáng sớm, nhiều cha mẹ vội vã mua thuốc kháng sinh về điều trị cho con. Nhưng đây lại là sai lầm chết người mà cha mẹ mắc phải khi tự ý điều trị bệnh cho con.

Mẹo hay trị ho hiệu quả cho bé khi trời mưa lạnh / Xử lý khi trẻ bị ho đờm, khò khè

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hoàn, Phó trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ bị khò khè, khó thở, nặng ngực và ho nhiều lúc nửa đêm và sáng sớm là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh hen phế quản. Đây là bệnh không thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát bằng các biện pháp dự phòng.

Đặc biệt, bệnh hen phế quản điều trị bằng thuốc kháng sinh hầu như không có kết quả. Việc cha mẹ tự ý mua thuốc điều trị cho con sẽ làm bệnh tình của con trở nên nguy hiểm, gia tăng tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ và gây khó khăn cho việc điều trị bệnh sau này.

  Đối với trẻ bị hen, cha mẹ tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khi chưa có sự khám, tư vấn của bác sĩ (Ảnh minh họa)

Đối với trẻ bị hen, cha mẹ tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khi chưa có sự khám, tư vấn của bác sĩ (Ảnh minh họa)

Cha mẹ phải hiểu rằng: “Hen phế quản là bệnh viêm mạn tính của đường hô hấp gây ra hiện tượng tăng phản ứng phế quản. Khi tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, phế quản bị tắc nghẽn và hẹp lại do co thắt, tăng tiết đờm và tăng quá trình viêm.

Hen phế quản thường có các đợt khò khè, thở ngắn hơi, nặng ngực và ho tái phát đặc biệt thường xảy ra về đêm và sáng sớm.

Để phân biệt con trẻ bị hen phế quản với trường hợp viêm nhiễm do vi khuẩn, ho do viêm phổi, cha mẹ cần chú ý đến các biểu hiện như: trẻ bị các bệnh đường hô hấp do yếu tố viêm nhiễm thì thường hay khởi phát cơn ho khi trẻ thức, vào ban ngày, khi trẻ chơi, trẻ ăn, trẻ gắng sức, trẻ chạy nhảy… thì sẽ biểu hiện ho. Còn đứa trẻ có biểu hiện hen, có yếu tố cơ địa dị ứng thì thường hay khởi phát ho, khó thở vào buổi đêm và sáng sớm” – BS Mai Hoàn chỉ rõ.

Để tránh các bệnh về đường hô hấp cho trẻ nói chung trong đó có bệnh hen phế quản, cha mẹ phải nhớ giữ ấm cho trẻ nhưng phải thoáng khí.

Nguyên nhân là do trẻ có yếu tố dị ứng, ho, khó thở về đêm và sáng sớm thường có mồ hôi trộm. Vậy nên, nếu cha mẹ giữ ấm không đúng cách cho trẻ sẽ làm mồ hôi lạnh ngấm ngược trở lại vào người trẻ và làm trẻ bị bệnh về đường hô hấp.

 

  trẻ có yếu tố dị ứng, ho, khó thở về đêm và sáng sớm thường có mồ hôi trộm (Ảnh minh họa)

Trẻ có yếu tố dị ứng, ho, khó thở về đêm và sáng sớm thường có mồ hôi trộm (Ảnh minh họa)

Cha mẹ cũng cần tránh cho trẻ tiếp xúc với những yếu tố khởi phát cơn hen như lông động vật, khói hương đốt, khói bếp than, khói thuốc lá, khói thuốc lào, bụi nhà, nấm mốc…

Thường trẻ ho, khó thở liên quan đến độ ẩm, thời tiết. Trẻ ho, khó thở nhiều về đêm và sáng sớm là do độ ẩm ở thời điểm đó cao, nhiệt độ giảm sâu, nồng độ cortisol trong máu lúc đó là thấp nhất.

Vì vậy việc điều trị bệnh phải dùng corticoid là để bổ sung lại nồng độ cortisol trong máu bị giảm thấp vào nửa đêm và sáng sớm.

Ngoài ra, cha mẹ cùng cần chú ý khi sử dụng điều hòa cho trẻ nhỏ để không nguy hại đến sức khỏe của trẻ. Nên để nhiệt độ trong phòng không được chênh lệch quá nhiều với nhiệt độ môi trường bên ngoài, không chênh lệch quá 5 – 7 độ C.

 

Bệnh hen phế quản nếu được kiểm soát tốt sẽ không ảnh hưởng gì đến hoạt động thể chất và tinh thần của trẻ.

Trẻ có thể chơi mọi loại hình thể thao như các trẻ bình thường khác. Nếu hoạt động thể thao làm trẻ lên cơn hen, trẻ có thể được bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn sử dụng thuốc để phòng ngừa và bảo vệ trong suốt quá trình chơi thể thao.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm