Đời sống

Thận trọng khi sử dụng cây nha đam làm đẹp

Nha đam hay lô hội là một loại cây được chị em tin tưởng sử dụng để làm đẹp. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều và lạm dụng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như làn da.

Ảnh minh họa.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy: Trong cây nha đam có chứa chất aloin (chiếm tới 16 - 20%) có tác dụng tẩy vị đắng. Nếu sử dụng ở liều cao, chất aloin này có thể làm co bóp, chống táo bón giống như thuốc sổ, nên sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược, rối loạn chức năng gan, thận.

Ở phụ nữ mang thai, chất aloin làm cổ tử cung co bóp gây sảy thai, sinh non hoặc dị dạng. Với trẻ nhỏ, chất aloin này có thể gây hậu quả như rối loạn tiêu hóa, làm tim đập nhanh, hồi hộp lâu ngày có thể gây hoang tưởng. Người bình thường nếu dùng từ 8g nha đam trở lên có thể gây chết người, vì tiêu chảy, mất nước, suy nhược cơ thể, rối loạn tiêu hóa, suy gan thận, loạn nhịp tim…

Đặc biệt, khi sử dụng gel nha đam bôi lên mặt làm đẹp trong thời gian dài có thể gây dị ứng như viêm, mề đay và đỏ mi mắt. Các tác dụng phụ khác trên da như khô, cứng, phát triển các nốt tím và nứt nẻ… Ngoài ra, khi bôi nha đam ra ngoài nắng có thể gây kích ứng, phát ban hoặc đỏ, bỏng da.

Để cải thiện và chăm sóc làn da của mình, chị N.T.C. (trú tại Tân lợi, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã sử dụng gel nha đam bôi lên vùng da mặt với ý nghĩ da sẽ trắng sáng và mịn màng hơn. Tuy nhiên, sau khi sử dụng nha đam, da mặt chị bị ửng đỏ, mẩn ngứa.

Cùng với suy nghĩ của chị C., chị T.T.T. (trú tại Tân lợi, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cũng sử dụng nha đam bôi lên vùng mặt hằng ngày. Sau một thời gian sử dụng, da chị bị khô, nứt nẻ và xuất hiện các nốt tím.

Theo tài liệu của PGS.TS Nguyễn Trọng Nghĩa, Giảng viên Khoa Y học cổ truyền - Đại học Y dược TP.HCM, mỗi ngày có thể dùng 200g gel nha đam để ăn uống hoặc chữa bệnh. Tuy nhiên, không nên dùng quá nhiều trong một ngày vì có thể gây ra tác dụng không tốt. Người dùng quá liều có thể bị nổi mẩn ngứa và gây chứng phát ban.

Lưu ý không sử dụng nha đam cho phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ em dưới 12 tuổi cũng không được khuyến khích sử dụng cây nha đam để làm nước ép vì có thể gây hại cho dạ dày, táo bón…

Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo: Chỉ nên đắp mặt với nha đam không quá 3 lần/tuần. Trước khi sử dụng nên thử độ thích ứng của da bằng cách bôi một ít lên vùng da nhỏ, nếu thấy không có dấu hiệu gì lạ mới tiếp tục sử dụng. Cần thận trọng khi đắp nha đam ở những vùng da nhạy cảm như da mắt, mặt… Đây là những vùng da rất dễ bị dị ứng gây mẩn ngứa, viêm loét hoặc nấm đen khó chữa, ảnh hưởng đến thẩm mỹ lâu dài.

Ngoài ra, do nha đam có tính tẩy sạch và làm bong tróc các biểu bì sừng, giúp tái tạo tế bào mới, nên khi lớp da non tiếp xúc với các tia bức xạ ngoài trời sẽ rất dễ gây nám, sạm da. Vì vậy, sau khi làm đẹp da bằng gel nha đam, cần bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời.

Theo Phượng Vũ/VTV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo