Từng học y và làm ở bệnh viện song thấy không phù hợp, Hải Nam quyết định bỏ việc, lên TP.HCM theo đuổi nghề xăm. Sau gần 10 năm, anh mua được căn chung cư nhỏ ở quận 1.
Có bố công tác trong ngành y, Tô Hải Nam (sinh năm 1985, quê Bạc Liêu) sớm được định hướng đi theo con đường này. Tốt nghiệp cao đẳng y ở Cần Thơ, anh xin được việc làm trong bệnh viện tại thành phố.
Tuy nhiên, do cảm thấy không hợp và gò bó, mỗi ngày đi làm với Nam đều nặng nề, áp lực. Hơn một năm sau, anh muốn nghỉ việc và lên TP.HCM học về xăm.
“Đang làm công việc được coi là ổn định, đột ngột muốn nghỉ lên Sài Gòn một mình học xăm, một nghề chưa phổ biến lúc bấy giờ, ba mẹ tôi tất nhiên không dễ dàng đồng ý. Họ sợ tôi ‘quậy’, giao du với giang hồ. Tôi dành nhiều thời gian thuyết phục hai người, viết cả tâm thư và được một số người thân nói thêm giúp. Cuối cùng, ba mẹ cũng nguôi ngoai cho tôi đi”, anh nhớ lại.
Năm 2011, ở tuổi 26, Nam lên TP.HCM với hành trang chỉ có túi quần áo, chiếc xe máy và chút tiền vay mượn từ gia đình.
“Khi ấy, ba nói là thời gian đầu có thể giúp về kinh tế, nhưng sau khi có công việc, tự kiếm tiền, tôi phải tự lo vì đã lựa chọn con đường này. Thấm thoát gần 10 năm trôi qua, tôi cũng có chút thành quả của riêng mình”, nam thợ xăm nói với Zing.
Mua nhà trong dịch
Những ngày mới lên Sài Gòn, Nam gần như không có bạn bè. Gặp khó khăn khi tìm nhà trọ, anh đánh liều lên mạng hỏi có ai cho share phòng không. May mắn là một người lạ tốt bụng chào đón anh.
Sau khi có chỗ ở, Nam đi tìm hiểu vài nơi dạy nghề xăm.
“Lúc đăng ký học, tôi gần như là người ‘già’ nhất. Hồi nhỏ, tôi được khen là có năng khiếu vẽ nhưng chưa từng học bài bản. Bởi vậy, tôi cũng phải học lớp vẽ cơ bản. 9 tháng sau, tôi ‘tốt nghiệp’, có thể hành nghề”, anh nhớ lại.
Tuy nhiên, thời gian đầu, Nam cứ đụng vào kim là toát mồ hôi, run tay nên không làm được cho khách. Anh hoang mang, nghĩ có khi nào chọn sai nghề không.
Khoảng 2-3 tháng sau, Nam quen dần, tay nghề ngày một khá hơn. Sau thời gian làm việc cho người khác, anh tự mở tiệm riêng từ cách đây hơn 4 năm. Anh thuê chung cư cũ ở quận 1, vừa làm tiệm, vừa là nơi ở.
Cũng như bao người rời quê lên Sài Gòn lập nghiệp, Nam ước mơ có căn nhà của riêng mình. Anh từng đi xem một số căn chung cư nhưng giá cao, nằm ngoài khả năng tài chính.
Đợt bùng dịch Covid-19 đầu tiên, chủ nhà bất ngờ hỏi Nam có muốn mua lại căn hộ đang thuê không. Thấy giá cả hợp lý, vị trí lại ở trung tâm thành phố, anh muốn mua nhưng chưa đủ tiền. Biết chuyện, gia đình anh đồng ý hỗ trợ một phần.
“Ban đầu, gia đình khuyên tôi cân nhắc vì số tiền mua được chung cư ở Sài Gòn thì về quê có cơ ngơi rộng rãi hơn nhiều. Nhưng ở Sài Gòn 10 năm, tôi càng thấy yêu nơi này. Tôi may mắn luôn được người thân ủng hộ mọi quyết định”, anh nói.
Tháng 6/2020, Nam thuê một người giúp cải tạo nhà. Hai người cùng bàn bạc, thống nhất thiết kế trong một tháng và hoàn thành 2 tháng sau đó.
Không gian 30 m2 được ngăn đôi để phía trước Nam làm việc, phía sau là nơi sinh hoạt riêng. Căn hộ được thiết kế theo phong cách đơn giản với tông màu chủ đạo là trắng.
“Sửa nhà xong, tôi cảm thấy vui và hạnh phúc. Không gian nhỏ nhưng phù hợp với công việc và ước muốn của tôi. Tôi thích nhất khu vực bếp vì từ khi sửa xong tôi chăm nấu ăn hơn hẳn”, anh nói.
Tròn một năm mua và “lột xác” cho căn nhà riêng, Nam chia sẻ hình ảnh lên mạng và bất ngờ nhận được sự quan tâm từ nhiều người. Một số nhắn hỏi anh cách bài trí, cải tạo và chia sẻ ước mơ có không gian tương tự.
Nhìn lại gần một thập kỷ qua, Nam nói căn nhà cũng có thể coi là một trong những thành quả anh có được.
“Tôi thấy hài lòng với hiện tại khi có nghề nghiệp, độc lập trong cuộc sống và có thời gian thoải mái cho bản thân. Thỉnh thoảng, tôi lại đóng tiệm đi du lịch. Tôi từng đặt chân đến nhiều địa danh ở Việt Nam và vài nước châu Á”, Nam nói.
Hơn một tháng nay, Nam phải tạm dừng công việc vì TP.HCM bùng phát dịch. Cũng giống như các đợt nghỉ trước, anh giữ suy nghĩ lạc quan, coi đó là thời gian sống chậm lại, dành thời gian cho sở thích cá nhân.
“Nhiều người hỏi tôi làm sao mua được nhà ở Sài Gòn. Tôi nghĩ mình may mắn khi gia đình luôn sẵn sàng hỗ trợ. Ngoài ra, không ai đánh thuế ước mơ nên mọi người cứ đặt mục tiêu và cố gắng hết sức để thực hiện nó”, anh nói.
Theo Thiên Nhi/Zing