Thực phẩm ‘siêu ngon miệng’ làm tăng cảm giác thèm ăn
4 thực phẩm được mệnh danh là khắc tinh của ung thư không hề "hiếm có khó tìm", giá thành lại rẻ bèo / Dấu hiệu trong bữa ăn cảnh báo gan nhiễm mỡ nghiêm trọng
Khoai tây chiên, bánh ngọt hay thịt xông khói làm tăng cảm giác thèm ăn và dẫn đến tăng cân. Ảnh: Pexels.
Theo Insider, nghiên cứu mới cho biết nếu đang cố gắng cắt giảm lượng calo và giảm cân, bạn cần cẩn thận với một số loại thực phẩm có khả năng kích thích não bộ muốn ăn nhiều hơn.
Thực phẩm siêu ngon miệng (hyper-palatable foods) thúc đẩy cảm giác thèm ăn một cách giả tạo và thậm chí có khả năng gây nghiện bằng việc kết hợp các thành phần như chất béo, đường và muối.
Sự kết hợp các nguyên liệu này hiếm khi được tìm thấy trong thực phẩm toàn phần và có nguồn gốc tự nhiên như nông sản hoặc ngũ cốc. Trái lại, chúng xuất hiện nhiều trong các loại thực phẩm siêu chế biến như khoai tây chiên, bánh quy, bánh ngọt, kem và thịt xông khói.
Thực phẩm siêu ngon miệng có thể gây tăng cân
Theo các nhà nghiên cứu từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) và Đại học Kansas, thực phẩm siêu ngon miệng có thể dẫn đến tăng cân và tăng chất béo trong cơ thể.
Nhóm nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ 2.700 bữa ăn của 35 người trưởng thành từng tham gia các nghiên cứu thực phẩm của NIH. Bản tóm tắt nghiên cứu được công bố vào ngày 30/1 trên tạp chí Nature Food.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra bữa ăn càng có nhiều thực phẩm siêu ngon miệng, người tham gia càng có xu hướng ăn nhiều calo hơn.
Bên cạnh đó, dù người tham gia có chế độ ăn ít chất béo hay ít carb, bất kể họ ăn bao nhiêu thực phẩm chế biến, lượng calo tiêu thụ và thực phẩm siêu ngon miệng luôn có mối liên hệ với nhau.
Nghiên cứu trước đây của NIH chỉ ra thực phẩm siêu chế biến cũng khiến người tham gia ăn quá mức. Trung bình, họ ăn nhiều hơn 500 calo mỗi ngày trong chế độ ăn toàn thực phẩm siêu chế biến so với chế độ ăn thực phẩm toàn phần.
Thực phẩm siêu ngon miệng thường thiếu protein và chất xơ. Ảnh: Pexels.
Lý do dễ ăn quá mức thực phẩm siêu ngon miệng
Sức hấp dẫn của các loại thực phẩm siêu ngon miệng có thể giải thích lý do mọi người dễ tiêu thụ chúng quá nhiều, nhưng nghiên cứu vẫn chưa hiểu đầy đủ về hiện tượng này. Theo giả thuyết khác, việc thiếu protein và chất xơ trong thực phẩm chế biến có thể góp phần làm tăng cảm giác thèm ăn.
Nhưng nghiên cứu gần đây nhất phát hiện ra protein, thường làm tăng cảm giác no sau bữa ăn, dường như không làm giảm tác dụng của thực phẩm siêu ngon miệng. Và trên thực tế, chúng có thể khiến mọi người ăn nhiều hơn.
Điều đó trái ngược với lời khuyên giảm cân phổ biến là bổ sung nhiều protein và xu hướng sử dụng thực phẩm chế biến giàu protein như lựa chọn lành mạnh hơn.
Các yếu tố khác ảnh hưởng đến lượng thức ăn mà người tham gia tiêu thụ là tốc độ ăn và mật độ calo. Mọi người có xu hướng ăn nhiều hơn nếu họ ăn nhanh, ăn thực phẩm có tỷ lệ calo cao như phô mai, thịt hoặc bánh ngọt.
Tiến sĩ Tera Fazzino, tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư tâm lý học tại Đại học Kansas, cho rằng cần có thêm nghiên cứu để hiểu rõ hơn về các loại thực phẩm siêu ngon miệng và cách chúng ảnh hưởng đến khẩu vị.
Từ đó, chúng ta có thể đưa ra quyết định sáng suốt về việc nên ăn gì và ăn bao nhiêu khi vẫn đảm bảo sức khỏe hoặc duy trì cân nặng.
“Chúng tôi hy vọng có được thông tin về các loại thực phẩm siêu ngon miệng để mọi người cân nhắc khi lựa chọn thức ăn. Đồng thời, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu các đặc điểm ‘siêu ngon miệng’ như yếu tố tiềm năng ảnh hưởng đến việc hấp thụ năng lượng”, tiến sĩ Fazzino cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo