Nem Lai Vung là loại nem chua được sản xuất tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Nó là món quà biếu không thể thiếu được cho những ai tới miền Tây nói chung và Đồng Tháp nói riêng.
Nhìn từ ngoài vào trong, ta sẽ thấy nem Lai Vung có màu đỏ hồng tươi, được gói trong lá chuối và dùng làm món ăn trong những buổi tiệc hoặc trong bữa cơm gia đình giản dị. Chúng ta cũng có thể ăn nem bình thường khi ta thích vì nó có vị chua ngọt cay ăn vô thấy rất ngon miệng.
Nem Lai Vung bắt nguồn từ những năm trước 1975. Đầu tiên phải kể đến nơi làm ra chiếc nem là do chính bà Tư Mặn thuộc ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp làm ra. Do khéo tay hay làm nên lúc đầu bà Tư chỉ làm nem trong các dịp đám tiệc ở địa phương dần dần bà con thấy món nem này ăn ngon và rất tiện lợi vì nó có thể trữ lại khoảng một tuần.
Từ đó, bà con trong làng lấy làm thích thú nên đã học nghề bà làm và đem ra chợ Lai Vung (nay là chợ Tân Thành) bán. Khách hàng ăn thử thấy ngon, sau đó nem bán rất chạy. Kể từ đó nghề làm nem ở Lai Vung phát triển và nổi tiếng như ngày hôm nay.
Cách làm và chế biến nem khá công phu, tùy bí quyết của từng gia đình. Thịt nạc lọc hết gân, mỡ, xắt mỏng cho vào cối, thêm đường, muối vừa đủ và xay nhuyễn. Xay xong cho da heo (bì), thính vào trộn, không quên rắc vài hạt tiêu và miếng tỏi xắt mỏng. Nem được gói vào lá chùm ruột hay lá vông non, bên ngoài bọc một lớp lá chuối. Mức độ lên men, chua mau hay chậm là do lớp lá bọc bên ngoài dày hay mỏng. Cột nem bằng dây nylon, kết 10 chiếc gọi là xâu nem.
Một ngày sau khi gói, nem bắt đầu lên men chua, đến ngày thứ ba thì thật sự “chua” rộ. Khi tháo ra ăn, nem tạo nên sự hỗn hợp hương vị chua, cay, mặn, ngọt, thêm độ giòn của mấy cọng bì càng tăng vị độc đáo khi thưởng thức. Nem có màu đỏ hồng, gói trong lá chuối hoặc hộp nhựa.
Ngày nay, khách du lịch gần xa đến với Đồng Tháp nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung cũng không quên mua nem Lai vung để làm quà biếu, tặng người thân.
Theo Lương Ngọc/Khoa học & Phát triển