Đời sống

Trồng mướp đắng trong chậu tại nhà: Dễ không tưởng, quả sai trĩu trịt!

DNVN - Bạn không cần phải có khu vườn rộng mới có thể tự tay trồng mướp đắng – loại rau quả giàu dinh dưỡng, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt cho sức khỏe. Chỉ với vài vật dụng đơn giản và một chút kiên nhẫn, bạn hoàn toàn có thể biến chiếc ban công hay sân thượng nhỏ thành “vườn khổ qua” xanh mướt, sai trĩu quả.

Mẹo hay ngày hè: Đặt khăn lạnh lên quạt, bí quyết làm mát đơn giản, hiệu quả bất ngờ / 5 loài cây cảnh 'siêu dễ tính', ít quan tâm vẫn xanh tốt như thường

Chuẩn bị đơn giản – Thành quả bất ngờ

Mướp đắng (hay còn gọi là khổ qua) rất dễ trồng và không đòi hỏi kỹ thuật quá cao. Bạn có thể mua hạt giống tại cửa hàng hoặc tận dụng hạt từ quả mướp đắng già. Chỉ cần chọn hạt mẩy, chắc, rửa sạch rồi phơi khô và bảo quản trong lọ kín nếu chưa gieo ngay.

Đất trồng lý tưởng là đất cát pha giàu dinh dưỡng. Cây có thể trồng trong chậu, thùng xốp hoặc khay nhựa, miễn là đảm bảo khả năng thoát nước tốt.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Gieo trồng đúng cách, cây khỏe mạnh

Trước khi gieo, hãy ngâm hạt trong nước ấm (tỷ lệ 2 phần sôi – 3 phần nguội) trong 5–6 tiếng, sau đó ủ trong khăn ẩm qua đêm cho đến khi hạt nứt nanh. Khi gieo, đặt phần đầu nứt xuống dưới, phủ lớp đất mỏng và giữ ẩm đều. Chỉ sau 7–10 ngày, hạt sẽ nảy mầm, và khoảng 3 tuần sau, cây sẽ cao 10–15 cm.

Khi cây đạt chiều cao khoảng 30 cm, bắt đầu cuốn tua thì cũng là lúc bạn cần làm giàn cho cây leo. Từ đây, cây lớn rất nhanh và sớm bước vào giai đoạn ra hoa, kết quả.

Bí quyết chăm sóc – Sai quả nhờ kỹ

 

Mướp đắng cần tưới nước đều đặn 2 lần mỗi ngày. Giai đoạn cây còn nhỏ nên dùng bình xịt sương để tránh gãy mầm. Khi cây lớn, tưới trực tiếp vào gốc, tránh làm rụng hoa và quả non.

Hoa đực sẽ nở trước hoa cái khoảng một tuần. Bạn có thể để côn trùng tự thụ phấn hoặc hỗ trợ bằng tay để tăng tỷ lệ đậu quả. Lưu ý, hoa đực nở vào buổi sáng và rụng nhanh trong ngày, nên việc thụ phấn cần được thực hiện đúng thời điểm.

Sau 5 ngày kể từ khi thụ phấn, quả sẽ bắt đầu hình thành. Lúc này, nên tỉa bớt lá để cây dồn dinh dưỡng nuôi quả và giúp ánh sáng chiếu đều. Khoảng 2 tháng sau gieo, bạn đã có thể thu hoạch những trái mướp đắng đầu tiên.

Phòng sâu bệnh bằng mẹo dân gian

Mướp đắng dễ bị sâu xanh, sâu vẽ bùa, rệp, rầy tấn công. Thay vì dùng thuốc hóa học, bạn có thể tự chế dung dịch phòng sâu từ gừng, tỏi, ớt giã nhỏ ngâm với rượu, sau đó pha loãng phun định kỳ lên cây để bảo vệ an toàn và hiệu quả.

 

Như Ý (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm