Đời sống

Vì sao sống lương thiện, hiền lành vẫn gặp xui xẻo?

Người xưa có câu “ở hiền gặp lành” hay “gieo nhân nào thì gặt quả ấy”, thế nhưng nhiều khi người ta lại thấy điều trái ngược hiện diện trong cuộc sống hàng ngày. Vì sao sống lương thiện vẫn gặp xui xẻo? Cùng lắng nghe lời Phật dạy để tìm ra câu trả lời cho thắc mắc này.

Chiêm ngưỡng body ‘chuẩn không cần chỉnh’ của hot girl Cần Thơ / Nhan sắc xinh đẹp của hot girl Đồng Tháp được báo nước ngoài khen ngợi, sang Trung Quốc đóng phim

Có rất nhiều người sống rất tốt, ở hiền, thân thiện, hòa nhã, hay sẵn sàng giúp đỡ người khác, năng làm việc thiện giúp đời… cũng được nhiều người xung quanh thương yêu, quý mến, nhưng số phận trớ trêu khi chính họ lại hay gặp những điều xui xẻo, khó khăn, khổ sở, bất hạnh.

Cho nên rất nhiều người đã thắc mắc: Vì sao làm người tốt mà vẫn khổ? Tại sao điều xấu lại đến với người tốt, còn kẻ ác lại may mắn, sống lâu? Vì sao tạo nhân tốt nhưng chưa gặp quả tốt, làm việc thiện nhưng chưa gặp quả lành? Ông Trời sao thật quá bất công!

Giáo lý nhà Phật cũng dạy rằng “Ở hiền gặp lành”, “ở ác gặp ác” hay “gieo nhân nào thì gặt quả ấy”. Dưới góc nhìn của Phật giáo, Nhân - Quả không thể sai khác. Không có Quả nào trổ ra mà không có Nhân trước đó, cũng không có Nhân nào gieo mà không có ngày gặt Quả. Chỉ là chưa đến lúc mà thôi!

Hôm nay hãy cùng tìm hiểu cặn kẽ xem vì sao sống lương thiện vẫn gặp xui xẻo?

Ảnh minh hoạ.

1. Vì sao sống lương thiện vẫn gặp xui xẻo?

Thuyết Nhân Quả của nhà Phật luôn nhấn mạnh rằng “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, làm việc tốt thì nhận được phúc báo, còn làm việc xấu sẽ phải chịu những điều trúc trắc, sóng gió. Thế nhưng vì sao vẫn có những người làm việc không tốt mà vẫn chưa thấy chịu quả báo? Còn những người sống cả đời lương thiện lại thường chịu nhiều thiệt thòi?

Kỳ thực, theo lời Phật dạy, sinh mệnh con người là không chỉ có một đời, vậy nên nhân quả cũng trải dài theo quá khứ hiện tại tương lai, kiếp trước kiếp này.

Vì thế, đôi khi kiếp này chúng ta gặp nhiều khổ đau phiền muộn, nhưng không phải do những việc làm trong hiện tại, mà do quả báo từ những kiếp trước đến bây giờ mới trổ.

Ở đời người ta vẫn luôn cho rằng “không có lửa làm sao có khói”. Nhận định này có thể đúng trong nhân quả hiện tại (hiện báo nghiệp). Nhưng cũng có những nguyên nhân xảy ra trong nhiều kiếp (vô hạn định báo nghiệp), đến kiếp này mới xuất hiện.

 

Chính vì thế, khi thấy người tốt chịu thiệt còn kẻ ác vẫn nhởn nhơ sống sung sướng, không ít người đâm ra hoài nghi, hoang mang về sự công bằng, về nhân – quả trong đời! Nhưng theo nhà Phật, sự “bất công” mà người phàm nhìn thấy đấy thật ra là rất công bằng theo luật nhân - quả. Và điều này liên quan trực tiếp đến nghiệp từ tiền kiếp, không phải là không báo mà là chưa đến lúc.

Đây là điều đã được Phật Thích Ca nhìn thấy rõ sau khi chứng đạo quả. Những nghiệp báo mà con người tạo ra ở những kiếp cứ chất chồng theo năm tháng và theo họ từ vô thỉ kiếp cho đến nay.

Cho nên, ở kiếp hiện tại, con người không những bị nghiệp mới tạo ra chi phối mà họ còn phải trả nghiệp duyên của những kiếp trước mà họ còn đang “nợ”. Họ bị “phạt” bởi chính những tội mà bản thân đã mắc ở kiếp này hay kiếp trước.

Vậy tội đã mắc là những gì? Có thể là rất nhiều tội khác nhau nhưng có thể kể ra một số tội điển hình sau đây:

Bất hiếu với cha mẹ

 

Trộm cắp của người khác.

Lấy của công làm của tư.

Đập bát hương.

Phỉ báng Trời, Phật, Thần, Thánh.

Phá đình chùa đền miếu do chủ tâm.

 

Diệt chủng người và súc vật.

Hủy hoại môi trường tự nhiên.

Tham ô, tham nhũng, gian lận.

Đánh đập, hành hạ, bóc lột, áp bức người khác...

Nếu như bạn đã phạm những tội trên tức là bạn sinh ra đã có những nghiệp chướng. Đó là món nợ bạn phải trả, không trả ở kiếp này thì phải trả ở kiếp khác.

 

Phật có dạy trong kinh nhân - quả rằng: Muốn biết nhân đời trước, hãy nhìn vào kết quả thọ báo hiện tại; muốn biết kết quả thọ báo của đời sau, hãy nhìn vào những tạo tác của hiện tại là vì vậy.

Cũng chính vì thế mà trong kiếp này có người “ở hiền”, sống tốt đẹp nhưng chưa được quả báo tốt tức là do họ đang “trả” những thứ mà chính họ đã đi “vay” ở những kiếp trước. Và ngược lại, những người có phước dày từ kiếp trước thì kiếp này sung sướng.

2. Ở hiền vẫn không gặp lành vì trong lòng còn có ác tâm

Chữ “Khổ” trong đạo Phật không chỉ là cảm giác khổ sở tại thân xác và tâm lý, mà còn bao gồm cả những dao động rất nhẹ của sự “không thỏa mãn, không yên ổn”, hay còn gọi là “bất toại nguyện” ở trong lòng.

 

Có một câu chuyện kể rằng: một người cảm thấy mình rất tu tâm tích đức, thường xuyên làm điều tốt, chả hại ai bao giờ, ấy vậy mà cuộc đời mãi cứ long đong vất vả, không được bằng bạn bằng bè, một lần lên chùa vãn cảnh, quá buồn cho phận đời mình liền tiến đến hỏi một vị sư:

- Thưa thầy, vì sao con sống tốt, sống thiện, mà đời con cứ khổ mãi chưa thấy khá lên?

Sư thầy thầy thong thả hỏi lại: “Con nói con khổ, hãy nói rõ cho ta biết nỗi khổ của con là gì?”

- Thưa thầy, con thấy mình sống tốt mà cuộc sống vẫn khổ sở, trong khi bao kẻ gian ác, làm ăn giả dối lại sống thoải mái quá vậy? Con biết thầy sẽ nói con có ác tâm, nhưng thực tình con không hề làm điều ác, con sống đúng lời Phật dạy!

Sư thầy bình tĩnh trả lời: “Nếu con nghĩ mình có ác tâm, rằng trong lòng con còn có gì đó sai, thì con sẽ sửa chính mình. Còn khi con phủ nhận điều đó, thì con chỉ lo sửa thế giới, sửa người xung quanh, mà có thể sửa được thế giới không?

 

Hiện nay con sống đầy đủ, có cơm ăn áo mặc, thân thể mạnh khỏe không bệnh tật, để tồn tại được con chỉ cần những thứ đó thôi là đủ. Thế nhưng con lại muốn muốn nhiều hơn cái mình cần, đó gọi là Tham.

Con thấy người khác làm điều ác mà sống sung sướng giàu có, nổi giận với họ, đó gọi là Sân.

Con nghĩ rằng chỉ cần sống tốt là sẽ được giàu có sung sướng mà không hiểu rằng phải đủ nhân quả việc đó mới xảy ra. Không hiểu về nhân quả, không hiểu về sự thật, đó gọi là Si.

Con nghĩ mình sống lương thiện, còn người khác sống ác, con so sánh mình hơn họ, còn họ kém con, đó là tâm Mạn (kiêu ngạo).

Con so sánh cuộc sống của mình với người khác, lại sinh ra ghen tị, đó gọi là Nghi (đố kị).

 

Ngũ Độc của nhà Phật có “Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi” thì trong con có đủ, hỏi cuộc sống có thể an nhàn hạnh phúc được hay không? Con không nhận ra mình có ác tâm là do con không chịu quan sát kĩ nội tâm của mình mà thôi.”

- Vậy con nên làm thế nào?

- Khi con cảm thấy buồn vì cuộc đời bất công, đó là dấu hiệu của việc con đã nghĩ quá nhiều cho mình. Thay vì lên chùa vãn cảnh chạy trốn ác tâm nổi lên trong lòng, con hãy đối diện với nó để nhận ra sự thật về Nhân Quả, và hãy bớt nghĩ cho mình đi để quan tâm đến nỗi khổ của người khác nhiều hơn.

Nhân Quả là một cơ chế tự cân bằng của thế giới, bạn không thể sửa thế giới được, thứ duy nhất bạn có thể sửa là nội tâm của chính mình mà thôi. Nên khi thấy mình hay ai đó sống khổ sở, thay vì đổ lỗi cho sự bất công của cuộc đời, thì hãy hiểu rằng đó là cách mà thế giới tự cân bằng. Và hãy liên tục gieo nhân đúng đắn, bởi chỉ có hành động tốt mới mang lại quả tốt về sau.

 

Sống tốt thì không hẳn là luôn gặp chuyện tốt nhưng ít ra mọi chuyện xui xẻo sẽ sớm được hóa giải, còn sống ác thì chắc chắn phải gánh lại cái nghiệp mà mình đã tạo ra.

Về việc tại sao người hiền lành thường gặp chuyện khổ đau, thực tế hiền lành có nhiều loại hiền lành, chứ đừng thấy ai hiền là cũng tốt. Có người hiền mà thụ động thờ ơ không hại ai mà cũng chẳng bao giờ giúp ai thì người đó nghèo là đúng, cho nên nói tại sao người đó hiền mà khổ. Bởi vì hiền kiểu đó mà thấy người ta khổ không giúp mà thờ ơ thụ động quá thì khổ là phải.

Ở hiền không chỉ là không gây hấn, tranh cãi, va chạm với người khác mà còn phải sống tốt bụng, phải giúp người. Người hiền lành mà gặp người ta hoạn nạn mà làm ngơ thì quả báo còn khủng khiếp hơn nữa.

Gặp người ta trong cơn nguy hiểm khốn khổ mà không giúp gì hết, thì sao có thể tạo được phúc báo.

Người cho mình lương thiện nhưng lại thấy mình còn khổ quá thì cái ác vẫn còn. Người này chưa phải người lương thiện thật sự nhưng cũng chưa là kẻ ác. Nếu một người có thể sống vui vẻ thì họ cũng chẳng hoàn toàn là người ác.

 

Cái ác biểu hiện bởi rất nhiều hình thái, đôi khi ta không nhận ra hoặc cố tình làm ngơ đi cho đó là bình thường. Kỳ thực thì lòng tham, sự đố kỵ, sự kiêu căng, lòng thiếu bao dung, lòng dạ hẹp hòi… cũng đều là biểu hiện của ác tâm.

Vậy thì dù bản thân một người chăm làm việc thiện, nghĩ rằng mình đã đủ hiền lành lương thiện nhưng lại vẫn có đủ những biểu hiện trên với người khác thì cũng chưa thể coi là một người hiền lành. Đó là lý do Đức Phật dạy, “lòng không ác, ắt sẽ không khổ”, quả nhiên không thừa là vì thế.

3. Có thể hóa giải được hình phạt trả nghiệp được không?

Tới đây có lẽ bạn đã lý giải được vì sao sống lương thiện vẫn gặp xui xẻo, đó là bởi đang phải trả nợ nghiệp mà bản thân đã vay từ các kiếp trước, và thêm cả nghiệp mà kiếp này dù vô tình hay cố tình đã gây ra.

 

Vậy có thể hóa giải được hình phạt trả nghiệp đó để cuộc đời được bình an hay không?

Câu trả lời là được, nhưng bạn chỉ có thể khất trả nghiệp chứ không thể không xóa được tội, bởi đã sinh nghiệp thì phải trả nghiệp. Giống như bạn có một món nợ và xin chủ nợ trả vào lúc khác vậy. Tức là xin không trả ở kiếp này mà xin sẽ trả ở những kiếp sau.

Phải làm gì sau khi đã khất được trả nghiệp? Hơn ai hết bạn cần phải sống thân thiện để tích đức, đức càng tăng thì nghiệp càng giảm. Đến hết thời hạn khất thì có khi nghiệp đã hết, không cần phải trả nữa. Đó là cái hay của khất trả nghiệp.

Nhưng khất trả nghiệp sẽ khiến tình hình càng tệ hơn nếu bạn lại phạm tội, khi đó bạn khiến tội nghiệp của bản thân tích tụ tràn đầy, và bạn lại bắt đầu một cuộc đời khốn khổ. Vì thế, hãy cẩn thận với cả việc khất trả nghiệp mà ngày nay hay gọi là di cung hoán số.

Con người sinh ra ở đời là để học hỏi những kinh nghiệm để tiến hóa. Không có cách trả nghiệp nào thực sự cụ thể cả, vì thế, hãy cứ xem mỗi kiếp sinh ra là một lớp học. Ta có thể chọn học một hoặc nhiều môn, nhưng bài học phải được hiểu và học cho xong thì mới được lên lớp (lên các cõi cao hơn như cõi trời để học tiếp). Nếu học không xong thì sẽ bị ở lại (cõi người) hoặc bị giáng cấp (cõi atula, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục).

 

Chính vì vậy mà chúng ta phải tu ngay từ bây giờ để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc. Tu là sửa, sửa xấu thành tốt, sửa sai thành đúng, sửa mê thành ngộ. Còn oán duyên người kết phải tự mình dùng thiện duyên để giải.

Tìm đến cửa Phật chỉ là tìm đến chỗ dựa và đạo lý, chỉ đường mà thôi, Phật không giải được oán thù, chỉ bày cách tốt để tan oán tan thù mà thôi. Người mà tâm tà tư niệm, muốn tiêu tai giải nạn nhưng vẫn làm việc sai trái thì dù đọc bao nhiêu kinh, bái bao nhiêu Phật cũng không thể thoát được.

Sống ở đời nên lấy lương thiện làm cốt yếu, đừng suy tính hại người rồi có khi lại hại lây đến mình. Người cầm đèn trong đêm cũng hưởng được chút ánh sáng, còn ném bùn vào người khác thì chắc chắn tay mình cũng bị vấy bẩn mà thôi.

Những gì mà bạn làm hôm nay có thể sẽ không báo ứng trên người bạn. Nhưng rủi thay, lớp con cháu của bạn sau này phải gánh chịu món nợ nặng nề đó. Vì vậy, sống sao cho đúng với lương tâm, sống để mai này khỏi phải ân hận vì cái nghiệp mình đã từng gây tạo.

4. Tin sâu Nhân Quả, tâm ắt bình an, đời ắt sung sướng

 

Luật nhân quả là một trong những quy luật vận hành của vũ trụ. Tin sâu vào luật nhân quả thì mỗi hành động của chúng ta đều sẽ hướng về sự lương thiện.

Những người gieo hạt giống tốt, tuy quả ngọt chưa tới nhưng trong tâm hồn họ sẽ luôn thấy an bình. Còn người gieo hạt giống xấu, sau này ắt sẽ nhận quả đắng cay. Đây cũng là lý do tại sao người ta thường nói câu “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”.

Chúng ta lựa chọn sống tử tế, lương thiện thực ra không phải vì người khác mà là vì chính ta. Khi hành thiện, tâm ta cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, cuộc đời nhàn tênh, như vậy chẳng phải là cuộc sống sung sướng mà ta hằng ao ước?

Nhưng khi làm việc ác, tâm ta sẽ bất an, đầy những nỗi lo lắng, đau khổ giày vò. “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” như một lời khẳng định chắc chắn rằng ngày mai tốt hay xấu chính là do những gì chúng ta tạo ra từ ngày hôm nay.

Những người chọn sống hiền lành bởi họ nhận thức được rằng gieo nhân nào gặt quả đó. Cả một đời sống mà ta tu tập trong thiện lành là để chuyển hóa những quả báo đã gieo ở thời điểm trước, cũng là để không phải “gieo thêm một chút gió” nào. Người xưa cũng đã khuyên chúng ta câu: “Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm”.

 

Sự tồn tại của nghiệp báo không chỉ vỏn vẹn trong kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác. Vậy nên hạt giống tốt được gieo ở kiếp này có thể thành quả ngọt sớm hoặc muộn. Điều giúp tâm hồn con người an bình trước hết chính là thiện lương mà không đòi hỏi sự báo đáp. Phúc báo luôn đợi ở phía sau và tương lai của ta được tạo nên từ những việc ta làm hôm nay.

Con người cứ gieo gió ắt sẽ gặt bão, gieo cái ác ắt sẽ chẳng thể sống trong yên bình.

Hành thiện thì tâm an, mà tâm an thì vạn sự an. Nếu chúng ta sớm thức nhận ra được rằng trên đời này bất kỳ chuyện gì xảy đến với ta đều là do những gì ta từng làm lúc trước mà thành, thì sẽ không có cái gọi là bất công. Vì thế, hãy thực hành lòng biết ơn và làm những việc thiện lành từ ngay bây giờ.

Bài viết mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm