Trẻ nhỏ rất dễ là đối tượng bị côn trùng như ong tấn công. Vào tháng 10 và tháng 11 vừa qua, Bệnh viện (BV) Sản Nhi tỉnh Phú Thọ liên tục ghi nhận các trường hợp trẻ bị ong đốt đến khám và điều trị. Trong đó có trường hợp trẻ bị sốc phản vệ, suy đa tạng, đe dọa đến tính mạng.
Tại Bệnh viện 108 cũng đã tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhân với chẩn đoán phản vệ độ III do ong đốt ngày 2. Bệnh nhân bị ong vò vẽ đốt tay và đầu, sau 5 phút bệnh nhân thấy chóng mặt, nổi ban đỏ khắp người, khó thở, không đau bụng. Hiện tại, bệnh nhân đang được các bác sĩ điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân dần ổn định.
Trước đó vào tháng 6/2022, Trung tâm Y tế huyện Mang Yang tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận 2 cháu bé bị ong đốt. Trong đó, có một bé 2 tuổi được đưa tới trong tình trạng lơ mơ, tím tái, toàn thân sưng phù, ven nhỏ khó bắt, các vết ong đốt thâm đen. Dù được cấp cứu tích cực nhưng do sức khỏe yếu, bé đã tử vong. Còn bé 5 tuổi đã được chuyển viện lên Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai.
TS.BS Bùi Văn Khánh - Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - cho hay: "Độc tố từ vết đốt của côn trùng có thể gây dị ứng. Theo thống kê, khoảng 1 – 3% người bị côn trùng đốt có biểu hiện nổi mề đay, mặt sưng phù hoặc nghiêm trọng hơn là sốc phản vệ. Nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách, dị ứng côn trùng đốt có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Trẻ em là đối tượng dễ bị côn trùng đốt vì các em chưa biết các tránh và phòng ngừa".
Khi trẻ bị côn trùng đốt, phản ứng dị ứng nhẹ có thể gây ra một hoặc nhiều triệu chứng sau tại vết đốt hoặc cắn của côn trùng: Đau nhức khó chịu, đỏ, một vết nhỏ giống mụn, sưng từ nhẹ đến vừa phải, ấm tại chỗ đốt, ngứa.
Theo bác sĩ Khánh, khi bị ong hoặc các loại côn trùng đốt, nếu có những biểu hiện dưới đây cần nhanh chóng đưa trẻ tới viện:
- Khó thở
- Tình trạng ngứa và phát ban đỏ lan rộng khắp cơ thể
- Sưng mặt, cổ họng hoặc bất kỳ phần nào của miệng hoặc lưỡi
- Thở khò khè hoặc khó nuốt
- Bồn chồn và lo lắng
- Mạch nhanh
- Chóng mặt hoặc đột ngột tụt huyết áp
Cũng theo chuyên gia, khi trẻ bị ong đốt không nên dùng thuốc (dù là thuốc y học cổ truyền hay thuốc tân dược) hay vôi bôi lên vết chích ong đốt. Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Tại cơ sở y tế, nếu bệnh nhân có phản ứng nặng tại vị trí đốt, cho uống thuốc kháng histamin và corticosteroid theo chỉ định của bác sĩ.
Dưới đây là các cách sơ cứu người bị ong đốt:
- Đưa nạn nhân ra khỏi khu vực bị ong đốt. Đặt nạn nhân nằm yên, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền trong cơ thể.
- Các loại côn trùng khác thường không để lại dấu vết khi đốt. Còn ong thường để lại kim và túi chứa nọc độc tại vị trí đốt.
- Nếu vòi chích nổi lên bề mặt da, dùng nhíp gắp nhẹ lấy kim ra.
Ảnh minh họa.