Đời sống

Vợ muốn tìm cách để chồng năng động, thay đổi

Chồng em vốn không năng động, công việc của cơ quan thì ít nhưng chấp nhận sự an nhàn với đồng lương 6 triệu đồng/tháng. Thực ra em đã ngán ngẩm từ lâu nhưng dù góp ý ra sao, chồng em cũng không thay đổi.

Bứt rứt vì vợ đắm đuối với con riêng / Sống cảnh "có chồng như không" nhưng chẳng nỡ ly hôn khi thấy con ngóng bố

Chị Thanh Tâm thân mến!

Nhiều lúc em thấy tủi thân. Em cứ nghĩ, vì 2 con, em sẽ vượt qua tất cả, tiếp tục chung sống với chồng. Em vẫn muốn cứu vãn cuộc hôn nhân này. Em mong sẽ có một điều thần kì xuất hiện để thay đổi cuộc hôn nhân hiện tại.

Hôm trước, tình cờ 1 chị đồng nghiệp ngồi cạnh phát hiện ra việc em và chồng xưng hô với nhau là "tôi - anh". Chị ấy tỏ ra rất ngạc nhiên, vì vợ chồng chị lấy nhau hơn 20 năm, từng "cơm không lành, canh không ngọt" nhưng anh chị chưa từng nghĩ tới chuyện gọi nhau là "anh" và "tôi". Tình cảm đã không còn, nên với em, dù gọi nhau là gì cũng thấy chẳng còn ý nghĩa. Nhưng khi nhìn các gia đình khác, em lại thấy cuộc sống vợ chồng của mình thật nhạt nhẽo.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.


Lý do tại ai? Tại cả hai. Tại không hợp tính cách, mẹ chồng nàng dâu không hợp, tại đủ thứ trên trời và tóm lại, 2 vợ chồng em khắc khẩu nên việc gọi nhau là "tôi" và "anh" cho tiện... cãi nhau. Em và chồng đều là người có học, công tác ở cơ quan nhà nước nhiều năm. Vậy mà, chồng em cứ mở miệng là nói: "Cô thì biết cái gì". Mẹ chồng em cũng thêm vào câu: "Đúng là cái đồ vô học!". Những câu nói làm tổn thương nhau, chẳng phải chỉ nói trong một vài lần cãi vã mà nó xuất hiện hàng ngày. Chồng thì nói vợ, mẹ chồng thì bênh con mình chằm chặp, can thiệp vào mọi việc, từ quản lý tài chính: "Mày đưa hết tiền cho cái con vô học ý, rồi ngửa tay xin từng đồng vậy mà không thấy nhục à?". Trong khi chị biết không, em là người gánh vác, lo toan mọi việc trong gia đình, từ giỗ chạp tới thăm hỏi... Rồi tiền chi tiêu ăn uống, điện nước trong gia đình. Vậy em lấy lương của chồng để đóng học cho con, đi chợ... thì có gì là sai? Chồng em vốn không năng động, công việc của cơ quan thì ít, nhưng chấp nhận sự an nhàn với đồng lương 6 triệu đồng/tháng ấy. Thực ra em đã ngán ngẩm từ lâu nhưng dù góp ý ra sao, chồng em cũng không thay đổi. Em chấp nhận việc có nhiều góp nhiều, có ít góp ít. Vậy mà mỗi khi mẹ chồng tham gia, chồng em được đà mắng em, đòi giữ lương để chi tiêu cá nhân.

Rồi như việc, chồng em đi làm cả tuần, chỉ cuối tuần là có thời gian nghỉ ngơi. Hai con đều đang ở độ tuổi cần dạy dỗ. Nhưng cứ nhoắng cái bố nó đã ra đầu ngõ uống bia với bạn. Đến khi em nói thì chồng lại biện minh: "Thằng Hiếu nó cứ gọi tôi ra, không ra nó nói lại ngại". Em bực quá mới nói: "Lão ấy có phải bố anh đâu mà bảo gì cũng phải nghe!". Vậy là chúng em lại cãi nhau.

Cuộc sống của em cứ vậy đấy. Em không muốn sống cùng chồng nữa. Nhưng 2 đứa con, 1 đứa sắp vào cấp ba, 1 đứa chuẩn bị lên lớp 1, em vẫn mong muốn chúng có 1 gia đình. Mẹ chồng tuy không ưa gì em nhưng vẫn rất quý các cháu. Nên em cố ngậm ngùi sống tiếp, hạn chế gây mâu thuẫn. Đã từ rất lâu, khéo phải 5 năm rồi, chúng em gọi nhau là "Cô - tôi/ Anh - tôi" để khi cãi nhau, đỡ mất công thay đổi chủ ngữ. Tại sao em đã rất cố gắng, nhưng kết quả vẫn khiến trái tim mình bị tổn thương?

Thanh Huyền (Phú Thọ)

 

Thanh Huyền thân mến!

Hai em đã đến với nhau, gắn bó và có 2 đứa con. Con cái đều đang ở độ tuổi nhạy cảm, 1 bạn lên cấp 3 đang tuổi dậy thì, 1 bạn cần chăm chút, dạy dỗ để bước vào lớp 1. Cả 2 con đều cần sự chăm sóc và quan tâm của bố mẹ. Đây là sợi dây gắn kết gia đình em. Vì thế hãy cùng làm những điều tốt nhất dành cho 2 con.

Con người thường không muốn thừa nhận sự lép vế của mình trong gia đình, nhất là trong thu nhập. Người mẹ chồng càng không muốn mình bị đánh giá là sống phụ thuộc vào con dâu. Có khi nào em nghĩ, chồng của em - anh ấy cũng đang có nhiều nỗi lòng và sự tổn thương không kém? Có khi nào cả 2 chia sẻ cho nhau những suy nghĩ thật lòng mình mà không có sự chì chiết hay tức giận? Thanh Tâm nghĩ, khi cả 2 đều muốn tốt cho gia đình, muốn tốt cho nhau và cho bản thân mình, họ sẽ cùng thay đổi.

Chúc các em sớm tìm được sự sẻ chia, đồng cảm. Đến lúc đó, tự khắc mẹ chồng em không còn chêm vào những câu khó nghe nữa.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm