Đời sống

Vợ thích sòng phẳng với nhà chồng

Chồng biết, sòng phẳng là tốt, rất cần thiết trong các mối quan hệ xã hội nhưng trong gia đình, nhiều lúc rạch ròi quá lại làm mất tình cảm vợ à.

Ngày mai anh cưới vợ / Có những đắng cay lớn lên con sẽ hiểu

Vợ chồng mình sống cách nhà nội chưa đến mười lăm cây số nhưng hiếm khi vợ chịu về chơi. Tuần nào, vợ cũng lấy cớ bận, nào họp hành, làm điểm, soạn bài…để chồng lủi thủi về thăm nhà.

Chồng biết, vợ chẳng bận đến mức ấy nhưng vợ không thoải mái khi về quê, vừa gò bó vừa mất đi ngày cuối tuần để xả hơi, thư giãn. Biết tính vợ thế nên chồng chẳng ép nhưng nhìn cách vợ đối xử với những món quà từ quê, chồng thấy buồn trong lòng.

Vợ không muốn nhận quà quê vì sợ mắc nợ nhà chồng. (Ảnh minh họa)

Lần nào cũng vậy, mẹ thấy chồng về một mình đều hỏi, sao vợ không về. Câu trả lời của chồng lúc nào cũng giống nhau nên lâu dần mẹ chẳng hỏi nữa. Chỉ thấy mẹ lẳng lặng gói ghém một thứ một ít gửi lên cho vợ.

Khi thì chục trứng gà ta, nải chuối nhà, con bồ câu non lúc thì ít đậu phộng rang, chục cân gạo, trái bí, ít rau trong vườn…Lần đầu, chồng háo hứng xách về nhưng nhìn ánh mắt ơ hờ, cái thở dài đánh sượt của vợ làm chồng mất hứng.

Nhưng rồi, không thể từ chối món quà của mẹ, lúc nào cũng được gói cẩn thận treo sẵn ở giỏ xe trước lúc đi nên chồng lẳng lặng mang về. Đến lần thứ tư, vợ bắt đầu lên tiếng phản đối: “Lần sau anh đừng có lấy của mẹ nữa, có ai ăn đâu mà”. Chồng cự cãi: “Mẹ cho, không lấy sao được, vả lại, mẹ bảo, em đang có bầu, ăn rau nhà trồng và trứng gà ta tốt hơn mua ngoài chợ”.

Vợ lên giọng: “Chỉ giỏi vẽ chuyện thôi, của biếu là của lo, của cho là của nợ, tính em không thích lấy không của ai cái gì”. Chồng tiếp tục thanh minh: “Ơ kìa, có ai bắt em phải trả đâu, mẹ thương mẹ mới cho mà”. Vợ dấm dẳng: “Thôi, không nói nhiều nữa, lần sau anh đừng có đem về nữa, giờ cần gì ra siêu thị là có ngay, đừng có đùm đề lắm thứ, phức tạp”.

Có lần, vợ về quê chơi, khen gạo ở quê nấu cơm ngon. Vậy là, thu hoạch xong, mẹ sai chú út chở lên cho vợ chồng mình một tạ. Vợ nằng nặc gửi tiền trả mẹ còn nói mát mẻ với chồng: “Mẹ định buôn gạo chắc”.

 

Chồng hiểu, vợ chẳng phải chê quà của mẹ nhưng tính vợ không thích nợ nần. Mỗi lần mẹ gửi đồ lên thì hôm sau, vợ cũng phải gửi đáp lại ngay. Bằng cách này hay cách khác, vợ đều tìm cách “trả” cho bằng được. Nếu không mua sữa, bánh, hoa quả thì vợ trả bằng tiền. Nhưng nhiều lúc, mẹ buồn vì mới gửi đồ lên, vợ đã chuyển tiền trả ngay. Người ta bảo: “Của cho không bằng cách cho” là vậy.

Vo thich song phang voi nha chong
Trong gia đình, nhiều lúc rạch ròi sòng phẳng quá lại mất tình cảm. (Ảnh minh họa)

Nhưng vợ à, mẹ gửi quà cho vợ vì thương con và cách sống ở quê vốn như vậy chứ không phải muốn được đáp trả đâu. Vợ có biết, giữa trưa nắng, mẹ đi khắp xóm, tìm mua cho đủ chục trứng gà để gửi lên, nải chuối nào ngon, mẹ đều để dành cho vợ.

Mẹ bảo, “Rau quả ngoài chợ bây giờ toàn phun thuốc, ăn hại người lắm, chịu khó mang lên cho vợ con, đang bầu bì phải cẩn thận”. Chồng biết mẹ không phải người đưa đãi, có gì nói vậy nên vợ đừng suy nghĩ nhiều. Trong thâm tâm mẹ, nhà chồng không giàu có gì, không giúp đỡ được vợ chồng mình nhiều nên có gì mẹ cho nấy.

Chồng biết, sòng phẳng là tốt, rất cần thiết trong các mối quan hệ xã hội nhưng trong gia đình, nhiều lúc rạch ròi quá lại làm mất tình cảm vợ à!. Có những thứ mình cho đi mà không nghĩ đến chuyện nhận lại, có những thứ mình nhận nhưng không thể nào trả hết được.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm