Đời sống

Xuất huyết toàn bộ tay chân sau khi ăn hải sản

Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với hải sản nhưng vẫn ăn và không có thuốc dự phòng. Bác sĩ cảnh báo đây là điều rất nguy hiểm.

Về với vợ mà tôi không quên cô nhân tình bé nhỏ / Tôi dằn vặt bản thân vì không giữ được bố cho con

Mới đây, bệnh nhân N.V.H. (32 tuổi) đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec, Hà Nội, khám trong tình trạng toàn thân dị ứng đỏ tím sau khi ăn khai xuân cùng bạn bè. Ngay sau đó, người này phải nhập viện cấp cứu.
Theo lời kể của bệnh nhân, sau 2 ngày ăn hải sản, cơ thể xuất hiện các nốt xuất huyết tím vùng cẳng chân, đùi, hai tay nên đã vào viện khám ngay.
Khi khám, bệnh nhân được chỉ định thực hiện xét nghiệm và chẩn đoán mắc viêm mao mạch dị ứng có biến chứng cầu thận. Vì vậy, bệnh nhân được chuyển điều trị nội trú tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec.
Tình trạng bệnh nhân khi được đưa vào viện cấp cứu. Ảnh: BSCC.

Tình trạng bệnh nhân khi được đưa vào viện cấp cứu. Ảnh: BSCC.


Sau 5 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của người đàn ông này hồi phục dần, các tổn thương ở tay mờ dần, chỉ số xét nghiệm cũng trở về ổn định.
Bác sĩ Lê Thị Hường - chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Medlatec - cho biết tỷ lệ dị ứng trong cộng đồng khá cao. Dị ứng là phản ứng của cơ thể với yếu tố bên ngoài có thể do thuốc, thức ăn, đồ uống hay thời tiết. Khi bị dị ứng, bệnh nhân thường có biểu hiện khác nhau như mày đay, viêm da tiếp xúc, viêm mao mạch dị ứng, phản vệ…
"Nhiều trường hợp xuất hiện phản vệ pha 2, tức là rơi vào tình trạng phản vệ sau đó được xử lý cấp cứu ổn định. Nhưng trường hợp bệnh nhân H. nhẹ hơn và được xử trí kịp thời nên không ảnh hưởng nhiều sức khỏe”, bác sĩ Hường nói.
Bác sĩ Hường nhấn mạnh điều đáng lưu ý cho trường hợp anh H. là đã biết có tiền sử dị ứng với hải sản nhưng vẫn ăn và không có thuốc dự phòng. Đây là điều rất nguy hiểm, trường hợp không gần cơ sở y tế, có thể gây hậu quả khôn lường.
Bác sĩ Hường khuyến cáo tất cả bệnh nhân có dị ứng nên được khám, điều trị và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa. Người có tiền sử dị ứng và từng bị dị ứng, nên trang bị dự phòng thuốc trong người. Ngoài ra, để phòng ngừa và giảm thiểu xảy ra dị ứng, tai biến sốc phản vệ, người dân cần lưu ý những nguyên tắc sau:
- Nếu có tiền sử dị ứng, nên trao đổi với bác sĩ khi khám bệnh và kê đơn thuốc. Hãy luôn mang theo các loại thuốc giải dị ứng trong người.
- Khi đang dùng thuốc, nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường như đỏ ban trên da, khó thở, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, người bệnh cần nói ngay với bác sĩ để dừng lại và xử lý kịp thời.
- Tất cả bệnh nhân nếu sử dụng thuốc tiêm - truyền nên được thực hiện và theo dõi tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện theo dõi và xử lý phản vệ.
- Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không tự ý mua và sử dụng thuốc, tiêm truyền tại nhà.
- Không ăn thực phẩm từng gây dị ứng, phản vệ.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm