Hỗ trợ doanh nghiệp

Dồn dập đầu tư vào Dung Quất: Hiệu ứng từ Tập đoàn JFE

Ngay sau khi Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) có ý định đầu tư vào Dung Quất, không ít nhà đầu tư vệ tinh cho tập đoàn này cũng vào Việt Nam. Đó là một hiệu ứng tích cực trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Sau Yoshizawa, Mining và Morimura, cuối tuần qua, BIKEN đã đến Quảng Ngãi để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đây đều là các doanh nghiệp Nhật Bản và họ đến Quảng Ngãi với mục tiêu trở thành nhà đầu tư vệ tinh cho Dự án Thép Guang Lian Dung Quất – dự án có vốn đầu tư 3 tỷ USD và đang chờ giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh để nâng vốn lên 4,5 tỷ USD.

 

Xác nhận thông tin này, ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất cho biết, ngay sau khi thông tin Tập đoàn Thép JFE (Nhật Bản) công bố thông tin đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn E-United về việc cùng nghiên cứu, triển khai xây dựng Dự án Thép Guang Lian, rất nhiều nhà đầu tư trong các lĩnh vực như sản xuất bột đá vôi, đá quặng donomite, sản xuất khí công nghiệp, bê tông... đã tới Quảng Ngãi để xem xét việc thiết lập nhà máy sản xuất tại đây.

 

BIKEN, doanh nghiệp mới nhất, chuyên sản xuất bê tông tươi và nhà đầu tư này đang kỳ vọng sẽ cung cấp sản phẩm này cho Thép Guang Lian, khi nhà máy này được tiến hành xây dựng.

 

Theo một số chuyên gia ngành thép thuộc các tập đoàn như JFE, E-United, Posco..., bên cạnh một dự án liên hợp thép, sẽ có hàng loạt dự án phụ trợ để thực hiện các công việc như sơ chế nguyên phụ liệu, gia công và sản xuất các sản phẩm thép cao cấp khác, với diện tích đất thuê có thể lên tới hàng trăm héc-ta”, ông Dũng nói

 

Ông cho biết thêm, việc thu hút các doanh nghiệp phụ trợ cho công nghiệp nặng sau thép, dầu khí, đóng tàu, cơ khí chế tạo thiết bị nặng... là một trong những định hướng của tỉnh Quảng Ngãi nói chung và Khu Kinh tế Dung Quất nói riêng để khu kinh tế này từng bước trở thành trung tâm công nghiệp nặng của cả nước.

 

Như vậy, mặc dù chưa thể khẳng định Tập đoàn JFE có tham gia Dự án Thép Guang Lian hay không, bởi tập đoàn này vẫn đang trong quá trình khảo sát, đánh giá toàn diện tính khả thi của Dự án, song những hiệu ứng tích cực từ sự có mặt của JFE đã rất rõ ràng.

 

Thực tế, vào năm 2007, JFE đã từng đến khảo sát tại Dung Quất và cũng đã đề xuất và hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Nhà máy Thép liên hợp công suất giai đoạn I khoảng 6 triệu tấn và có thể mở rộng lên 12 triệu tấn, với tổng vốn đầu tư khoảng 6,9 tỷ USD.

 

Tuy nhiên, do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, JFE đã tạm dừng triển khai dự án và nay đã quyết định quay lại Việt Nam bằng việc hợp tác với E-United thực hiện nghiên cứu khả thi Dự án Guang Lian.

 

“Xu hướng các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài là có thật. Trong khi đó, Dung Quất có rất nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, như có cảng nước sâu, đã thu hút được nhiều dự án công nghiệp nặng, do vậy, chúng tôi rất hy vọng JFE sẽ cùng E-United triển khai Dự án Thép Guang Lian”, ông Dũng nói và cho biết, từ sau khi ký biên bản ghi nhớ với E-United (cuối tháng 3/2012) đến nay, JFE đã liên tục cử các đoàn khảo sát đến Dung Quất để thực hiện các công việc cần thiết, như xem xét quy hoạch bố trí tổng mặt bằng, khả năng đáp ứng của cảng nước sâu, các điều kiện về hạ tầng, các chính sách ưu đãi...

 

Nhà đầu tư này thậm chí còn tính đến chuyện mở rộng dây chuyền sản xuất thép kỹ thuật để nâng cao hiệu quả Dự án Guang Lian, cũng như để đáp ứng nhu cầu cung ứng thép cho ngành đóng tàu, sản xuất ô tô tại châu Âu và Mỹ. Đây chính là những thị trường truyền thống của JFE.

 

Tuy nhiên, hiện vẫn phải chờ quyết định cuối cùng của JFE về việc có chọn Dung Quất là điểm dừng chân hay không. Chuyện các nhà đầu tư phụ trợ có đến Quảng Ngãi hay không cũng phụ thuộc vào sự lựa chọn của JFE.

 

Nếu câu trả lời là có, JFE sẽ cùng với không ít tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia khác, như Samsung, Intel... đóng vai trò là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư vào Việt Nam.

 

Chẳng hạn, Samsung, sau khi mở nhà máy điện thoại di động ở Bắc Ninh, tính tới cuối năm ngoái, đã thu hút được hơn 40 nhà đầu tư vệ tinh, với tổng vốn đăng ký 250 triệu USD. Với Intel cũng tương tự, rất nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ mối quan tâm tới thị trường Việt Nam sau khi “đại gia” này mở nhà máy ở Việt Nam...

 

Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, đây là một xu hướng là rất đáng mừng. “Việt Nam nên tập trung thu hút đầu tư các tập đoàn đa quốc gia, bởi hiệu ứng từ sự đầu tư của các tập đoàn này là rất lớn.

 

Không chỉ góp phần thu hút nhà đầu tư vệ tinh, phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, mà các nhà đầu tư này sẽ giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, cũng như chuyển giao công nghệ”, ông Mại nói.

 

 

Theo ĐT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo