Hỗ trợ doanh nghiệp

Thực hiện giải pháp tổng thể giúp doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại

(DNVN) - Đó là một trong những nội dung quan trọng trong Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án nêu rõ, mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 300 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân từ 11% - 12%/năm trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020; phấn đấu cân bằng thương mại ổn định vào năm 2020 và đạt thặng dư thương mại bền vững từ năm tiếp theo.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Về định hướng phát triển thị trường, củng cố vững chắc và từng bước mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống bao gồm Đông Nam Á, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Nga và các nước Đông Âu, Canada, Ấn Độ. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tập trung và tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng tại khu vực Châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Đông và Ấn Độ.

Giảm bớt sự phụ thuộc của xuất khẩu vào một số thị trường nhất định nhằm hạn chế rủi ro trước những biến động của thị trường cũng như các yếu tố kinh tế, chính trị khu vực và thế giới.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại những thị trường truyền thống và thị trường mới tiềm năng; tham gia sâu, rộng vào hệ thống phân phối tại các thị trường khu vực, đặc biệt là thị trường khu vực Châu Mỹ và Châu Âu.

Một trong các giải pháp thực hiện Đề án là xúc tiến thương mại. Cụ thể, thực hiện các giải pháp tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường ngoài nước, đặc biệt là tại các hội chợ chuyên ngành thường niên uy tín giúp kết nối với các hệ thống phân phối và thu hút được nhiều đối tác trên thế giới tại các thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam gắn với các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường xuất khẩu cần được tăng cường nhằm xây dựng hình ảnh, tạo cơ sở phát triển xuất khẩu hàng Việt Nam ổn định, vững chắc.

Đề án cũng ưu tiên hỗ trợ thâm nhập thị trường nước ngoài đối với các thương hiệu hàng hóa thuộc Chương trình Thương hiệu quốc gia. Đẩy mạnh công tác khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại để phát triển xuất khẩu, đưa hàng Việt Nam tới các thị trường mới tại khu vực Châu Phi và Mỹ La-tinh; các thị trường tiềm năng khu vực Bắc Âu, Đông Âu và SNG, khu vực Nam Thái Bình Dương (Đông Timo, Palau, Vanuatu), khu vực Đông Bắc Á (Mông Cổ, Triều Tiên), một số bang vùng Trung Hoa Kỳ.  

 

Giải pháp khác thực hiện Đề án là củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cụ thể, củng cố, phát triển nhóm thị trường trọng điểm và những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh. Nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu của các nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong từng thời kỳ nhằm mở rộng và duy trì ổn định thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam.

Cùng với đó, việc nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, phân phối ở nước ngoài cũng được thúc đẩy. Tích cực hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với hàng hoá có thương hiệu, giá trị gia tăng cao. Tăng cường cơ chế hợp tác toàn diện với hệ thống phân phối lớn ở các thị trường khu vực...

Khai thác và tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường theo lộ trình cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu; nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA); đẩy mạnh hoạt động đàm phán thương mại song phương và đa phương, tạo thuận lợi cho xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước phát triển đã ký FTA với Việt Nam để tiếp nhận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

LANH CHANH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo