Văn hóa

Du lịch làm ăn kiểu mùa vụ

Trong kỳ nghỉ lễ dài 6 ngày, tại nhiều điểm du lịch khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam, khách sạn “cháy” phòng, bãi biển “đặc” người, một số dịch vụ tăng giá gấp 2 - 3 lần so với ngày thường... khiến du khách kêu than đi du lịch như “hành xác”. Du lịch Việt đang thể hiện mặt trái khi làm ăn theo kiểu thời vụ.

 

Du lịch biển “cháy” phòng
 
Đông khách nhất vào dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay là các vùng biển đẹp, có dịch vụ tốt như Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc, Vũng Tàu... Các vùng biển Hạ Long, Cửa Lò, Sầm Sơn, Đồ Sơn cũng có lượng khách lớn đổ về do các điểm này đã bắt đầu khai trương mùa du lịch mới với nhiều hoạt động, chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Gần 10.000 chỗ trong các tour du lịch hè 2015, trong đó đa phần là tour biển đảo đã được các hãng lữ hành bán hết từ đầu tháng 4 tại Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) với mức giá giảm ít nhất 20%.
 
Lan truyền trên các trang mạng xã hội mấy ngày vừa qua là hình ảnh bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) dài hàng ki lô mét nhưng không còn một chỗ trống. Từ sáng đến chiều, số lượng người tắm luôn khiến bãi biển này trong tình trạng quá tải. Từ 29/4 - 1/5, dọc QL1A từ Hà Nội về Thanh Hóa ùn tắc kéo dài. Lãnh đạo UBND thị xã Sầm Sơn cho hay, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sầm Sơn đón khoảng 30.000 lượt khách. Thị xã Sầm Sơn có gần 12.000 phòng, trong đó có hơn 580 phòng VIP phục vụ nhu cầu của du khách hạng sang, tuy nhiên đa số đã kín chỗ từ trước dịp nghỉ 30/4. Rất nhiều du khách do chủ quan không đặt phòng trước đã không thể tìm được nơi ở trong dịp nghỉ lễ tại Sầm Sơn. Nhiều du khách phải chọn cách chuyển hướng đặt phòng tại TP Thanh Hóa - nơi cách khu du lịch 17km.
 
Bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa.
 
Tình trạng “cháy” phòng khách sạn cũng xảy ra ở các điểm du lịch biển như Cửa Lò, Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né. Từ đầu tháng 4, lướt một vòng website các khách sạn lớn như Longbeach Phú Yên, Phú Quý (Đà Nẵng, Nha Trang)… đều trong tình trạng thông báo đã hết phòng nghỉ. Ông Tuấn Nam - Giám đốc Longbeach Phú Yên cho biết, khách sạn có 57 phòng nhưng khách đã đặt hết từ 28/4. Theo bà Huỳnh Thị Kim Hương - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Sao Việt, khu du lịch sinh thái Sao Việt của công ty này tại xã An Phú (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) cũng đã hết phòng từ 29/4. Trong dịp nghỉ lễ này, Cửa Lò thu hút gần 150.000 lượt khách, đông gấp 4 - 5 lần lượng khách du lịch thường ngày, nên 270 khách sạn với 8.000 phòng nơi đây chật kín người thuê. Do không có phòng, nhiều du khách phải chọn thuê nhà dân để nghỉ.

Hà Nội cũng… quá tải
 
Đường phố Hà Nội trong 6 ngày nghỉ lễ vừa qua có phần vắng vẻ, người dân không còn chứng kiến cảnh tắc đường thường thấy. Thế nhưng, không vì thế mà những điểm vui chơi trong nội thành như Công viên Thủ lệ, Công viên nước Hồ Tây, khu vực xung quanh Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám ít người ghé thăm. Những ngày này, mặc dù thời tiết Hà Nội nắng nóng nhưng lượng người đổ về những điểm vui chơi rất đông. Tại Ba Vì, nơi cách trung tâm Thủ đô hơn 50km, nổi tiếng với các điểm du lịch sinh thái như Tản Đà resort, Khoang Xanh, Suối Tiên… cũng tấp nập du khách đến nghỉ dưỡng. Bà Tạ Thị Nguyệt Mỹ - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc khu nghỉ dưỡng Tản Đà cho biết: “Mọi năm, Tản Đà resort đón số lượng lớn du khách đến nghỉ dưỡng ngắn ngày. Thế nhưng năm nay, từ đầu tháng 4, chúng tôi chủ yếu nhận đặt phòng của du khách có nhu cầu nghỉ 5 - 6 ngày trong dịp nghỉ lễ. Từ 27/4 - 2/5, khu nghỉ dưỡng Tản Đà không còn một phòng trống, dịch vụ ăn uống, vui chơi, làm việc với tần suất gấp 2 - 3 ngày thường”.
 
Đồng nghĩa với sự quá tải của các điểm du lịch là sự phàn nàn của du khách về điều kiện ăn, nghỉ. Nhiều du khách cho rằng, đi du lịch những ngày này như… hành xác, nhiều điểm du lịch thi nhau chặt chém với giá trên trời. Các khách sạn 3 - 5 sao thực hiện cam kết chỉ tăng giá từ 10 - 20%, tuy nhiên do cơ quan chức năng buông lỏng quản lý nên nhiều nhà nghỉ bình dân tăng giá phòng từ 300.000 – 800.000 đồng, thậm chí có nơi còn tăng hơn 1 triệu đồng. Sự quá tải cũng như hành động tăng giá vô tội vạ trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua cho thấy hiệu quả quản lý của ngành du lịch và khả năng giám sát tổ chức hoạt động du lịch giữa các địa phương đang còn nhiều lỗ hổng. Nếu du lịch Việt mãi duy trì cách làm ăn mùa vụ như thế sẽ đứng trước nguy cơ mất khách trước cuộc cạnh tranh hình ảnh, giá cả của các tour du lịch nước ngoài. Trong bối cảnh hiện tại, ngành du lịch nên có những biện pháp phản ứng hiệu quả, kịp thời thì mới có thể ngăn chặn đà sụt giảm hiện tại và cải thiện hình ảnh ngay trong con mắt du khách nội địa.
Theo KTĐT
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo