600 doanh nghiệp tham gia hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2023
Lâm Đồng: Doanh nghiệp du lịch, dịch vụ lo lắng vì tiền thuê đất tăng cao / Nâng tầm Lễ hội Bunpimay Buôn Đôn thành sản phẩm du lịch mới của Đắk Lắk
Phát biểu khai mạc Hội chợ VITM Hà Nội 2023, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, triển khai thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển hiệu quả và bền vững” được tổ chức ngày 15/3, tròn 1 năm Việt Nam mở cửa lại hoàn toàn thị trường du lịch, trong thời gian qua Bộ VHTTDL đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành cơ cấu lại thị trường, tổ chức đồng bộ các hội nghị phát triển du lịch, chương trình liên kết phát triển du lịch, tuần văn hoá - du lịch.
Qua đó đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá theo hướng trọng tậm, trọng điểm, xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, thu hút mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo nên sức mạnh tổng thể, chung tay xây dựng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam gắn với “phát triển xanh, bền vững và lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.
“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao sự chủ động của Hiệp hội Du lịch Việt Nam khi lựa chọn chủ đề chính thức của Hội chợ VITM Hà Nội 2023 là “Du lịch Văn hoá Việt Nam””, ông Hùng nói.
Được tổ chức lần đầu vào năm 2013, sau 11 lần tổ chức, VITM Hà Nội đã trở thành một trong những hoạt động xúc tiến du lịch quan trọng, là hội chợ có quy mô lớn nhất của ngành du lịch, mang lại những cơ hội thiết thực giúp các doanh nghiệp du lịch, điểm đến, các địa phương trong nước, quốc tế gặp gỡ, nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác và phát triển.
Dù còn nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, hội chợ năm nay vẫn thu hút sự tham gia trực tiếp của 600 doanh nghiệp tới từ 50 tỉnh, thành phố trong cả nước và 15 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Sau lễ khai mạc, nhiều hoạt động phong phú sẽ diễn ra, trong đó có diễn đàn “Phát triển du lịch văn hoá Việt Nam” đưa ra những đề xuất, ý tưởng gợi mở cho phát triển du lịch văn hóa, tạo thuận lợi cho du lịch gắn kết với văn hóa phát triển bứt phá hơn.
Cùng với đó, các chương trình, hội nghị giới thiệu điểm đến là cơ hội tốt cho các địa phương, các doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế gặp gỡ, kết nối và xúc tiến thương mại, góp phần đẩy mạnh phục hồi, tăng trưởng trở lại ngành du lịch theo hướng phát triển xanh, bền vững.
Hội chợ kỳ vọng các doanh nghiệp du lịch sẽ tìm và gặp gỡ được nhiều đối tác mới, tìm được nhiều hướng kinh doanh mới, nhiều hợp đồng sẽ được ký kết, tạo đà cho sự phát triển của du lịch Việt Nam cũng như của các đối tác, các quốc gia tham gia vào chuỗi các hoạt động tại hội chợ trong thời gian tới.
Đồng thời, các địa phương sẽ kết nối được với các doanh nghiệp lữ hành để chung tay phát triển sản phẩm theo hướng “mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc sắc”, xây dựng tour, tuyến khai thác tối đa tiềm năng du lịch và phù hợp với thị hiếu của du khách.
“Bộ VHTTDL sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp du lịch để cùng nhau giới thiệu, quảng bá hình ảnh về một “Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hoà, mến khách, hội nhập và phát triển” đến với nhiều du khách tại các thị trường trọng điểm trên thế giới”, ông Hùng khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo