Đức xem lại quy định về cổ phần sau vụ tỷ phú đầu tư vào Daimler
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Chính phủ Đức sẽ xem xét lại quy định về việc các nhà đầu tư cần thông báo việc nắm giữ cổ phần ở một công ty sau vụ tỷ phú Lý Thư Phúc của Trung Quốc thông qua công ty sản xuất ôtô Geely mua lại 9,69% cổ phần của tập đoàn sản xuất ôtô Daimler trị giá 7,2 tỷ euro.
Trong bản báo cáo của Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội Liên bang Đức, sau vụ việc trên có đề cập đến việc chính phủ liên bang sẽ xem xét lại các quy định hiện hành, đánh giá liệu những công cụ đó có đủ độ minh bạch và có cần thêm các hướng dẫn chi tiết hay không. Tuy nhiên, do tình hình chính trường Đức hiện nay, việc rà soát lại các quy định về thông báo tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại các công ty chỉ được thực hiện khi chính phủ mới được thành lập. Hiện tại, 464.000 đảng viên đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đang tiến hành bỏ phiếu để thông qua thỏa thuận liên minh với liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel.
Việc bỏ phiếu sẽ kết thúc vào ngày 2/3 tới và kết quả dự kiến được công bố vào ngày 4/3 tới.
Cuối tuần qua, Daimler bất ngờ công bố thông tin về việc tỷ phú Lý Thư Phúc lặng lẽ gom mua được 9,69% cổ phần của tập đoàn sản xuất ôtô có trụ sở tại thành phố Stuttgart thuộc bang Baden-Würtemberg ở phía Tây Nam nước Đức và sở hữu nhiều thương hiệu ôtô; trong đó có Mercedes-Benz.
Điều đáng nói là ông Lý đã không tiết lộ khi vượt qua các mức nắm giữ 3 và 5% cổ phần theo quy định hiện hành của Đức.
Khoản đầu tư trị giá 7,2 tỷ euro giúp ông Lý trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất tại Daimler, tập đoàn sản xuất ôtô hiếm hoi của Đức không thuộc sở hữu của một gia đình.
Hiện tại, khoảng 65% cổ phần của Daimler thuộc về các quỹ đầu tư của Đức và châu Âu, 22,8% thuộc về các nhà đầu tư Mỹ, phần còn lại thuộc về các nhà đầu tư châu Á và các nơi khác trên thế giới.
Ông Lý đã thông qua công ty Geely làm việc với Bank of America Merrill Lynch để thực hiện việc mua cổ phần tại Daimler. Tuy nhiên, ngân hàng Mỹ này từ chối đưa ra các bình luận liên quan đến vụ việc.
Đức từng siết chặt quy định về thông báo tỷ lệ cổ phần nắm giữ sau vụ hãng ôtô Porsche lặng lẽ mua đến 30% cổ phần của tập đoàn ôtô Volkswagen vào năm 2008 và nhà cung cấp phụ tùng ôtô Schäffler âm thầm mua 1/3 cổ phần của đối thủ Continental.
Các thương vụ này bị đánh giá là thiếu minh bạch và lợi dụng các quy định quản lý còn khá lỏng lẻo.
Việc Trung Quốc ồ ạt đầu tư sang Đức và châu Âu, trong đó mua cổ phần hoặc mua lại nhiều công ty lớn, đã gây ra quan ngại về vấn đề tự do thương mại, an ninh quốc phòng cũng như chia rẽ trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU).
Năm 2017, chính phủ Đức được mở rộng quyền hạn trong việc kiểm soát các hồ sơ dự thầu mua lại công ty Đức từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các ngành ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng quan trọng.
Nên đọc
Theo TTXVN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo