Đừng để người dân nghèo phải "gánh" tiền điện cho người giàu
Giá điện và cách tính tiền điện quá nhiều bất cập
Theo biểu giá điện hiện nay, sử dụng dưới 50 KWh/tháng mức giá là 1.484 đồng/KWh, từ 51-100 KWh sẽ có giá 1.533 đồng/KWh, bậc thang 101-200 KWh có giá 1.786 đồng/KWh, bậc thang 201-300 KWh là 2.242 đồng/KWh, bậc thang 301-400 KWh giá 2.503 đồng/KWh và từ 401 KWh trở lên, giá bán lẻ lên đến 2.587 đồng/KWh. Với biểu giá gồm 6 bậc thang này, các hộ gia đình phải chi trả hóa đơn tiền điện tăng đột biến, gấp 1,5-3 lần so với trước; nhất là vào những thời điểm nắng nóng. Với cách tính như hiện nay, dùng càng nhiều điện thì giá càng cao.
Việc áp dụng biểu giá lũy kế cho khách hàng sử dụng sinh hoạt là phổ biến trên thế giới để khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Một trong những lý do nữa để Bộ Công Thương và EVN áp dụng biểu giá lũy tiến là giá điện ở Việt Nam thấp hơn so với các nước xung quanh.
Tuy nhiên, nói như Bộ Công Thương và EVN là chưa thật chuẩn. Về giá điện, đúng là so với các nước, ví dụ như Singapore, giá điện của chúng ta thấp hơn. Nhưng sao chỉ giá điện được đưa ra so sánh, trong khi thu nhập người dân không được tính tới, cụ thể hơn, thu nhập người dân Singapore gấp nhiều lần Việt Nam.
Mặt bằng lương thấp phải đi cùng với mặt bằng giá những mặt hàng thiết yếu thấp tương ứng. Đó là lẽ thường tình. Một lý nữa của ngành điện, do hạ tầng sản xuất và phân phối điện chưa hoàn chỉnh, còn cần đầu tư nên cần phải tăng giá điện để lấy tiền đầu tư. Lý do này cũng không chấp nhận được.
EVN là một doanh nghiệp, muốn có hàng hóa và đưa hàng hóa đến người tiêu dùng EVN phải đầu tư, đầu tư bằng vốn tự có, bằng vốn vay, không thể đổ nhu cầu vốn lên đầu người tiêu dùng được. Giá điện cao, không chỉ người dùng điện sinh hoạt phải vất vả mà việc tính giá điện thiếu hợp lý còn khiến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam giảm. Giá điện cao chỉ có lợi cho ngành điện, còn nền kinh tế phải chịu thiệt hại.
Với cách tính tiền điện theo biểu giá lũy tiến, cũng cần thừa nhận, việc tính theo biểu giá lũy tiến vẫn cần thiết vì chúng ta còn thiếu điện. Thực tế, nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận nguyên nhân sâu xa của việc áp dụng biểu giá điện như trên là bởi chủ trương không bán điện dưới giá thành nhưng vẫn phải tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo và hộ chính sách. Do vậy, hiển nhiên phải tồn tại tình trạng bù chéo giá điện giữa các đối tượng sử dụng. Tuy nhiên cần xét lại biểu giá lũy tiến, đặc biệt khi thời tiết ngày càng khắc nghiệt, mức sống người dân tăng lên và nhu cầu điện tối thiểu cũng tăng.
Trước những bức xúc của người dân về cách tính giá điện, ngành điện và cơ quan quản lý cần xem xét thỏa đáng, vì điều kiện người dân tăng, cùng với khí hậu là bất khả kháng, người dân không thể không dùng điện. Trong khi đó, những thất thoát, lãng phí, chi phí sản xuất… của ngành điện quá lớn, dù EVN đã hứa giảm nhưng tới nay kết quả thế nào vẫn chưa được giám sát, công khai. Chính Bộ Công Thương, đơn vị quản lý Nhà nước và…tham gia điều hành ngành điện cũng thấy được sự bất cập đó. Tại cuộc họp với các cơ quan quản lý, sản xuất điện hồi tháng 7-2015 , Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng biểu giá và cách chia nhiều bậc thang nhỏ đã không còn hợp lý với tình hình hiện tại.
Cách tính tiền điện mới
Theo thông báo của EVN, trong tháng 9, EVN sẽ phải tổ chức hội thảo ở cả 3 miền để lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân, hoàn thiện đề án về cơ cấu biểu giá điện báo cáo Bộ Công Thương. Nghĩa là đến nay chưa có thang biểu giá lũy tiến tiền điện mới. Tuy nhiên, theo những phát biểu của các quan chức EVN, diện mạo của thang biểu mới đã có. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, phương án biểu giá điện mới sẽ theo hướng đơn giản và tiện lợi cho cả người dân và ngành điện. Cụ thể, sẽ giảm số bậc thang tính giá, thay vì 6 bậc như hiện nay.
Tuy nhiên, mức thang 50 kW/h (số điện) vẫn được giữ để đảm bảo có lợi cho người nghèo, người sử dụng ít điện, chỉ giảm số bậc với thang điện mức cao trên 50 kW/h. Theo phương án sẽ được đưa ra lấy ý kiến dư luận, chỉ còn ba bậc thang dưới 50 kW/h/tháng, từ 50-400 kW/h/tháng và trên 400 kW/h/tháng. Cũng theo ông Hoàng Quốc Vượng: “Với cách tính mới, có thể hộ dùng từ 50 tới dưới 400 số điện sẽ phải chi nhiều hơn mức hiện tại; những hộ dùng trên 400 số điện sẽ chi trả giảm đi. Dù phương án nào cũng có đối tượng bị ảnh hưởng”.
Trong một diễn biến khác, để chuẩn bị cho việc triển khai thị trường bán buôn điện cạnh trạnh tới đây, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực cũng cho biết, đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiên cứu để trình các cấp thẩm quyền về việc sửa đổi Quyết định 69/2013/QĐ-TTg ngày 19-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Định hướng xây dựng cơ chế giá điện sẽ tập trung vào các nội dung: Điều chỉnh cơ chế giá bán lẻ phù hợp với thiết kế của thị trường bán buôn điện; chi phí mua điện trên thị trường điện là một yếu tố đầu vào để xác định giá bán lẻ điện; giá điện kịp thời phản ánh được biến động của các thông số đầu vào trên thị trường như giá nhiên liệu, tỉ giá, cơ cấu nguồn huy động… của đơn vị điện lực, hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được tiếp tục hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt. Như vậy giá bán lẻ sẽ phản ánh theo quy luật cung cầu trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Nhà nước tiếp tục hỗ trợ tiền điện trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ chính sách. Qua đó chúng ta phải đảm bảo được các mục tiêu quan trọng là chuyển sang điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, từng bước mở rộng cạnh tranh đến các khâu trong dây chuyền sản xuất kinh doanh điện, đồng thời thực hiện chủ trương chính sách an sinh xã hội lớn của Đảng và Nhà nước là hỗ trợ trực tiếp tiền điện cho các hộ gia đình nghèo, hộ chính sách. Với một thị trường điện cạnh tranh hiện nay chỉ diễn ra trong nội bộ EVN và Bộ Công Thương vừa là chủ sở hữu, kiêm cơ quan quản lý Nhà nước, người giám sát EVN thì không có hy vọng giá bán điện sẽ giảm.
Có phải chi nhiều tiền điện hơn?
Hiện nay, nếu không tính các hộ nghèo ở vùng sâu vùng xa, đa số các hộ dân hiện nay đang sử dụng điện ở mức trung bình từ 100 dến 300 kW/h/tháng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, doanh thu từ bán điện 6 tháng đầu năm 2015 của toàn Tập đoàn ước đạt 109.161 tỷ đồng, trong đó 5 tổng công ty điện lực đạt 107.434 tỷ đồng, tăng 15,35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đa số các hộ dân ở đô thị và đồng bằng, trung du có mức sử dụng điện dưới 300kW/h/tháng. Mức giá điện bình quân hiện nay là 1.622 đồng/kwh.Với biểu giá hiện nay, nếu lấy mức giá của từng bậc so với giá điện bình quân, ta thấy có hai bậc thấp hơn là bậc 1 (thấp hơn 8,5%) và bậc 2 (thấp hơn 5%).
Các bậc còn lại cao và cao hơn rất nhiều so với giá điện bình quân: bậc 3 (cao hơn 10%), bậc 4 (38%), bậc 5 (54%) và bậc 6 cao nhất (59%). Trong khi đó, người dân sử dụng điện trung bình mỗi tháng đều từ 100- 300 kWh, tức đều phải trả mức giá cao hơn giá điện bình quân. Cần nói thêm rằng, chỉ với giá điện bình quân, tức là 1.622 đồng/kWh, ngành điện đã đủ để có lãi.
Với biểu giá mới, biểu giá dành cho các hộ dùng điện trên 400 kW/h/tháng sẽ giảm và trung bình các hộ dân sử dụng từ 100- 400 kW/h/tháng sẽ phải trả cao hơn. Có nghĩa chi phí cho việc sử dụng điện sẽ tăng thêm. Đa số các hộ dân, so với biểu giá cũ, không chỉ phải gánh tiền điện cho hộ nghèo, mà sắp tới còn gánh cho các hộ giàu nữa. Có cái gì đó chưa ổn.
TS Trần Phan Đức (ĐHKT TP HCM): Biểu giá hiện nay áp dụng cách tính lấy giá điện ở mức tiêu thụ cao bù cho các số thấp là chưa thực sự thuyết phục người tiêu dùng. Đặc biệt, giá điện bán như hiện nay đã có lãi nên định hướng dùng càng nhiều càng phải trả tiền nhiều là không còn phù hợp. Tuy nhiên, giảm bớt bậc thang cần đi đôi với thu hẹp khoảng cách về giá điện một cách phù hợp để người tiêu dùng được hưởng lợi. Nếu không, bậc thang ít nhưng giá điện giữa mỗi bậc thang lại chênh lệch lớn thì người tiêu dùng vẫn bị thiệt. Đặc biệt, ý tưởng lấy giá điện của các hộ dùng trung bình bù cho cả người dùng lẫn người dùng quá nhiều là không công bằng. Ths Phạm Thị Lan (Hội KH Kinh tế Việt Nam): Về nguyên tắc thị trường, với một loại hàng hóa, dịch vụ bất kỳ nào đó thì dùng càng nhiều thì giá phải càng rẻ. Thêm nữa, với thời gian và sự tiến bộ công nghệ, chi phí sản xuất ngày càng giảm, giá thành cũng sẽ giảm. Như vậy, giá điện tăng lien tục là bất hợp lý, càng dùng nhiều, giá điện càng tăng lại càng bất hợp lý. Đặc biệt, giá điện bán như hiện nay, EVN đã có lãi, thậm chí lãi lớn, nên định hướng dùng càng nhiều càng phải trả tiền nhiều là không còn phù hợp. TS Lê Bích (Viện nghiên cứu kinh tế phát triển TP HCM): Nếu chỉ xem xét phương án tính biểu giá lũy tiến tiền điện 3 bậc như các lãnh đạo EVN phát biểu, ngành điện cũng chỉ nghĩ đến lợi ích của ngành, chưa nghĩ đến lợi ích chung của người dân. Nếu theo đúng phương án đó, doanh thu cũng như lợi nhuận của ngành điện tăng lên vì chắc chắn giá bán điện trung bình sẽ tăng. Vì vậy, Bộ Công Thương và EVN phải có mức giá ở các bậc thang thích hợp để đảm bảo giá bán điện trung bình phải thấp hơn hoặc bằng mức giá cũ. Tốt nhất là nếu đã có lãi, nên giảm mức giá bán điện trung bình xuống. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo