Doanh nghiệp - Doanh nhân

Đường trở thành ‘Jeff Bezos Trung Quốc’ của tỷ phú cạnh tranh với Jack Ma

Liu Qiangdong từ nghèo khó trở thành tỷ phú giàu thứ 16 Trung Quốc, đồng thời là ông chủ của JD.com, mô hình kinh doanh tương tự Amazon.

Ở nước ngoài, người đàn ông này được biết đến với cái tên Richard Liu, sở hữu khối tài sản hơn 10 tỷ USD. Doanh nhân 43 tuổi được ví là Jeff Bezos của Trung Quốc, người đưa JD.com trở thành công ty Internet có doanh thu lớn thứ ba toàn cầu, chỉ đứng sau Amazon, Google và xếp trên cả Facebook.

Richard sinh trưởng trong gia đình nghèo tại vùng nông thôn với đất đai khô cằn cách thủ đô Bắc Kinh 700 km.

Richard Liu - ông chủ JD.com. Ảnh: Getty Images.

“Chúng tôi chỉ được ăn bắp từ tháng 6 đến tháng 9. Món điểm tâm mỗi sáng là cháo bắp, bữa trưa là bánh bắp và bánh mì bắp khô cho bữa tối. Bánh mì bắp rất cứng và khó ăn, rất dễ bị chảy máu họng. 8 tháng còn lại, chúng tôi ăn sáng với khoai lang luộc, bánh khoai lang cho bữa trưa và khoai lang nướng cho bữa tối”, ông kể. Đến khi 18 tuổi, người đàn ông này vẫn chỉ có thể ăn thịt một hay hai lần hiếm hoi mỗi năm.

Năm 1992, Richard vượt qua kỳ thi khó khăn để vào Đại học Nhân Dân Bắc Kinh. Thời điểm đó, gia đình không có tiền cho ông lên thủ đô. Làng xóm, họ hàng và bạn bè gom góp được 500 Nhân dân tệ, tương đương 75 USD cho ông làm hành trang. Đó là một số tiền rất lớn trong giai đoạn này.

Những ai không có tiền giúp đỡ thì quyên góp trứng để cậu sinh viên có thứ lót dạ cho hành trình dài. “Tôi không thể mang theo gà đến Bắc Kinh nhưng trứng thì có thể. Trong suốt một tuần đầu ở thủ đô, tôi chỉ toàn ăn trứng qua bữa”, ông nhớ lại.

Sang tuần thứ hai, Richard tự tìm công việc đầu tiên là viết tay bản thảo cho một công ty không có máy photocopy. Trong thời gian ấy, ông cũng tự học các chương trình máy tính và kiếm tiền từ các kiến thức này.

Vào những năm 1990, Trung Quốc khan hiếm kỹ sư máy tính trong khi nhu cầu ngày càng nhiều. Richard bắt đầu kiếm nhiều tiền và thậm chí mua được cả điện thoại di động thương hiệu Motorolo với giá 4.000 USD. “Đó là một món tài sản khổng lồ”, ông mô tả. Ông cũng mua cho mình một chiếc máy tính và xây được một căn nhà khang trang ở cho bố mẹ ở quê.

 

Với số tiền kiếm được từ lập trình máy tính, Richard mở nhà hàng gần trường học. Tuy nhiên, công việc không thuận lợi như ông kỳ vọng và quán phải đóng cửa 8 tháng sau đó. “Nhân viên thu ngân và đầu bếp yêu nhau. Họ tìm mọi cách để bòn rút tiền của quán và các nhân viên khác cũng học theo. Tất cả đều là lỗi của tôi vì tôi không có kỹ năng quản lý và không bao giờ ở quán để theo dõi tình hình hoạt động”, Richard kể với nụ cười buồn bã.

Thất bại trong mở nhà hàng, ông xin vào làm việc tại một công ty Nhật để học kỹ năng quản lý cũng như kiếm tiền trả nợ. Sau hai năm, Richard tích lũy được 12.000 Nhân dân tệ. Số tiền này đủ để bắt đầu một dự án kinh doanh mới. Năm 1998, ông mở gian hàng bán linh kiện máy tính trong diện tích 4m2 ở một khu chợ điện tử.

Lúc buôn bán, ông nhận thấy hầu hết các đối thủ của mình đều kiếm tiền bằng việc lừa gạt khách hàng, bán hàng giả hoặc kém chất lượng. Richard không muốn giống mọi người, ông quyết định đi một con đường khác. Tỷ phú kể ông là người đầu tiên và duy nhất trong chợ treo bảng giá cho các sản phẩm và có nhãn mác, biên lai đàng hoàng.

Từ một gian hàng nhỏ, đến đầu năm 2003, Richard mở rộng ra 12 cửa hàng điện tử lớn khắp Bắc Kinh. Thời điểm này, đại dịch Sars, hay được biết là hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng ập đến. Căn bệnh lấy đi sinh mệnh của 775 người trên khắp thế giới. Đại dịch lan khắp miền Nam Trung Quốc và nhanh chóng tiến tới thủ đô. Richard buộc phải đóng các cửa hàng của mình. Tuy nhiên, ông vẫn thuê một số nhân viên bán hàng qua mạng.

Khi đại dịch đi qua và các cửa hàng hoạt động trở lại, vị doanh nhân vẫn thuê một nhân viên làm việc toàn thời gian cho mảng online. Cuối năm đó, khi nhìn lại các con số và kết quả kinh doanh, ông nhận ra tiềm năng của thương mại điện tử và quyết định đây chính là con đường của mình.

 

“Nếu không có Sars, tôi tin chắc mình vẫn giàu có và thành công. Tuy nhiên, mức độ thành công sẽ không lớn như hôm nay bởi mô hình kinh doanh ngày xưa không phải là tốt nhất”, ông giải thích.

Richard dùng chiếc máy tính chạy nhanh nhất trong văn phòng làm máy chủ đầu tiên của JD.com. Ông tự viết những dòng lệnh đầu tiên cho trang web. Doanh nhân dọn vào sống hẳn trong văn phòng để có thể trả lời khách hàng online bất kể thời gian nào trong ngày.

Ông mua một chiếc đồng hồ báo thức và đặt trên sàn nhà. Mỗi hai tiếng, chiếc chuông báo lại reo như thể động đất, nhắc nhở ông thức giấc làm việc. Cứ như thế, người đàn ông ngồi dậy, trả lời các câu hỏi của khách hàng, ngủ tiếp hai tiếng và lại thức dậy làm việc tương tự.

Trong bốn năm đầu, chỉ mình Richard làm công việc chăm sóc khách hàng. “Điều này vô cùng ý nghĩa với tôi vì nhờ đó tôi nắm và hiểu được mọi ngóc ngách mà khách hàng thật sự mong muốn”, ông nói. Tỷ phú thậm chí vẫn sống trong văn phòng của mình cả một thập kỷ, ngay khi đã kiếm được rất nhiều tiền.

 Richard Liu và vợ Zhang Zetian - hiện là doanh nhân và nhà đầu tư. Cô từng là gương mặt nổi tiếng trên mạng tại Trung Quốc với biệt danh "em gái trà sữa".

Trong hai thập niên qua, nền kinh tế Trung Quốc đã có những bùng nổ kinh ngạc. Năm 2016, tổng số giao dịch online tại đây đạt 750 tỷ USD, gần gấp đôi Mỹ. Hầu hết các nhà phân tích dự đoán thị trường bán lẻ online Trung Quốc sẽ vượt hơn cả gấp đôi con số này vào 2020. Nỗ lực tự thân và độ lớn của thị trường đã đưa Richard trở thành người giàu thứ 16 tại Trung Quốc và ông rất tự tin vào con đường phía trước.

“Trong 5 năm tới, tôi chắc chắn JD.com sẽ là nền tảng bán hàng B2C (doanh nghiệp đến khách hàng) lớn nhất Trung Quốc. Chúng tôi sẽ vượt qua bất kỳ đối thủ nào”, ông chia sẻ quyết tâm vượt qua gã khổng lồ Alibaba của tỷ phú Jack Ma - người giàu nhất Trung Quốc.

 

Alibaba đã lên sàn New York Stock Exchange tại Mỹ vào năm 2014 trong đợt chào bán công khai lớn nhất lịch sử. Thông qua các nền tảng bán lẻ trực tuyến, Alibaba nắm giữ khoảng 57% thị phần thương mại điện tử B2C ở Trung Quốc, trong khi JD chiếm 25%.

Tập đoàn của tỷ phú Jack Ma cũng thống trị mảng thanh toán di động và đầu tư vào nhiều hạng mục như xưởng phim hay các cửa hàng truyền thống. Đơn vị này cũng có lợi nhuận ròng ở mức 30% trong khi JD mới tiến đến những bước đầu của sinh lợi nhuận. Chỉ trong ba tháng đầu năm 2017, công ty của Richard đạt lợi nhuận ròng 35 triệu USD với doanh thu 11,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, tỷ phú Trung Quôc tỏ ra không mấy mặn mà. Ông nói việc kinh doanh thương mại điện tử đã sinh lời được 3 năm. “Chúng tôi vẫn mất tiền vì đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ, tài chính và những mảng kinh doanh mới. Mọi thứ đều cần rất nhiều tiền”, Richard cho biết.  

Sự đối lập giữa việc Alibaba nắm thị phần và lợi nhuận lớn hơn nhưng lại có doanh thu thấp hơn được lý giải bởi mô hình kinh doanh khác nhau. Tương tự Amazon, JD.com nắm hầu hết các chuỗi cung ứng và giao hàng thẳng đến cho khách hàng.

Vì vậy, doanh số online nằm hoàn toàn trong doanh thu của họ. Trong khi đó, Alibaba là nền tảng Internet cũng như hệ thống thanh toán giúp các công ty và cá nhân bán hàng cho người tiêu dùng online. Phần lớn doanh thu của họ đến từ quảng cáo.

 

Bán hàng trực tuyến được ưa chuộng và bùng nổ tại Trung Quốc một phần xuất phát từ sự đi xuống của hệ thống bán lẻ truyền thống. Ở các thành phố lớn, mua sắm đồng nghĩa với việc bạn phải tốn hàng giờ ngoài đường với tình trạng kẹt xe, mặc cả với người bán khi giá không được hiển thị trên món hàng rồi sau đó lại phát hiện ra hàng nhái hoặc kém chất lượng.

Alibaba đã rất thành công vì cho phép người dùng ngay lập tức so sánh giá cả, tuy nhiên cũng phải kể đến rủi ro với hàng giả mạo. Richard nói JD muốn thể hiện mình thành công bởi bán “lòng tin” cho người tiêu dùng. Giống với Amazon, họ xây dựng một hệ thống kho hàng khổng lồ và tuyên bố đang dẫn đầu trên thế giới trong thử nghiệm giao hàng bằng máy bay không người lái.

Năm 2009, JD.com chỉ có 300 nhân viên. Sau gần 10 năm, con số này trên 120.000, bao gồm cả nhân viên giao hàng và kho vận với 65.000 người. Việc có đội ngũ giao hàng đảm bảo đơn hàng của khách sẽ đến tận nơi họ mong muốn trong ngày hoặc ngay hôm sau. Đây là một lợi thế nếu so với thời gian từ hai đến năm ngày mà các công ty như Amazon đang phục vụ khách hàng.

“Khi còn nhỏ, bố mẹ luôn dạy tôi kinh doanh chính là sự tin tưởng và lòng tin chính là kinh doanh. Bản thân tôi hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào người tiêu dùng Trung Quốc”, Richard nói về triết lý kinh doanh của mình.

Khi được hỏi ông có cảm thấy cần thêm tiền, vị tỷ phú trả lời một cách thực tế, không hề ngạo mạn hay đắn đo: “Tiền không phải thứ tôi cần thêm, nhưng tôi sẽ kiếm được thêm rất nhiều tiền”.

 

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo