Elizabeth Holmes - 'bông hồng' tỷ phú trắng tay và vướng lao lý
Năm 2014, startup xét nghiệm máu Theranos và nhà sáng lập Elizabeth Holmes ở đỉnh thành công. Theranos thời điểm đó là ý tưởng y học hứa hẹn mang tính cách mạng của một phụ nữ thiên tài và được xem như Steve Jobs phiên bản nữ. Holmes, ở tuổi 30, trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới và Theranos được định giá hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, những phóng đại về công nghệ của hãng xét nghiệm sau cùng bị phơi bày. Holmes bị buộc tội lừa đảo quy mô lớn, khiến công ty phải đóng cửa các phòng thí nghiệm và sa thải nhân viên. Tỷ phú xinh đẹp trở về tay trắng.
Sau 15 năm điều hành từ khi sáng lập, Holmes từ chức CEO vào tháng 6 này.
Văn phòng Tư Pháp Bắc California mới đây cũng kết tội cô và cựu chủ tịch Sunny Balwani lừa đảo nhà đầu tư, bác sĩ và các bệnh nhân. Holmes đối mặt án 20 năm tù.
Elizabeth Holmes sinh năm 1984 tại Washington, D.C. Cô có mẹ là nhân viên của Ủy ban Lập pháp Mỹ và bố làm cho các cơ quan chính phủ. Gia đình cô sau đó chuyển đến Houston, bang Texas, sinh sống.
Năm 7 tuổi, Holmes tìm cách phát minh ra cỗ máy thời gian của riêng mình, vẽ chi tiết sơ đồ kỹ thuật kín một cuốn sổ. Chưa tròn 10 tuổi, cô khẳng định với người thân rằng sẽ trở thành tỷ phú khi trưởng thành, với một thái độ được mô tả lại là cực kỳ nghiêm túc và quyết liệt.
Ngày nhỏ, Holmes có tính cách ganh đua quyết liệt. Chơi game với em trai và em họ, cô bé khăng khăng chơi đến khi thắng mới chịu.
Những năm phổ thông, Holmes thường xuyên thức khuya dậy sớm để học bài. Nhờ đó, cô nhanh chóng vươn lên hàng học sinh ưu tú. Cũng trong thời kỳ này, cô gái trẻ kinh doanh riêng bằng việc bán một phần mềm dịch ngôn ngữ lập trình cho các trường đại học tại Trung Quốc.
Được truyền cảm hứng từ cụ tổ, một bác sĩ phẫu thuật, Holmes định theo ngành y. Nhưng rồi cô sớm nhận ra mình sợ những mũi kim. Sau này, cô tiết lộ đó lại là động lực chính sáng lập Theranos.
Holmes theo chuyên ngành Kỹ sư hóa chất của ĐH Stanford danh tiếng. Mới năm đầu, nữ sinh đã được nhận khoản học bổng định kỳ 3.000 USD để thực hiện dự án nghiên cứu. Kết thúc năm nhất, cô dành trọn mùa hè để thực tập ở một viện nghiên cứu gen của Singapore, nhờ khả năng nói tiếng Trung.
Xuất phát từ nỗi sợ kim y tế của chính mình, Holmes trở về trường trình bày ý tưởng "xét nghiệm lấy ít máu nhưng cho nhiều dữ liệu hơn" trước các giảng viên ĐH Stanford. Giáo sư Channing Robertson đồng ý giúp đỡ cô. Từ đó, Holmes cho ra đời công ty Real-Time Cures (sau đổi tên thành Theranos) năm cô 19 tuổi.
Theo Holmes, công nghệ xét nghiệm độc quyền của Theranos chỉ cần vài giọt máu ở đầu ngón tay nhưng có thể chẩn đoán được cả ung thư.
Kỳ học sau đó, Holmes bỏ Stanford để đến làm việc tại tầng hầm nhà sinh viên cho dự án khởi nghiệp. Thầy Robertson là thành viên đầu tiên của ban quản trị và giới thiệu Holmes tới những nhà đầu tư mạo hiểm.
Nhờ giáo sư đỡ đầu, CEO trẻ bắt đầu gọi được vốn từ những nhà đầu tư có tiếng như ông trùm Larry Ellison của tập đoàn phần mềm Oracle và Tim Draper, chủ quỹ Draper Fisher Jurvetson.
AdvertisementKhi Theranos bắt đầu được rót hàng triệu USD, Holmes trở thành nhân vật hút truyền thông và có vai vế trong giới công nghệ. Người phụ nữ này xuất hiện trên bìa tạp chí Forbes và Fortune, phát biểu tại TED Talk và ngồi ngang hàng cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton và tỷ phú Jack Ma.
Dần dần, Theranos hút vốn tổng cộng hơn 700 triệu USD, mà thậm chí giữ nguyên điều kiện không tiết lộ công nghệ với nhà đầu tư suốt quá trình.
Kín tiếng cũng trở thành nguyên tắc bao trùm mọi hoạt động của Theranos. Holmes dành hơn thập kỷ gây dựng công ty một cách bí hiểm và chưa từng hé lộ công nghệ. Cô còn từng đưa ba cựu nhân viên ra hầu tòa, cáo buộc họ sử dụng sai mục đích bí mật thương mại của Theranos.
Nguyên tắc này là điều Holmes học từ thần tượng của mình: Steve Jobs. Cô thường mặc áo cổ lọ đen và không quan tâm đến các kỳ nghỉ như Jobs. Phong cách ăn mặc cùng triết lý làm việc cũng được cho là giúp Holmes hòa mình vào giới kinh doanh vốn bị đàn ông thống trị.
Cựu CEO Thernanos được mô tả là một sếp nữ khắt khe, đòi hỏi nhân viên làm việc với cường độ cao như mình. Trợ lý của cô được giao theo dõi thời gian đến và rời công ty của mỗi nhân viên. Để khuyến khích họ làm việc thêm thời gian, cô còn cho phục vụ bữa tối lúc 20h hàng ngày.
Hệ thống an ninh tại Theranos cũng là điều ám ảnh Holmes. Doanh nhân yêu cầu bất cứ ai bước vào trụ sở đều phải ký giao ước giữ bí mật, có bảo vệ hộ tống đi khắp nơi, kể cả nhà vệ sinh.
Nghi vấn dần bao trùm công nghệ "cách mạng" của hãng xét nghiệm máu. Các nhà khoa học cũng bắt đầu lên tiếng đặt dấu hỏi.
Bước ngoặt xảy ra năm 2015, khi Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ vào cuộc tìm hiểu. Giới chức phát hiện ra những xét nghiệm của Theranos trên bệnh nhân cho kết quả sai sót nghiêm trọng. Tháng 10 năm đó, đến lượt phóng viên John Carreyrou của Wall Street Journal xuất bản bài điều tra về Theranos. Bài viết đánh dấu sự lao dốc của công ty.
Carreyrou phát hiện máy xét nghiệm có tên Edison của Theranos cho kết quả sai lệch nên công ty quay về dùng loại máy không khác gì các hãng xét nghiệm máu thông thường.
Năm đó, Theranos vừa được định giá tới 9 tỷ USD, giúp Holmes trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới với khối tài sản 4,5 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2016, Theranos được Forbes xét lại trị giá còn 800 triệu USD, khiến tài sản của Holmes về số không. Holmes bị cấm tham gia vào các hoạt động thí nghiệm trong vòng 2 năm và các trung tâm thử nghiệm của Theranos phải đóng cửa.
Sau thời gian cầu cứu nhà đầu tư không thành, Holmes rời ghế CEO giữa tháng 6 này. Cùng thời điểm, giới tư pháp Mỹ kết tội cô và cựu chủ tịch hàng loạt tội danh lừa đảo. Theranos trong nhiều năm đã phóng đại hoặc làm giả thông tin về công nghệ, số liệu kinh doanh cũng như tình hình tài chính. Đây được coi là một trong những vụ gian lận lớn nhất trong lịch sử.
End of content
Không có tin nào tiếp theo