Tin tức - Sự kiện

Dự án Phát triển Doanh nhân nữ Việt Nam thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội

DNVN - Ngày 17/2/2020, tại khách sạn Pan pacific Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết hợp với Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) thuộc Liên Hợp Quốc và Đại sứ quán Canada tổ chức Hội thảo tham vấn về dự án Phát triển Doanh nhân nữ với chủ đề "Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới".

Vietnam’s stock market 2020: A promising year ahead / Vietnam: Foreign capital is expected to flow into affordable housing market in 2020.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hoàng Lân.

Tới dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Vũ Đại Thắng - Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cùng với hơn 80 khách mời đến từ các Bộ ngành Trung ương như Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính; các tổ chức nước ngoài như UNESCAP, Đại sứ quán Canada, Ngân hàng ADB…, các hiệp hội doanh nghiệp và nữ doanh nhân đại diện phía Bắc.

Khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới trong những năm gần đây, ở mức 6,8-7%/năm. Cùng với đó là sự phát triển vượt bậc trong hoạt động xuất nhập khẩu. Cụ thể, nước ta đạt khoảng 517 tỷ USD vào năm 2019 với giá trị xuất siêu đạt 9,9 tỷ USD. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam xuất siêu ra nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, Việt Nam đạt được những kết quả vượt bậc như hiện nay là nhờ vào sự đóng góp tích cực của khối doanh nghiệp tư nhân nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Do đó, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đang tiếp tục tạo mọi cơ chế, chính sách khuyến khích và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng cũng đánh giá rất cao vai trò của các nữ doanh nhân trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc, mặc dù họ chịu thiệt thòi hơn so với nam giới. Để giải quyết những khó khăn trên, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Luật Hỗ trợ DNNVV) đã đề cập đến nhiều nội dung hỗ trợ dành riêng cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ, tuy nhiên đến nay chưa thực sự hiệu quả.

Thứ trưởng hy vọng dự án Phát triển doanh nhân nữ tại Việt Nam sẽ góp phần đưa Luật Hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nhân nữ trong tiếp cận vay vốn, công nghệ và đào tạo. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị các bên tích cực góp ý để Bộ KH&ĐT đề xuất những giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách cho cộng đồng doanh nghiệp.

Bà Deborah Paul - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Lân.

Theo Bà Deborah Paul - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam, Dự án Phát triển doanh nhân nữ là một chương trình được chính phủ Canada tài trợ nhằm giải quyết những vấn đề bình đẳng giới tại nước ngoài. Hiện nay, dự án đã triển khai tại 6 quốc gia, bao gồm Bangladesh, Cam-pu-chia, Fiji, Nê-pan, Samoa và Việt Nam.

Dự án có 3 hợp phần chính, gồm hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện chính sách; nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, hỗ trợ huy động vốn; và tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông (ICT). Tại Việt Nam, chương trình dự kiến sẽ kéo dài trong 4 năm (2020 – 2023).

Theo bà Cai Cai – Trưởng Ban phụ trách các vấn đề về giới và hòa nhập xã hội thuộc UNESCAP, hiện nay Bộ KH&ĐT, đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam và UNESCAP đã thực hiện một hội nghị tham vấn giữa các bộ ngành. Từ đó cho thấy khối lượng công việc cần làm để đáp ứng nhu cầu từ phía các nữ doanh nhân còn rất lớn. Đây sẽ là dự án tiền đề cho sự hợp tác giữa các bên trong giai đoạn 2022 - 2027.

Phụ nữ giúp tăng 26% GDP toàn cầu

Bà Từ Thu Hiền - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Công ty CP WISE chia sẻ về khó khăn và tiềm năng của nữ doanh nhân. Ảnh: Hoàng Lân.

Phát biểu dẫn đề, bà Từ Thu Hiền – Nhà sáng lập, Giám đốc Công ty CP Xã hội hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh (WISE) cho biết, nếu tiềm năng của phụ nữ trên toàn thế giới được phát huy tối đa thì GDP toàn cầu sẽ tăng 26%. Ngoài ra, các doanh nghiệp có nữ giới trong ban lãnh đạo sẽ hoạt động hiệu quả hơn 15% và tạo ra giá trị nhiều hơn 13 – 16% so với doanh nghiệp chỉ có nam giới.

Tuy nhiên, tình trạng phân biệt vẫn diễn ra phổ biến. Cụ thể, chỉ 3% công ty gọi vốn thành công có CEO là nữ, 85% công ty có vốn đầu tư mạo hiểm hoàn toàn không có nữ trong ban điều hành, và lượng vốn trung bình phụ nữ có thể huy động chỉ bẳng 1/36 lượng vốn của nam giới. Ngoài ra, số lượng nữ giới có khả năng tiếp cận tài chính chỉ chiếm 37%, trong khi với nam giới là 47%.

Bà Hiền đánh giá nguyên nhân chính là do phụ nữ Việt Nam vẫn gặp phải những định kiến xã hội, đặc biệt là vấn đề liên quan tới gia đình. Một người phụ nữ trẻ sẽ phải dành nhiều thời gian vào việc chăm lo cuộc sống sau hôn nhân, trong khi nam giới có nhiều điều kiện hơn. Do đó, phụ nữ thường ít tạo được niềm tin cho các tổ chức tài chính, đối tác hoặc gia đình để vay vốn đầu tư kinh doanh.

Bất cập trên cũng dẫn đến những hạn chế đối với nữ giới trong tiếp cận kiến thức, xu thế và công nghệ mới. Để giải quyết những vấn đề trên, WISE đã xây dựng một cổng thông tin cho phép phụ nữ giao lưu, kết bạn và lắng nghe các bài giảng kinh doanh trực tuyến chỉ từ 5 – 7 phút mang tên Her Venture.

Cần tìm hiểu kỹ nhu cầu của doanh nhân nữ

Các diễn giả trả lời câu hỏi thắc mắc của nữ doanh nhân. Ảnh: Hoàng Lân.

Sau bài phát biểu dẫn đề là 3 phiên thảo luận tập trung vào các bất cập, giải pháp/sáng kiến để cải thiện môi trường, thể chế, khung pháp lý và văn hóa để thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp; hỗ trợ tiếp cận tài chính và tận dụng sức mạnh của CNTT.

Trả lời những thắc mắc của Hội nữ doanh nhân thành phố Hà Nội về Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Quỹ Hỗ trợ DNNVV), đại diện cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ KH&ĐT cho biết, Quỹ Hỗ trợ DNNVV hiện chưa chính thức cho vay trực tiếp mà ủy thác cho hai ngân hàng thương mại là Vietin Bank và BIDV. Do đó, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có thể tiếp cận vốn thông qua các ngân hàng trên.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cũng nêu ra một số giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chẳng hạn như cần tìm hiểu kỹ những nhu cầu của đối tượng được hỗ trợ; mở rộng đối tượng được hỗ trợ ra khối sản xuất thay vì tập trung vào khối thương mại, dịch vụ; khuyến khích nữ doanh nhân tham gia vào các tổ chức Hội thông qua nền tảng số để tăng cường kết nối; thúc đẩy số hóa mọi hoạt động trong xã hội để phụ nữ có thể tiếp cận các dịch vụ nhanh và tiện lợi hơn…

Kết thúc hội thảo, Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đầu tư kinh doanh cho nữ doanh nhân tại Việt Nam là hết sức quan trọng; được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Do đó, Cục hy vọng các bên sẽ chung tay vào góp ý, xây dựng một kế hoạch triển khai đem lại hiệu quả thực tế nhất trong thời gian tới.


Hoàng Lân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm