Gã buôn bông trở thành Giám đốc
Đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại
Nghe thông tin đã lâu về Giám đốc Trần Doãn Hinh khởi nghiệp bằng nghề đi buôn bông phế phẩm, nhưng mãi chúng tôi mới có dịp gặp. Hinh sinh năm 1977, bằng tuổi, nói chuyện lại cởi mở, vui vẻ nên chúng tôi cứ coi Hinh là bạn, thi thoảng gọi là “gã” buôn bông cho dễ chia sẻ, tâm sự. Hinh cũng thoải mãi bộc bạch mà chẳng e dè, giấu giếm: “Thời đi học cấp 3 khổ lắm, nhà nghèo, cả tuần có bộ quần áo, áo thì bị rách phải vá nhiều chỗ. Ăn chẳng đủ no, đi học về còn tranh thủ làm thêm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ”.
Đến Công ty TNHH Hiệp Hòa của Trần Doãn Hinh ở vùng quê nổi tiếng với nghề dệt truyền thống này, chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi chứng kiến các công đoạn sản xuất thành phẩm sợi dệt đều được thực hiện bằng máy móc, dây chuyền hiện đại. Càng ngạc nhiên hơn khi thấy Giám đốc Hinh ở trong xưởng, đi giám sát, kiểm tra từng khâu sản xuất cứ như là một công nhân thực thụ. Hinh lúc nào cũng tất bật, bận rộn, hết nghe điện thoại điều hành công việc lại kiểm tra, nhắc nhở công nhân chú ý từng chi tiết công việc.
Nhìn phong cách, con người Hinh thật mộc mạc, giản dị, chân chất. Nhất là khi thấy Hinh trong bộ quần áo có phần khiêm tốn lại thấy đơn giản, gần gũi, chứ không đủng đỉnh, nghiêm nghị trong bộ “cánh” Veston như những Giám đốc mà chúng tôi thường thấy.
Giới thiệu với chúng tôi về Công ty của mình, Hinh cho biết: Năm ngoái, lửa thiêu cháy toàn bộ xưởng sản xuất, không còn tí gì, thiệt hại gần 7 tỷ đồng. Đây là xưởng mới được đầu tư lại, hoạt động chỉ vài tháng nay. Tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất, xây dựng các hạng mục công trình nhà xưởng, cơ sở hạ tầng hết gần 60 tỷ đồng. Trong đó, hơn 44 tỷ đồng đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị.
Chúng tôi bông đùa: “May là xưởng cháy nên mới có cơ hội đầu tư mới, chứ không, ai lại đang yên đang lành vứt bỏ xưởng cũ, đi làm xưởng mới”.
Hinh cười và nói: “Cũng phải vay mượn thêm để đầu tư đấy. Xưởng sản xuất trước đây máy móc tuy cũ, nhưng vẫn còn hoạt động tốt. Bị cháy, kể ra cũng tiếc. Nhưng thôi, làm ăn phải vất vả, đó là bài học để mình rút kinh nghiệm, cẩn thận hơn. Đầu tư mới, mình có điều kiện mở rộng xưởng, nâng công suất sản xuất, có cơ hội phát triển”.
Bỏ việc ổn định đi buôn
Chúng tôi cứ nghĩ Hinh trắng tay sau trận hỏa hoạn, ai dè lại mạnh như vậy. Bởi thật ra, Công ty của Hinh thành lập, đi vào hoạt động chưa được 7 năm nay. Còn trước đấy, Hinh chỉ là một gã “đơn thân, độc mã” đi buôn theo dạng “cò con”, chẳng ai biết đến. Thế mới thấy được bản lĩnh, nghị lực vươn lên trong con người Hinh. Mà Hinh cũng bản lĩnh thật, dám bỏ một công việc ổn định, với mức lương cao hơn nhiều ngươi khác để về quê “lang thang” buôn bông phế phẩm.
Ấy là chuyện bắt đầu từ gần hai mươi năm về trước. Khi đó, Hinh vừa học xong trung cấp nghề xây dựng ở thành phố Nam Định, rồi lên Hà Nội xin làm nhân viên kỹ thuật cho một vài công trình tư nhân, thu nhập cũng đủ để một mình trang trải cuộc sống, dành dụm chút ít gửi về cho gia đình. Có nhiều việc, Hình về quê gọi thêm gần mười anh em họ hàng, người làng lên làm thợ xây, phụ hộ. Ngay tháng đầu tiên, Hinh nhận lương hộ anh em từ chủ công trình. Nhưng không may, Hinh bị mất hết sạch. Mọi người nghi ngờ Hinh “làm trò” nên bỏ về hết. Hinh cứ ân hận mãi và phải mấy năm sau mới có điều kiện trả nợ hết số tiền ấy cho anh em.
Làm một thời gian trên Hà Nội, Hinh vê quê xin việc vào một cơ quan Nhà Nước, cũng làm đúng chuyên môn kỹ thuật xây dựng. Tính tình thật thà, ngay thẳng, có chuyên môn, lại trải qua thực tế nên mọi công trình xây dựng, thi công Hinh được giao đều đảm bảo đúng kỹ thuật, chất lượng. Lãnh đạo tin tưởng, đồng nghiệp quý mến nên sau thời gian ngắn, đúng dịp, Hinh chính thức được vào biên chế. Nhưng đùng một cái, sau 7 năm công tác, Hinh làm đơn xin nghỉ việc, chẳng phải để đi đâu, mà là về quê đi buôn bông. Ai cũng ngạc nhiên, bất ngờ, thắc mắc về hành động “không bình thường” của Hinh, rồi thấy tiếc cho Hinh. Nhưng Hinh lại nghĩ khác: “Cho đến giờ mình vẫn tâm đắc nghề xây dựng. Nhưng lúc đấy, mình cứ đau đáu nghĩ về nghề dệt ở quê, thi thoảng ngày nghỉ lại tranh thủ làm mấy chuyến đi thu mua bông phế phẩm về làm bông nguyên liệu cung cấp cho các công ty sản xuất sợi”.
Có lẽ sinh ra và lớn lên ở vùng quê có truyền thống nghề dệt nên Hinh muốn góp phần duy trì, phát triển nghề của cha ông. Hơn nữa, khi đó, tỉnh Hà Nam cũng có nhiều chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến mở rộng sản xuất sợi, các mặt hàng từ sợi dệt, tạo kích cầu cho làng nghề dệt truyền thống Hòa Hậu, phát triển kinh tế địa phương. Vậy là Hinh trở thành một đầu mối nhỏ thu mua bông phế phẩm, cung cấp bông sạch làm nguyên liệu sản xuất sợi cho các Công ty trong vùng.
“Bất đắc dĩ” trở thành Giám đốc
Từ khi về đi buôn “đồng nát”, Trần Doãn Hinh “lang thang” hết làng trên, xóm dưới ở xã Hòa Hậu thu mua bông phế phẩm, phế liệu của các công ty thải ra, mang về sàng lọc rồi lại bán cho các công ty, các cơ sở sản xuất lớn để sản xuất sợi dệt, kiếm chút lời lãi. Nhưng công việc đôi lúc chẳng thuận lợi chút nào. Nhiều chuyến hàng, Hinh mua phải bông phế liệu quá xấu, mang về sơ chế, sàng lọc mãi mà bông không sạch, hoặc do mới làm chưa có kinh nghiệm, bông chưa đạt tiêu chuẩn nên khi mang đến, các công ty trả lại. Sau vì lần như vậy, Hinh tâm niệm, phải tạo uy tín bằng chất lượng sản phẩm, dù là lãi ít hay hòa vốn, thậm chí thua lỗ cũng phải làm. Có như vậy mới tồn tại, mới làm ăn lâu dài được.
Cương quyết với cung cách làm ăn này, Hinh dần lấy lại lòng tin của khách hàng, dần dần mở rộng cơ sở thu mua, sơ chế bông của mình lên. Nhưng, lại một lần nữa việc làm ăn của Hinh không thuận lợi, một số lượng lớn hàng giao cho các công ty không được chấp nhận, lý do Hinh không có hóa đơn đỏ. Nhìn đống hàng tồn đọng chất đầy nhà mà sốt ruột, xót của, đứng ngồi không yên. Bao nhiêu vốn liếng nằm chết đấy, Hinh đứng trước nguy cơ phá sản.
Trong “cái khó lại ló cái khôn”, Hinh nghĩ đến việc thành lập Công ty. Vậy là vào một ngày, “gã” buôn bông phế liệu Trần Doãn Hinh “bất đắc dĩ’ chạy ngược, chạy xuôi lo các thủ tục để trở thành Giám đốc Công ty TNHH, cũng chỉ là để cho việc đi buôn được thuận lợi hơn, chứ chẳng phải ra oai hay hão danh gì. “Nói là Công ty, nhưng trang thiết bị lúc đầu dùng để sản xuất chỉ là những nông cụ dùng trong nông nghiệp, như: Thúng mủng, nong, nia, bồ cào, bàn chang... được thiết kế đặc biệt cho công việc sơ chế bông. Bông phế phẩm mang về, được mọi người trong gia đình làm như làm hàng xáo, cũng phơi như phơi thóc, sàng sảy, xảo lọc những tạp chất, để sao cho bông nguyên liêu chất lượng nhất, rồi sau đó mới đóng gói nhập cho công ty”- Giám đốc Trần Doãn Hinh cho biết.
Một lần giao hàng cho Công ty, Hinh thấy chiếc máy cũ xử lý bông bị hỏng vứt xó, Hinh mua về sửa chữa để làm hàng. Không ngờ chiếc máy hoạt động được, mở ra hướng làm ăn mới cho Hinh. Từ đó, Hinh không mua bông phế phẩm, bán bông nguyên liệu nữa, mà chuyển sang sản xuất các loại sợi dệt bán cho các công ty chuyên sản xuất các mặt hàng như: khăn mặt, khăn trải bàn, vải lót, vải bạt... Đây cũng là thời kỳ khởi đầu cho công ty của Hinh sau này tiếp cận, trang bị máy móc, dây chuyền hiện đại sản xuất các loại sợi dệt.
Giờ thì xưởng sản xuất của Hinh được thực hiện theo một quy trình khép kín, từ công đoạn xử lý bông phế liệu, xé sợi tạo ra bông nguyên liệu, đến các công đoạn đưa vào dây chuyền sản xuất thành phẩm các loại sợi dệt. Bình quân một tháng, xưởng sản xuất 150 tân sợi dệt thành phẩm các loại, doanh thu khoảng 6 tỷ đồng.
Từ nghèo khó đi lên nên Hinh rất trân trọng những người lao động, những nông dân nghèo khổ. Hinh tạo điều kiện cho gần 50 người trong xã, chủ yếu là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vào xưởng của mình làm, với mức lương từ 5 – 7 triệu đồng một tháng. Ngoài ra, Hinh cũng tích cực tham gia công tác từ thiện ở địa phương, đóng góp xây dựng quỹ Khuyến học, quỹ Đền ơn đáp nghĩa...
Đặc biệt, Giám đốc Hinh hiện đang là chủ đầu tư, thi công công trình trường Mầm non Hòa Hậu, có tổng kinh phí xây dựng khoảng 40 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những lĩnh vực sở trường, bởi Hinh đã từng có thời gian công tác trong lĩnh vực xây dựng, được đán giá là người có năng lực, kinh nghiệm, có chuyên môn kỹ thuật cao. Ngoài đầu tư phát triển xưởng sản xuất sợi dệt, Hinh mong muốn có nhiều cơ hội, được các cấp các ngành ở địa phương tạo điều kiện về vốn vay, giao cho thi công những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn, để mong đóng góp sức mình nhiều hơn cho quê hương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo