Hỗ trợ doanh nghiệp

Gà con Beeline không dễ thành “gà chọi” Gmobile

Thay thế “chú gà con” Beeline, Gmobile được kỳ vọng sẽ sớm thành “gà chọi”. Thế nhưng, đến thời điểm này, Gmobile vẫn chưa có cách nào bật mạnh lên được.

 Một thương vụ giá hời

 

(Đầu Tư) Thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) lớn nhất trong ngành viễn thông năm 2012 chính là sự kiện phía Việt Nam mua lại 49% cổ phần (với giá 45 triệu USD) của Tập đoàn VimpelCom trong Công ty cổ phần Viễn thông di động toàn cầu (Gtel Mobile). Gtel Mobile chính thức trở thành doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Bộ Công an sở hữu.

Nếu xét thuần tuý về mặt tiền nong, thì đây là thương vụ giá hời mà Gtel Mobile đã chớp được.

Tính đến thời điểm “sang tay” cổ phần cho phía Việt Nam, VimpelCom đã đầu tư gần 500 triệu USD (từ năm 2008 đến 2012). Gtel Mobile đã được thừa hưởng tổng giá trị tài sản của liên doanh là khoảng 5.000 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở thiết bị mà Liên doanh đã mua của các hãng nổi tiếng thế giới và mạng lưới với hơn 3.000 trạm cung cấp dịch vụ tại 51 tỉnh, thành phố.

Về mặt thời điểm, phía Việt Nam đã “chớp đúng thời cơ” để hoàn tất thương vụ. Thương vụ diễn ra trong bối cảnh, khủng hoảng kinh tế lan rộng khắp châu Âu. Giá cổ phiếu của công ty mẹ đi xuống, nên VimpelCom cũng gặp khó khăn trong huy động vốn.

Bên cạnh đó, sau nhiều năm đầu tư, VimpelCom muốn nắm tỷ lệ chi phối cổ phần trong liên doanh, nhưng chính sách của Việt Nam không cho phép phía nước ngoài sở hữu cổ phần đa số trong liên doanh viễn thông. Hơn nữa, tần số mà Gtel Mobile được cấp không đủ cạnh tranh với các nhà mạng khác. Gtel Mobile chỉ có băng tần 1.800 MHz, trong khi các nhà mạng khác có đủ băng tần 900 MHz, 1.800 MHz và 3G.

Ông Nguyễn Văn Dư, Chủ tịch HĐQT Gtel Mobile cho biết, đến thời điểm tiếp nhận toàn bộ liên doanh, phía Việt Nam chưa hề bỏ một đồng tiền mặt vào liên doanh, nhưng đã có tài sản giá trị lớn và đóng góp vào ngân sách hàng trăm tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động“Chính phủ đánh giá đây là một trong các liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài mà phía Việt Nam đã bảo toàn, không mất vốn nhà nước và tiếp thu, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài”, ông Dư nhận xét.

Vẫn loay hoay tìm giá trị cộng hưởng

Sau thương vụ trên, thị trường viễn thông Việt Nam kỳ vọng sẽ xuất hiện một sự đổi thay mới và hy vọng, Gtel Mobile sẽ đủ sức cạnh tranh với hai ông lớn là Viettel và VNPT. Thế nhưng, hơn một năm đã trôi qua, Gtel Mobile vẫn chưa có cách nào bật mạnh lên được.

Phải thừa nhận, Gtel Mobile đã có những nỗ lực nhất định để khẳng định thương hiệu của mình. Vài tháng sau vụ mua lại, vào tháng 9/2012, Gtel Mobile đã công bố thương hiệu viễn thông mới Gmobile, thay thế Beeline cũ và đưa ra slogan mới “Nghĩ mới, làm mới”. Hai màu sắc đặc trưng nhận diện thương hiệu Beeline trước đây là vàng và đen vẫn được giữ lại, nhưng hình ảnh “chú gà con” đã không còn.

Song nỗ lực này vẫn chưa giúp Gmobile vươn vai từ “chú gà con” của thời kỳ Beeline thành “gà chọi”. Hơn một năm sau ngày mua lại cổ phần của VimpelCom, số thuê bao của Gmobile vẫn không tăng đến mức hơn 5 triệu thuê bao như lãnh đạo Gtel Mobile từng kỳ vọng.

Gtel Mobile hiện vẫn phải “dùng nhờ” sóng Vinaphone, theo thoả thuận roaming giữa 2 bên. Trên thực tế, Gmobile sử dụng hạ tầng của mạng Vinaphone để thực hiện nhận cuộc gọi, gửi/nhận SMS và sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng khác tại các tỉnh, thành phố (trừ Hà Nội và TP.HCM).

Có thể nói, một nguyên nhân nữa khiến Gtel Mobile không “bật” lên được là tài nguyên thừa hưởng sau thương vụ M&A của Gtel Mobile chạy trên nền tảng 2G, trong khi các đối thủ đã tiến xa hơn nhiều. Thêm vào đó, Gtel Mobile vẫn chưa được cấp băng tần, cấp thêm tài nguyên 3G, 4G. Vì thế, Gtel Mobile tiếp tục phải thuê sóng của Vinaphone.


Hữu Tuấn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo