Văn hóa

Gần 60 tỷ đồng sẽ dành cho phim chiến tranh

2 bộ phim truyện và 3 bộ phim tài liệu điện ảnh về đề tài 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ giai đoạn 1930 – 1975 sẽ được nhà nước đầu tư đặt hàng để ra mắt năm 2015. Tổng kinh phí cho dự án này khoảng 55- 58 tỷ đồng.

Dự án này nằm trong kế hoạch của Bộ VH,TT&DL đặt hàng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, bao gồm các lĩnh vực Văn học, Mỹ thuật - Nhiếp ảnh, Sân khấu, Âm nhạc, Múa và Điện ảnh. Kế hoạch đã trình Chính phủ và hiện được Bộ Tài chính phê duyệt với tổng kinh phí 65 tỷ đồng, trong đó, Điện ảnh là lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất.

Theo thông tin từ Cục Điện ảnh trong buổi họp báo tại Bộ VH,TT&DL, sẽ có 2 phim truyện nhựa (từ giờ có thể gọi bằng một từ rút gọn và chính xác hơn là phim truyện) được đặt hàng. Ngoài ra, 3 phim tài liệu điện ảnh cũng sẽ được đầu tư sản xuất và phổ biến dịp này.

Kế hoạch được triển khai từ nay đến năm 2015 - là dịp kỷ niệm chẵn năm rất nhiều ngày lễ lớn của dân tộc, như 85 năm ngày thành lập Đảng, 70 năm ngày thành lập nước CHXHCN Việt Nam, 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, 60 năm ngày Giải phóng thủ đô, 125 năm ngày sinh Hồ chủ tịch…

Theo lộ trình, sẽ có 2 giai đoạn gồm: Đặt hàng và nghiệm thu kịch bản (từ nay đến tháng 5/2013) và Đặt hàng sản xuất trên cơ sở kịch bản được chọn từ giai đoạn 1 (từ tháng 6/2013 đến tháng 7/2015).

Được biết, Cục Điện ảnh sẽ mời đích danh các tác giả tham dự sáng tác kịch bản theo đơn đặt hàng. Đây sẽ là những nhà biên kịch, nhà văn có kinh nghiệm, từng có tác phẩm thành công về đề tài chiến tranh hoặc những nhà biên kịch, nhà văn trẻ có năng lực và nhận thức “đúng đắn”.

“Đề bài” chung cho các tác giả là Phản ánh tinh thần yêu nước, ý chí và sự hy sinh của quân dân trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong đó thể hiện được sự khốc liệt, hào hùng của cuộc chiến, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đồng thời khắc hoạ hình tượng cao đẹp, nhân văn của con người Việt Nam trong chiến tranh cũng như nêu bật vẻ đẹp truyền thống và các giá trị văn hoá dân tộc.

Các kịch bản tham dự đặt hàng sẽ được Hội đồng thẩm định lựa chọn qua 2 vòng Đề cương kịch bản và Kịch bản hoàn chỉnh. Theo đó, những tác phẩm được chọn là những kịch bản đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật, mang tính giáo dục cao, có tác động tích cực tới xã hội và con người đương đại.

Sau khi nghiệm thu, những kịch bản này sẽ được triển khai sản xuất – công đoạn này, một lần nữa cũng được thực hiện theo phương án đặt hàng.


Với đầu tư


Với đầu tư "khủng", sẽ có tác phẩm chất lượng cho điện ảnh Việt?

Trao đổi tại buổi họp, đại diện Cục Điện ảnh cho hay, họ dự định gửi thư mời cho một số cơ sở làm phim xây dựng dự án sản xuất. Những đối tượng được nhắm tới là những đơn vị năng động, kinh nghiệm, có năng lực tổ chức sản xuất, có uy tín để thu hút nghệ sỹ giỏi. Đối với những cơ sở có tiềm lực tài chính hoặc có thể huy động thêm nguồn vốn sản xuất thì sẽ được “thêm điểm cộng” trong quá trình lựa chọn.

Với tổng tiền đầu tư khoảng 55-58 tỷ cho cả 2 thể loại, phim truyện và phim tài liệu, ước tính kinh phí trung bình cho 2 phim truyện cũng tròm trèm 20-22 tỷ/phim, chẳng kém cạnh gì những phim “bom tấn” đầu bảng (Thiên mệnh anh hùng 25 tỷ, Mỹ nhân kế 15 tỷ…), liệu 3 năm sau điện ảnh Việt sẽ có 2 tác phẩm “có giá trị” về đề tài chiến tranh cách mạng?

Thực ra, hình thức đặt hàng tác phẩm phục vụ các ngày lễ lớn vẫn được duy trì lâu nay trong ngành Điện ảnh (bên cạnh hình thức tài trợ thông qua các hãng phim). Tuy nhiên, sản phẩm từ phương thức này đến nay vẫn để lại nhiều tiếng chê hơn khen, với một thể loại phim được gọi tên “phim cúng cụ”.

Theo lý, đầu tư “khủng”, chọn lọc kỹ lưỡng kịch bản, các nhà làm phim uy tín, đáng lẽ, dòng phim này sẽ phải tạo ra những tác phẩm để đời cho hậu thế, đủ điều kiện để thành kinh điển. Thế nhưng, chậm tiến độ, lỡ kế hoạch, chất lượng không cao, tồn kho vô thời hạn… là tình trạng của không ít tác phẩm thuộc diện này.

 

Hồng Lĩnh (Theo VnMedia)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo