Gắn trách nhiệm cá nhân để đẩy nhanh cổ phần hóa
Chỉ với số lượng 71 DNNN được cổ phần hóa (CPH) trong 9 tháng đầu năm 2014 so với mục tiêu là 432 DNNN trong giai đoạn 2 năm 2014-2015, các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ áp lực buộc phải CPH đối với các DN chưa đủ lớn.
Có đạt kế hoạch?
Trong 9 tháng đầu năm 2014, mới sắp xếp 92 được DN, trong đó CPH 71 DN, giải thể 2 DN, bán 1 DN, sáp nhập 15 DN và đề nghị phá sản 3 DN. Nếu nhìn vào số lượng 71/432 DN đã được CPH thì không thể không e ngại về việc hoàn thành đúng tiến độ CPH theo lộ trình.
Ngày 22-9 vừa qua, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) mới thực hiện IPO (phát hành lần đầu ra công chúng) thành công sau 4 lần lỡ hẹn. Đơn vị này đã từng có kế hoạch IPO vào tháng 7-2013, nhưng sau đó, DN quyết định lui lại đến quý IV-2013. Đầu năm 2014, Vinatex lại tiếp tục lùi việc chốt kế hoạch vào tháng 3 và quyết tâm IPO trong 6 tháng đầu năm 2014. Thế nhưng kế hoạch vẫn phải lui tới tháng 9 mới thành công.
Tuy nhiên, nhìn vào một góc khác trong bức tranh CPH DNNN thì không phải nơi nào tiến trình CPH cũng diễn ra chậm như vậy.
Bộ Giao thông vận tải là Bộ được coi là khá thành công trong công cuộc tái cơ cấu, CPH khi 3 năm qua (từ tháng 1-2011 đến tháng 9-2014), Bộ đã thực hiện cổ phần hóa 54/94 DN, trong đó có 11 DN quy mô lớn như Vietnam Airlines, 10 Tổng công ty 90.
Riêng 9 tháng đầu năm 2014, các đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện CPH được 12 DN. Đến nay Bộ còn 42 DN 100% vốn Nhà nước và sẽ tiếp tục thực hiện CPH các DN thuộc diện CPH trong năm nay và năm tới. Kết quả này được cho là do đã đặt đúng trách nhiệm cho người đứng đầu từng DN.
Tự xây dựng đề án là ít hiệu quả
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Việt Nam, những thay đổi nhanh trong quá trình tái cơ cấu DNNN ngành Giao thông vận tải là do đã gắn trách nhiệm cá nhân vào từng công việc cụ thể.
“Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo cho Tổng giám đốc các DN là 'nếu không CPH được DN từ nay đến cuối năm thì mời ông đi chỗ khác'. Điều này có nghĩa rằng một trong những cách tháo gỡ ách tắc trong chậm CPH chính là cơ chế trách nhiệm cá nhân vì trước đây là trách nhiệm tập thể nên không ai lo”- ông Trần Đình Thiên nói.
Có thể thấy rằng, hiện nay các DNNN vẫn đang tự mình xây dựng đề án tái cơ cấu, CPH cho đơn vị mình rồi trình Chính phủ phê duyệt. Việc này là ít mang lại hiệu quả bởi chính DN sẽ không thể tự nhìn thấy những tồn tại của mình hoặc nhìn thấy nhưng chưa dám nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi. Đây cũng chính là một vấn đề khiến việc tái cơ cấu, CPH DNNN chưa đạt yêu cầu.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhìn vào kết quả tái cơ cấu, CPH DNNN có thể thấy, về tốc độ CPH đã khá chậm nhưng chất lượng cũng phải xem lại khi hầu hết DN CPH vẫn mới chỉ trên dạng bán cổ phần loanh quanh trong khu vực Nhà nước chứ chưa bán ra theo nguyên tắc thị trường, chưa “đi ra” thị trường bao nhiêu.
“Những vấn đề cốt lõi hơn ở DNNN như yêu cầu về minh bạch, về trách nhiệm giải trình thì gần như chưa giải đáp được bao nhiêu. Ngay kể cả những DN đã có đề án tái cơ cấu hoặc được Chính phủ thông qua đề án nhưng đề án đó đang được thực hiện như thế nào và có làm rõ được trách nhiệm hay không thì vẫn chưa rõ”- bà Phạm Chi Lan nói.
Bà Lan cũng cho rằng, sự thay đổi hệ thống quản trị của các DNNN là một bước quan trọng trong quá trình tái cơ cấu cũng gần như chưa thấy được áp dụng ở DN nào. Chưa có DNNN nào chứng minh được việc đã thay đổi được hệ thống quản trị kể cả khối DN mới CPH.
Do đó, theo các chuyên gia, quá trình CPH DNNN của Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài là khi xây dựng đề án tái cơ cấu cần phải có một tổ chức, đơn vị khách quan đứng ra xây dựng hoặc “thẩm tra” đề án.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, kinh nghiệm của nước ngoài là bổ nhiệm một nhóm tư vấn từ 3 -5 người nghiên cứu và đưa ra báo cáo với những yêu cầu là DN phải thay đổi những điểm này.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng hoặc Bộ trưởng sẽ có quyết định. “Với cách làm này, đề án tái cơ cấu không phải là do DN đề ra mà là một nhóm nghiên cứu độc lập vì lợi ích đất nước nêu lên những tồn tại để sửa đổi”-ông Lê Đăng Doanh nói.
Tái cơ cấu DNNN sẽ là một trong những vấn đề trọng tâm được đại biểu Quốc hội thảo luận trong ngày 1-11 khi Quốc hội cho ý kiến về quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua.
Theo Hải quan
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines
Thị trường cho thuê văn phòng cạnh tranh gay gắt
Giá xăng giảm trước kỳ nghỉ Tết
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Cột tin quảng cáo