Doanh nghiệp - Doanh nhân

Gặp doanh nhân đầu tiên kinh doanh "đồ chơi người lớn"

Đây đó xã hội vẫn lên án mặt hàng “phi đạo đức” này bất chấp nhu cầu thực tại ngày càng lớn. Chấp nhận hay không có lẽ còn cả một con đường dài, nhưng câu chuyện dấn thân của ông chủ “đồ chơi người lớn” khi muốn công khai, đàng hoàng kinh doanh mặt hàng nhạy cảm mà chúng tôi kể ra đây để thấy kinh doanh gì cũng có gian truân của nó.

 Kỳ 1- Kinh doanh vì ai cũng ngại như mình

 

Anh Dũng, chủ cửa hàng

 

Vừa bán vừa dùng

 

Khởi đầu từ năm 2007, với một cửa hàng nhỏ trên con phố Kim Mã sầm uất của Hà Nội. Không giống với các cửa hàng kinh doanh khác, phía bên trong tấm kính trong suốt của cửa hàng Dũng là những hộp bao cao su của các hãng khác nhau được bày biện đơn giản.

 

Nhưng thiên hạ khi đó bàn tán nhiều có lẽ không phải mấy bao cao su bán đầy ở các hiệu thuốc, chính cái tên “shop người lớn” khiến những bộ não nhạy bén liên tưởng ngay đến thứ nhạy cảm khi đó mới lấp ló trên thị trường, gọi trắng ra ở đây là đồ chơi tình dục.

 

Dăm năm sau, gặp Dũng tại cửa hàng nhỏ rộng chừng chưa đầy chục mét vuông trên con phố Đào Tấn. Ông chủ của chuỗi cửa hàng có tên “shop người lớn” có dáng vẻ của một chàng sinh viên nhỏ nhắn hơn là tay buôn bán mặt hàng mà nói đến nhiều người cũng đỏ mặt.

 

Mang tiếng là shop “người lớn” nhưng chả thấy ồn ào hay có những thứ “kinh khủng” như trên mạng rao bán nhan nhản.

 

Dũng cho biết nguyên là dân công nghệ thông tin và hiện vẫn đang công tác tại một công ty nổi tiếng bậc nhất về lĩnh vực này tại Việt Nam. Đến với cái nghiệp phục vụ nhu cầu xã hội tế nhị của chàng trai sinh năm 84 này lại là một sự tình cờ hay có lẽ từ cái duyên cũng chả biết chừng. Nhưng đúng là phải bước qua dư luận khí đó mới dám công khai kinh doanh mặt hằng “khủng khiếp” này.

 

Ý tưởng khác người xuất phát từ chính nhu cầu của bản thân Dũng khi mới lấy vợ. Hai vợ chồng trẻ, vẫn còn ngại ngùng trong chuyện đó. “ Bảo mua bao cao su cả hai vợ chồng chả ai dám đi vì ra hiệu thuốc gặp người bán hàng trẻ, mình vào mua họ nhìn mình với ánh mắt rất kì lạ. Những hiệu thuốc nào đông người ngó vào lại rụt đầu, đi ra”.

 

Chính tâm lý ngại ngùng lại đẩy Dũng “đến đường cùng” để nảy ra ý tưởng, vừa bán vừa dùng. Lý luận khởi nghiệp của anh cũng đơn giản, “sẽ có người khác cũng giống hoàn cảnh như mình”.

 

Không chút kiến thức về thị trường bao cao su, Dũng tìm đến các hiệu thuốc mua tất cả các loại họ có. Mua rồi…phát cho bạn bè dùng thử. Hành động của Dũng soi dưới ánh mắt nhà kinh tế là nghiên cứu thị trường. Qua ý kiến khách hàng là bạn bè, loại nào tốt, Dũng nhập loại đó về. Kết quả đầu tiên anh lựa chọn được giữa rừng bao cao su đâu là sản phẩm chất lượng.

 

Nắm bắt nhu cầu của khách về sở thích xong, Dũng mày mò tìm kiếm thông tin các công ty cung cấp, gọi điện đặt vấn đề làm đại lý phân phối. Dần dần, các hãng sản xuất cũng tự tìm đến cửa hàng của Dũng để giao dịch.

 

Vượt núi

 

Chuyện lớn nữa của “shop người lớn” ở buổi đầu khởi nghiệp là không vốn liếng. Đi vay rồi tìm đối tác, đủ cả. Lần đầu Dũng tìm đối tác là một ông bạn. Bạn đồng ý rồi lại thôi vì cũng nghĩ như mọi người, bán ai mua. Lại tìm một rồi hai đối tác khác, đến sát ngày triển khai họ lại lung lay tinh thần.

 

“Lúc đó phải quyết cho dù không ai làm thì mình vẫn phải làm, cũng may họ liều một phen với mình”, Dũng nhớ lại. Sang đận tìm địa điểm cũng nhiều gian truân. Nơi phù hợp để mở cửa hàng đã khó, đằng này lại kinh doanh đồ nhạy cảm, đi thuê cũng ngại.

 

Hỏi mấy nơi, khi biết ý tưởng mở cửa hàng bán bao cao su, “người ta đồng ý cho thuê lại thôi ngay”. Kiên trì rồi cũng thành khi gặp một chủ nhà lớn tuổi, không những đồng ý cho thuê mà còn ủng hộ công việc anh đang theo đuổi.

 

Thời gian đầu mới mở, Dũng bảo nửa năm lỗ. Bán bao cao su ngày đấy còn mới với người dùng, tâm lý cũng chưa sẵn sàng đối với việc này. Cũng đã nghĩ vẫn lỗ sẽ thôi không bán nữa.

 

“Suốt ngày mẹ từ Quảng Ninh gọi lên căn dặn phải cẩn thận, phải tính kỹ vào con ạ. Tốn bao nhiêu tiền, đủ kiểu khó khăn thành ra cũng thấy lo, sợ không bán được”, tiết thu năm Giáp Ngọ vừa qua ngồi với Dũng nghe anh vừa cười vừa nói.

 

Mở cửa hàng bắt buộc Dũng phải đi đăng ký kinh doanh theo hộ kinh doanh cá thể. Khẳng định mình là người đầu tiên ở Việt Nam đi đăng ký kinh doanh đối với loại mặt hàng dành cho người lớn, nên việc xin cấp phép kinh doanh cũng không được suôn sẻ. Lúc đến nộp hồ sơ, cô nhân viên tiếp nhận rất ngạc nhiên vì lần đầu tiên gặp trường hợp đăng ký kinh doanh hàng lạ lẫm này.

 

Dũng kể, lúc đó đăng kí theo hình thức của hộ kinh doanh cá thể với hai loại mặt hàng là bao cao su và đồ chơi người lớn. Mặt hàng đồ chơi người lớn cô nhân viên phòng đăng ký kinh doanh quận Ba Đình gạt phắt khỏi hồ sơ.

 

“Họ chỉ bảo không được thôi. Nếu thắc mắc thì gửi công văn lên trên rồi chờ trả lời. Ngay mặt hàng là bao cao su, cơ quan quản lý cũng không biết cho vào đâu, phân vào dạng gì, ra làm sao”, Dũng nói

 

Cô nhân viên tiếp nhận hồ sơ tra cứu mọi danh mục hàng hóa nhưng vẫn không biết xếp mặt hàng bao cao su vào danh mục kinh doanh nào và hẹn sẽ báo lại. Sau một thời gian, Dũng lên làm việc lần nữa, lúc này mặt hàng bao cao su tạm thời được xếp vào ngành hàng tiêu dùng, vì qua kiểm tra bao cao su đã được bán trên các kênh siêu thị. Tuy nhiên, trên giấy phép kinh doanh phải ghi rõ hàng tiêu dùng và mở ngoặc là bao cao su một cách rất rành mạch.

 

Đại lý của Dũng tại các tỉnh cũng gặp khó khăn tương tự. Các nơi đều từ chối cũng vì lý do không biết xếp vào mặt hàng gì. Cuối cùng phải cung cấp cho các đại lý bản đăng kí kinh doanh photo đã được cấp ở Hà Nội để các đại lý mang lên làm mẫu. Lúc đó các đại lý mới được cấp phép. “Mình đăng ký ở quận Ba Đình, khi được cấp phép thấy thật may”, Dũng nhớ.

Hồng Trang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo