Văn hóa

Ghé thăm làng ngói âm dương Quỳnh Sơn

Xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn, Lạng Sơn) không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử mà còn nổi tiếng với nghề làm mái ngói âm dương. Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, nghề làm ngói tưởng chừng như đã bị mai một bởi sự ra đời của nhiều loại ngói mới và tấm lợp pro xi măng đang thịnh hành. Thế nhưng đến nay, nghề làm ngói máng nơi đây vẫn tồn tại, gìn giữ và phát triển ổn định.

Nghề hơn trăm tuổi

Ngói âm dương hay còn gọi là ngói máng, là vật liệu xây dựng truyền thống để lợp những mái nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Nghề làm ngói âm dương có thâm niên hơn 100 năm, với khoảng hơn 50 hộ dân làm nghề, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các địa bàn lân cận.

Do ngói âm dương có đặc điểm cách nhiệt tốt, cho nên các ngôi nhà được lợp bằng loại ngói này, mùa hè thì mát mẻ, mùa đông rất ấm áp. Vì thế, hiện nay, không chỉ đồng bào các dân tộc trên địa bàn mà rất nhiều khách hàng dưới thành phố, thị xã, khi cất nhà thường tìm đến Quỳnh Sơn đặt hàng.

Nghề làm ngói âm dương có thâm niên hơn 100 năm ở Quỳnh Sơn.

Muốn làm ra một viên ngói âm dương, phải tuân theo các công đoạn 100% thủ công, đòi hỏi những người làm nghề phải có kinh nghiệm, bí quyết riêng. Không những vậy, họ phải thật sự say sưa với nghề. Công việc tuy vất vả, thu nhập không cao so với công sức bỏ ra nhưng những người thợ làm nghề ngói ở vùng đất này vẫn xem đây là “nghề máu thịt” do cha ông truyền lại và họ tin rằng, nhờ tình yêu của dân làng nghề, ngói âm dương sẽ không bao giờ “chết”.

Người Quỳnh Sơn tạo nên ngói, nhưng cũng chính những viên ngói thô sơ mộc mạc kia đã tạo ra nghề truyền thống cho bà con, nên thương hiệu mái ngói Quỳnh Sơn nổi tiếng trong vùng. Để làm mái ngói tốt thì khâu đầu tiên là phải chọn được đất, là loại đất sét đào ở ruộng. Chính vì thế, ở những công đoạn này, người thợ phải làm thật khéo léo, nhẹ nhàng thì khuôn ngói và vòng đất mới dễ dàng tách rời nhau. Đất sét ở Quỳnh Sơn có màu tro hoặc màu vàng nâu, sau khi nhào kỹ thì có độ mịn, dẻo và dai rất cao. Điều đặc biệt của nghề ngói truyền thống nơi đây là, công cụ trộn đất sét không có máy móc nào có thể thay thế được ngoài đôi chân và hai bàn tay, ngay công đoạn luyện đất đòi hỏi mất rất nhiều thời gian.

Đất sau khi được tập kết về, được nhào kỹ với nước để loại tạp chất. Người thợ dùng kéo xén đất thành từng thỏi nhào đi, nhào lại rồi dùng chân giẫm kỹ đến dẻo để tạo đất thành một viên hình hộp chữ  nhật. Người thợ chỉ việc lấy kéo cắt đất thành những lát mỏng có bề dày chừng 1cm rồi đem lá đất đó lật nhẹ xuống một chiếc khuôn gỗ, miết quanh thành khuôn. Riêng thời gian phơi cũng phải mất từ 30-50 ngày, ngói mới đủ khô để đem nung trong lò.

Để làm mái ngói tốt thì khâu đầu tiên là phải chọn được đất, là loại đất sét đào ở ruộng.

Trung bình, mỗi lò, tùy theo thể tích lớn nhỏ có thể chứa dăm, bảy chục nghìn viên. Một điều đặc biệt tạo nên chất lượng “có một không hai” của ngói âm dương Quỳnh Sơn là lò nung được đốt bằng củi và quá trình nung diễn ra liên tục 10 ngày 10 đêm. Muốn tạo màu cho ngói máng phải có bí quyết riêng, ở đây mỗi lò lại có một bí quyết khác nhau để tạo độ bền và màu sắc cho ngói.

Muốn màu sắc của ngói như thế nào đều tùy thuộc vào thời gian nung lò và bí quyết riêng của từng người thợ. Song một lò làm ngói âm dương cũng có thể nung chừng một vạn viên, đủ cho lợp một ngôi nhà ba gian.

 

Nỗi niềm trăn trở

Có một điều đáng mừng hiện nay là, mặc dù có hàng trăm loại ngói được sản xuất bằng công nghệ hiện đại xuất hiện trên thị trường, nghề làm ngói âm dương ở Quỳnh Sơn vẫn khẳng định được giá trị của mình. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là những khó khăn trong sản xuất đối với các lò ngói âm dương không hiện hữu.

Thành phẩm ngói âm dương.

Để làm ra những viên ngói chất lượng, người thợ phải rất công phu từ khâu lựa chọn đất, làm đất, đúc khuôn, làm ngói thô, phơi, đưa ngói vào lò nung… Nhưng hiệu quả cuối cùng mang lại cho người làm nghề lại chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Là nghề truyền thống nhưng vẫn chỉ là nghề phụ, thu nhập không đáng kể. Loại ngói này rất ưa nung bằng củi, tuy nhiên trong tương lai, những nghệ nhân làng nghề sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn do thiếu nguồn nhiên liệu để đốt và làm ngói…

Khó khăn là vậy, song, nhu cầu người dân thì vẫn còn. Không kể giàu nghèo, người Tày, người Nùng ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn lợp ngói máng. Họ coi đây là một nét văn hóa truyền thống cần phải có trong những ngôi nhà sàn, hay những ngôi nhà trình tường độc đáo. Với những ai còn làm ngói, cứ lửa cháy trong những lò nung là họ còn chưa tắt đi niềm yêu nghề. Những người con của đất Quỳnh Sơn vẫn thổi hồn vào đất từ đôi tay cần mẫn của mình, giữ cho những lò nung ngói luôn đỏ lửa hàng ngày và đóng góp thầm lặng để tạo nên nét đặc sắc, cổ kính trên những mái nhà cổ kính rêu phong, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân xứ Lạng.

Nên đọc
Theo Thế giới di sản
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo