Gia đình 'vua' chăn trâu lương cao hơn tỉnh trưởng
Nhận trông gần 400 con trâu mà không bao giờ lạc vì nhớ mặt từng con, gia đình ông Năm Bảo, Tư Lồng được mệnh danh là "vua" chăn trâu ở đồng Chó Ngáp (Bạc Liêu).
Thời hoàng kim của nghề chăn trâu ở đồng Chó Ngáp thuộc huyện Hồng Dân (cũ) của tỉnh Bạc Liêu chỉ còn trong ký ức vì đồng ruộng đầy năn phèn ngày nào trở thành ao nuôi tôm kết hợp nuôi cua và trồng lúa một vụ rất bền vững. Sức trâu được thay thế bằng cơ giới, nhà lá lụp xụp mất dần, nhà khang trang được xây nhan nhản.
Chăn trâu lĩnh lúa như… lương tỉnh trưởng
Bên tách trà trong tiết trời se lạnh, ông Phạm Văn Lồng (Tư Lồng, 60 tuổi) ở ấp Nhà Lầu 1, xã Ninh Thạnh Lợi A kể, đồng Chó Ngáp của hơn 45 năm trước rộng hơn 10 km2, kéo dài từ ấp Thọ Hậu của xã Phước Long đến Cạnh Đền và Cỏ Thum của xã Ninh Thạnh Lợi.
Cả vùng này thuộc huyện Hồng Dân cũ, sau đó chia ra 2 huyện Hồng Dân và Phước Long. Trước giải phóng, đồng Chó Ngáp có năn mọc cao gần đầu người, đất nhiễm phèn, bỏ hoang cho không ai nhận, chỉ thích hợp với nghề chăn trâu.
"Đến mùa khô năn chết rạp xuống đồng, chân đi không đụng đất, như bước trên thảm. Sau đốt đồng chó chạy suốt ngày không giáp, mệt đứt hơi phải 'ngáp' ngắn dài nên cái tên đồng Chó Ngáp ra đời", ông Tư Lồng kể.
Theo nông dân này, cha ông là lão nông Năm Bảo vừa qua đời ở tuổi 84. Ông cụ có 3 người con đều ít chữ, suốt ngày theo cha chăn gần 400 con trâu hết đồng này sang đồng khác.
Khi ấy đồng Chó Ngáp đầy năn, cụ Năm Bảo cùng con trai Tư Lồng, Ba Tự lội bộ đến hàng trăm gia đình để nhận giữ trâu (mỗi gia đình 2-3 con) với giá tương đương 10 giạ lúa/cặp. Lùa hàng trăm con về đến nhà, anh lớn nhất của Tư Lồng là ông Hai Vệ được cha giao việc trực tiếp trông giữ.
"Anh Hai Vệ giữ khoảng 350-400 con mà không bao giờ lạc vì nhớ mặt từng con. Có khi chủ bất ngờ đến dắt trâu về, chờ vài phút là anh Vệ tách đàn ra mà không sợ lộn", ông Lồng nói.
Sau 3 tháng chăn trâu, đến mùa lúa cha con Năm Bảo lùa đi trả cho chủ. Sau đó gia đình nhận tiền công được quy ra thóc khoảng 1.500-2.000 giạ, tương đương 35-40 tấn.
"Lúc đó năng suất lúa nơi trúng mùa nhất chỉ khoảng 15 giạ/công (1.000 m2). Gia đình tôi 4 người chăn trâu mang về thu nhập tương đương 100 công ruộng, hơn cả lương tỉnh trưởng thời bấy giờ", Tư Lồng tự hào về nghề cũ của gia đình khi được hàng xóm gọi là "vua" chăn trâu.
Làng quê thay da đổi thịt
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chính quyền đưa cơ giới vào ruộng để xẻ kênh Một Ngàn, Hai Ngàn, Ba Ngàn… cho đến Mười Bốn Ngàn để đồng Chó Ngáp xuyên đến vùng miệt thứ của tỉnh Kiên Giang. Những con kênh này cách nhau 1 km có nhiệm vụ xổ phèn cho cả vùng. Đầu tiên, nông dân phá năn đào liếp trồng khóm và trúc bán lấy tiền cất nhà, nuôi con ăn học, từng bước xây dựng nông thôn mới.
Khi cây trúc, cây khóm không còn mang lại nhiều lợi ích tài chính thì nông dân đồng Chó Ngáp phá bờ đưa nước mặn vào đồng nuôi tôm sú mang lại hiệu quả cao.
Bốn năm nay, hàng nghìn gia đình đưa xe cuốc, xe ủi san bằng những liếp khóm, trúc ngày nào để trồng lúa kết hợp nuôi tôm, cua, tham gia tái cơ cấu nông nghiệp. Từ đó, nhiều căn nhà trị giá hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng được xây ngày càng nhiều giữa đồng Chó Ngáp như khẳng định quê nghèo ngày nào đang thay da đổi thịt.
Mới đây, xã Phước Long được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận xã nông thôn mới. Ngoài địa phương này, huyện Phước Long còn có xã Vĩnh Thanh, Phong Thạnh Tây A, Phong Thạnh Tây B hoàn thành tất cả 19 chỉ tiêu nông thôn mới. 3 xã còn lại là Hưng Phú, Vĩnh Phú Tây và Vĩnh Phú Đông đạt 15-16/19 chỉ tiêu.
Theo Bí thư Huyện ủy Phước Long Trần Hoàng Duyên, huyện này là một trong 63 đơn vị trong cả nước được Trung ương thí điểm xây dựng nông thôn mới. Bốn năm qua toàn huyện huy động mọi nguồn lực với gần 4.500 tỷ đồng để kiến thiết nông thôn, giúp người dân trên quê hương từng có cánh đồng Chó Ngáp được ấm no, hạnh phúc, đi lại dễ dàng...
Theo Zing
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo