Doanh nghiệp - Doanh nhân

Giá tuyến bay của AirAsia lúc đầu chỉ khoảng 25 cents Mỹ

AirAsia, hãng hàng không có chiếc phi cơ phản lực chở 162 người vừa bị lâm nạn ở vùng Biển Java hôm Chủ nhật trong cơn bão, đã xây dựng thành môt hãng bay giá rẻ có tiếng tăm ở Á châu và Australia và từ trước đến giờ chưa từng xảy ra tại nạn chết người nào.

Phi cơ của hãng Hàng không AirAsia trong sân bay ở Sepang, Malaysia

 

Hãng bay vận chuyển trên 40 triệu hành khách một năm đến 100 điểm và có một đội máy bay gồm 160 phi cơ phản lực.

Nhưng cách đây 12 năm vào lúc thành lập, hãng bay này hầu như không có gì.

Nguồn động lực của hãng bay này là vị giám đốc điều hành 50 tuổi, một doanh nhân người Malaysia ông Tony Fernandes.

 

Ông từng là một viên chức điều hành trong ngành âm nhạc, đã đứng ra thành lập hãng Tune Air năm 2001 với ý tưởng làm cho du hành bằng đường hàng không trở nên phổ biến trong đông đảo quần chúng với giá rẻ.

 

Một năm sau, ông và các đối tác mua lại tuyến bay của hãng AirAsia với giá trên danh nghĩa là 1 đồng ringgit của Malaysia, trị giá khoảng 25 cents Mỹ vào thời điểm đó.  

 

Với tiền vé thấp, khẩu hiệu tiếp thị của hãng chỉ đơn giản: “Giờ thì ai cũng có thể đi phi cơ.” Tuy nhiên đội máy bay của hãng lúc đó chỉ vỏn vẹn có hai chiếc phi cơ cỡ trung.

 

Hãng bay cho biết trong vòng hai năm ông Fernandes và những người cùng đầu tư với ông đã trả hết 11 triệu đôla tiền nợ của hãng cũ khi mua lại AirAsia. AirAsia khởi nghiệp với đội ngũ nhân viên 250 người mà hiện giờ con số này đã tăng lên 15.000.

 

Ông Fernandes đã ngỏ lời tạ lỗi sâu sắc về vụ máy bay bị lâm nạn hôm Chủ nhật, và nói rằng hãng bay “sẽ không trốn tránh bất cứ nghĩa vụ nào” đối với gia đình nạn nhân, tuy chưa tiết lộ bồi thường đến mức độ nào.

 

Ông nói, “Tôi vô cùng tạ lỗi về những gì họ đang phải chịu. Tôi là người đứng đầu công ty nay. Tôi xin nhận lãnh trách nhiệm.”

Ngân Hà (voa)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo