Giải mã bí ẩn ở cây cầu ma ám hại người ở Gia Lai
Nhiều người khẳng định “nhìn thấy ma”?
Chúng tôi đi qua cây cầu này để vào xã Ia Phí trở về thì trời đã sâm sẩm tối. Nơi này vào thời điểm chiều tối không thấy một bóng người, tìm hiểu kỹ thì người dân nơi đây cho biết một số “chuyện” về việc có không ít người chết đuối ở dòng suối có cây cầu này. Nhiều người dân cho biết, vài lần họ đi qua đây buổi tối một mình đã nghe thấy những âm thanh kì quái, giống hệt như tiếng những người đàn ông say rượu hay nói, hát. Đó là những tiếng ê a gì đó không rõ. Tuy vậy, những âm thanh này khiến họ rất hoang mang, sợ hãi. “Đặc biệt, tôi chỉ nghe những âm thanh kì quái này khi đi trên cầu, còn khi chưa đi tới cầu hoặc khi vừa qua hết cầu, âm thanh này cũng tự nhiên im bặt một cách kì lạ!”, chị Pyuho, người dân xã Ia Mơ Nông kể lại với vẻ sợ sệt.
Có người cho biết mình từng nghe tiếng trẻ con khóc ở gần cây cầu vào ban đêm, nhất là sau những trận mưa lớn. “Mình nghe có lúc tiếng khóc vừa cất lên rồi im bặt, tiếp đó là những tiếng cười đùa của trẻ con. Có lúc cả tiếng khóc tiếng cười xen lẫn nhau nghe đầy rùng rợn, ai oán!”, một người dân làng Yang (xã Ia Phí) tên Glaonh cho biết. Để tìm hiểu thực hư sự việc, chúng tôi tìm đến ông Trung người dân xã Ia Ka là người đã từng gặp “ma” tại cây cầu này.
Ông Trung lại quả quyết: “Trong một lần đi qua cầu vào lúc 4-5 giờ sáng tôi đã nghe thấy tiếng chó sủa, chó tru lên, tiếng gào thét của chó đầy đau đớn, nghe rùng rợn khó tả!”. Lần đó ông này đi với 2 người bạn khác. Nhưng lạ thay lại chỉ có ông và một người bạn nghe thấy vài tiếng chó sủa, một hồi tiếng tru, còn một người bạn còn lại quả quyết rằng không hề nghe thấy bất kì âm thanh khác lạ nào ngoài tiếng nước suối ầm ì xô vào những tảng đá.
Một chuyện “ma quỷ” khác mà người dân kể về khu vực gần cây cầu này, rằng có người nhìn thấy có vài bóng màu trắng, màu xám bơi lội bì bõm ở phía dưới cây cầu này vào ban đêm. Những “cái bóng” này cứ bơi xuôi xuống cách cây cầu một đoạn rồi lại bơi ngược lên.
Người nhìn thấy chuyện này là một người phụ nữ trung niên, sau khi nhìn thấy thì người phụ nữ này sợ quá ngã lăn cả người lẫn xe máy ra giữa cây cầu bất tỉnh, mãi một lúc lâu sau bà ta giật mình tỉnh lại, bất giác giật nảy mình, sống lưng toát mồ hôi lạnh. Dù chân tay còn run lẩy bẩy, nhưng bà vẫn cố gắng hết sức dựng xe máy đứng lên, dắt qua hết cây cầu rồi vội vàng trèo lên xe chạy thẳng. Chạy được một đoạn bà ta run quá lại ngã thêm lần nữa.
Nhiều người dân còn kể lại những thông tin “ma quỷ” khác liên quan đến khu vực xung quanh cây cầu này, người dân nơi đây vẫn cảnh báo cho những ai ở nơi xa đi qua cây cầu này vào buổi tối: “Hãy cẩn thận hết sức khi đi qua cây cầu này vào ban đêm”. Những hộ dân sống gần cây cầu này cũng khẳng định rằng, dù là ban ngày, họ cũng hạn chế đến mức tối thiểu việc đi ra cây cầu, đi xuống con suối này. Đặc biệt là các em nhỏ hiếu động, họ càng nghiêm cấm khắt khe hơn việc lai vãng gần cây cầu, con suối này chơi, vì sợ bị “hồn ma u uất ở đây xô ngã, dìm xuống nước”. Ban ngày đã vậy, ban đêm việc đi qua cây cầu này còn được hạn chế hơn.
Liên quan đến những chuyện rùng rợn ở cây cầu này, một người dân xã Ia Ka tên Nhung kể lại cho chúng tôi: “Tôi từ ngoài miền Bắc chuyển vào sinh sống ở xã Ia Ka đã gần hai chục năm nay. Khi mới vào đây sinh sống, ban ngày tôi đi làm, còn chiều tối tôi thường đi khắp các làng thuộc xã Ia Ka, Ia Phí để mua gà của bà con người đồng bào mang ra chợ bán, nên tôi cũng đi qua cây cầu này vào buổi tối khá nhiều. Mặc dù khi ấy cây cầu này chỉ là 2 tấm thép nhỏ bắc qua, nhưng vì hồi ấy tôi đi xe đạp, tới cầu là xuống xe dắt qua, nên cũng không sợ hãi gì. Khi ấy trong một buổi chiều trời mưa rất to, tôi không đi vào làng mua gà được nên ở nhà, thế là mấy hôm sau tôi nghe được thông tin vào tối hôm đó có người đàn ông say rượu bị chết trôi ở chỗ cây cầu đó. Có lẽ từ đó mới có “tin đồn” người ta nghe thấy tiếng xì xồ, ê a chăng?”.
Có người còn “bổ sung” thêm rằng sau những trận mưa to, dù nước suối chảy khá mạnh nhưng vẫn có một vài đứa trẻ chăn trâu, bò, trước đây và cả hiện nay, tắm rửa, chơi đùa dưới con suối này. Vì thế không ít lần đã xảy ra những chuyện đáng tiếc là đã vài em nhỏ bị nước cuốn trôi chết đuối ở đây. Đặc biệt, chúng tôi ghi nhận từ một người dân làng Yang tên là Blaoh (xã Ia Phí, Chư Păh, Gia Lai) chuyện có một người đến làng anh ta trộm chó, rồi bị đánh chết ở gần cây cầu này cách nay vài năm. Anh ta kể rằng ban đầu nhóm trộm chó có 3 người tới làng anh bắt trộm chó rất trắng trợn.
Có người vì muốn bảo vệ con chó của nhà mình, chống cự quyết liệt lại đám trộm chó, đồng thời hô hoán người dân trong làng, nhưng vì đám trộm chó này tỏ ra rất liều mạng, đã đánh trọng thương người này, rồi bắt theo con chó, nhanh chóng tẩu thoát. Vì vậy người trong làng rất bức xúc, quyết tâm vây bắt bằng được bọn trộm chó. Sau vài lần bắt hụt, tưởng đám trộm chó không dám tới nữa, ai ngờ chúng vẫn tới làng trộm chó. “Lần ấy có 2 kẻ trộm chó chạy thoát, còn một tên bị người dân phục kích vây bắt được. Gần như cả làng đổ xô ra truy đuổi, dùng đá ném, dùng cây đánh tên trộm chó này”, chị Pum, một người dân làng Yang kể.
Tên ăn trộm chó này cố hết sức vùng vẫy, vứt xe máy ôm đầu bỏ chạy. Nhưng cuối cùng đến chỗ cây cầu thì bị người dân vây chặt hai đầu, trong khi người hắn bê bết máu. Thế là hắn chỉ còn nước liều mạng nhảy xuống dưới suối mong chạy thoát thân. Nhưng vì người dân quá bức xúc nên đã nhảy xuống suối đánh tiếp, quyết không cho thoát. Thế là sau sự phẫn nộ của người dân làng Yang đã tích tụ bấy lâu, kẻ trộm chó này bị người dân đánh chết ở dưới suối, máu chảy ra dòng suối, nhìn dưới ánh trăng vẫn nhận thấy được màu đỏ lòm.
“Chuyện ma quỷ chỉ là tin đồn, kẻ trộm chó chỉ bị đánh “nhừ tử” chứ không chết”
Những tin đồn về cây cầu ma ám với những cái chết rùng rợn xảy ra ở đây khiến người dân vô cùng hoang mang sợ hãi. Để tìm hiểu chân tướng sự việc, chúng tôi đã hỏi chuyện ông phó chủ tịch xã Ia Phí là Rơ Châm Laoh.
Ông Laoh khẳng định: “Trước đây cây cầu Ia Roey 1 chưa được xây dựng, người dân qua lại hai bên dòng suối này bằng hai tấm thép rộng chừng 2 gang tay, cách cầu hiện nay chừng trăm mét. Ở cây cầu cũ này chỉ có 2 trường hợp bị chết đuối, chứ không phải hàng chục trường hợp như người dân phản ánh. Còn từ khi cây cầu mới Ia Roey 1 được làm xong, không có ai bị chết ở đây nữa!”.
Ông Laoh cho biết về trường hợp một trong hai người xấu số không may tử vong tai cây cầu này là một người đàn ông, do đi qua cầu bất cẩn nên bị ngã xuống chết đuối. Một trường hợp thương tâm khác là về người phụ nữ tên Trần Thị H., làm nghề buôn bán tạp hóa trong làng, trong một lần đi qua cầu trong lúc trời mưa to, đã bị nước cuốn trôi. Người phụ nữ xấu số này sau khi chết bị nước cuốn trôi theo con suối tới tận địa phận xã Ia Mơ Nông, cách vị trí cây cầu chừng 4-5 cây số.
Trường hợp người trộm chó bị đánh chết ngay trên cầu mà người dân thông báo, ông Laoh cũng khẳng định người này chỉ bị dân làng vì quá bức xúc nên đánh cho trọng thương sau đó được chính quyền giải cứu và đưa đi cấp cứu chứ không phải bị đánh chết. Người này là một người Kinh, sống ở bên xã Ia Sao (huyện Ia Grai, Gia Lai). Người nhà anh ta biết chuyện, đã tới đền bù cho làng và chuộc anh ta về ngay sau đó.
Còn chuyện li kì, rùng rợn về ma quỷ, theo quan điểm của ông Laoh, đó chỉ là những chuyện do những người mê tín thêu dệt nên, chứ không hề có thực. Ông Laoh khẳng định sẽ báo cáo sự việc với chính quyền địa phương để tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không đồn đại những chuyện mê tín dị đoan, làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự tại địa phương trong thời gian tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
'Nữ hoàng phim Trung Quốc' Trần Xung đi rửa bát ở nhà hàng Mỹ
Nam Em để lộ tình trạng tài chính hiện tại, tự đưa ra hướng giải quyết gây khó hiểu
Thanh Thanh Hiền gục ngã khi ly hôn Chế Phong, con gái lạnh lùng tuyên bố khi được hỏi về 'dượng'
Đàm Vĩnh Hưng nói về vụ kiện với chồng ca sĩ Bích Tuyền: 'Ai tạo nghiệp người đó phải lãnh'
"Tái sinh" của Tùng Dương lọt top 1 Trending, gây sốt trên mạng xã hội
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2025 sẽ có 10 đội dự thi