Giải mã bộ tộc bí ẩn nhất thế giới ở Việt Nam
Nghe chúng tôi chia sẻ thông tin, người Rục Việt Nam lọt vào top 10 bộ tộc bí ẩn nhất thế giới, ông Đinh Thanh Dự - Nhà nghiên cứu văn hóa các tộc người ở Quảng Bình gật gù: "Đúng là bí ẩn thật!". Gần hết một đời người bỏ công nghiên cứu về các tộc người thiểu số ở miền Tây Quảng Bình, đến giờ, tộc người Rục vẫn còn nhiều ẩn số mà ông Dự vẫn chưa giải mã được.
Năm 1959, tộc người Rục sống ở trong hang đá giữa rừng sâu heo hút, đã được một tổ tuần tra thuộc lực lượng công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) tình cờ phát hiện. Sau nhiều tháng thuyết phục, 11 hộ và 34 người Rục đầu tiên "miễn cưỡng" rời hang đá về thung lũng Rục Làn (Thượng Hóa, Minh Hóa) dựng lều và bắt đầu làm quen với làm rẫy, trỉa đậu, trồng ngô...
Từ đây, tộc người Rục được biết đến như là "người em út" trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Họ được các nhà khoa học ghép vào nhóm người Chứt bởi có những nét tương đồng về nhân chủng, ngôn ngữ... nhưng trong đời sống của mình, người Rục vẫn ẩn chứa những bản sắc rất riêng, mang nét bí ẩn chưa được khám phá.
Hậu duệ hiếm hoi của cư dân tiền Việt Mường
Theo ông Đinh Thanh Dự, do đặc điểm sống ẩn mình trong hang đá, nơi rừng sâu, núi thẳm, bản tính lại nhút nhát nên mãi đến năm 1959, Nhà nước mới phát hiện tộc người này. Nhưng người Nguồn ở Minh Hóa thì tiếp xúc với tộc người Rục đã từ rất lâu. Từ tấm bé, ông Dự đã nghe ông bà kể nhiều câu chuyện huyền bí về người Rục.
Theo các nhà nghiên cứu, địa vực hình thành, phát triển và sinh sống lâu đời của người Rục ở Trườn, sát biên giới Việt Lào. Sau khi được vận động, họ chuyển ra sinh sống tại Dằn, Ón, Ồ ồ, Lũ Làn ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa) cho đến nay. Người Rục vốn không có họ, không có tộc danh.
Những già làng người Rục cho biết, ngày xưa họ thường ở hang lèn, dưới những vòm, mái đá lèn hoặc làm trại dưới chân núi, nơi có nước rục (nước trong núi đá vôi hoặc trong lòng đất) chảy ra. Vì lẽ đó, nên các tộc người khác đã gán cho họ cái tên "Rục". Ông Dự khẳng định, người Rục tiếp nhận họ Cao từ người Sách, sau quá trình quan hệ qua lại, kết hôn, ở với người Sách.
Tiến sĩ Võ Xuân Trang, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian từng khẳng định: "Người Rục cũng như người Sách, người Mày, người Mã Liềng và người Arem ở Quảng Bình là bộ phận cư dân tiền Việt Mường hiếm hoi còn lại ở nước ta" - (Sách Người Rục ở Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc, 1998).
Trước khi rời hang đá, người Rục vốn sống tách biệt, cuộc sống hoàn toàn dựa vào tự nhiên nên còn giữ nhiều yếu tố sinh hoạt của người tiền sử. Dường như người Rục không biết đến sự tồn tại của các tộc người khác, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Tóc dài quá lưng, không mặc quần áo, chỉ che thân bằng những tấm vỏ cây sơ sài là hình ảnh của người Rục lúc bấy giờ.
Người Rục quen leo trèo cây, trên các triền núi cao ngất để săn bắt, hái lượm. Món ăn phổ biến yêu thích của họ là bột nhúc, bột đoác và thịt thú nhỏ, nhưng thích nhất vẫn là thịt khỉ. Ông Dự cho rằng: Về văn hóa ẩm thực của người Rục, người Nguồn đã có câu đúc kết: "Ăn cơm tôốc mầy trôốc cá rấu, nghẹn ấm poóc/ Ăn dúc mầy thịt doóc, dót thấm thuẩy" (Ăn cơm gạo rẫy với đầu cá to, nghẹn không nuốt được/ Ăn cơm bột cây đoác với thịt khỉ, nuốt ngon lành).
Đã hơn 50 năm rời hang đá, về hòa nhập với cộng đồng nhưng người Rục còn "nặng lòng" với cuộc sống hoang sơ, gắn với tự nhiên, nơi rừng sâu, hang đá... Anh Cao Văn Đàn, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ cho hay: người trẻ thì đã ít dần, nhưng các già bản thì còn "ham" trở lại hang đá lắm. Mỗi năm cứ đến mùa rẫy, họ lại dắt díu nhau rừng có khi vài ba tháng mới về nhà.
Thế giới tâm linh bí ẩn
Người Rục không có tục thờ cúng người chết. Họ quan niệm: "xác về đất đá, hồn về với thần núi, thần khe". Với họ, người chết đi cũng thành ma rú, họ chỉ cúng ma rú, ma rừng.
Sống giữa tự nhiên nơi đại ngàn hùng vĩ, người Rục có cách riêng để tự bảo vệ mình trước mọi hiểm nguy. Theo ông Đinh Thanh Dự, hiện trong cộng đồng người Rục vẫn còn tồn tại hai dạng phép thuật rất bí hiểm mà các tộc người khác không có, đó là: Thuật thổi thắt, thổi mở và thuật hấp hơi.
Thuật thổi thắt, thổi mở của người Rục được nói đến như là một cách kế hoạch hóa gia đình ngày nay. Họ dùng bùa chú thổi vào bát nước, sau đó cho người phụ nữ uống thì sẽ không sinh đẻ và ngược lại. Còn thuật hấp hơi cũng dùng bùa chú để giữ tính mạng trước lam sơn chướng khí và thú dữ của những người đi rừng.
Ông Dự cho biết: người Rục quan niệm nếu dùng bùa chú, thú dữ không dám tấn công, thậm chí còn có thể dắt cả hổ đi theo được. Theo ông Dự, hình như sau khi đọc câu thần chú, xung quanh họ có một luồng điện trường rất mạnh, bất kỳ thú dữ hay con người đến gần người dùng bùa chú sẽ bị phương hại đến tính mạng. Ông cũng khẳng định mình đã tận thấy uy lực thuật hấp hơi của người Rục trong một lần cùng Tiến sỹ Võ Xuân Trang điền dã để tìm hiểu những phép thuật của người Rục.
Mặc dù đã được cảnh báo là luôn phải đi trước mặt người đang dùng thuật hấp hơi và phải luôn cách xa 5m, nhưng ông Trang đã bất ngờ tụt lại sau. Ngay tức thì ông Trang ngã lăn ra đất, người co giật, miệng hộc máu. Chỉ đến khi được người đang dùng thuật hấp hơi niệm thần chú, ông Trang mới trở lại bình thường.
Mang theo sự tò mò từ lời kể của ông Dự, chúng tôi tìm đến thung lũng Rục Làn để tìm hiểu thực hư câu chuyện này... Anh Cao Văn Đàn, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ cùng hai chiến sĩ đồn Biên phòng Cà Xèng dẫn chúng tôi tới nhà một thầy Ràng có tên Cao Ống.
Ông năm nay đã 80 tuổi, ốm yếu, không đi lại được nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Ông cho biết: ông có thể thổi chữa bệnh đứt da, chảy máu, rắn độc cắn... và mỗi dạng bệnh tật có những câu chú khác nhau. Ngoài thuật hấp hơi để tránh thú dữ cho riêng mình, ông có thể dùng phép thuật vẽ một vòng tròn cho nhiều người ngồi trong đó để chống lại thú dữ.
Thuyết phục mãi, thầy Ràng Cao Ống mới đồng ý diễn lại các động tác trong thuật thổi thắt, thổi mở. Không ai dám đụng đến các dụng cụ làm lễ của ông, cho đến khi em trai của thầy Ràng là ông Cao Ngọc Ên sang. Theo lời hướng dẫn của thầy Ràng, ông Ên sắp xếp các dụng cụ như một buổi lễ thổi thắt, thổi mở, gồm: hai ống nứa, một dài (1m), một ngắn (0,5m), một phiến đá nhỏ, một cái bát đựng nước, một cái đĩa để hoa. Ông Ên nói, còn thiếu sáp ong làm nến, hương và sợi tóc, hoặc sợi chỉ để vào bát nước.
Thầy Ràng Cao Ống ngồi xổm trên giường, hai tay cầm hai ống nứa cà phần đầu nhọn vào phiến đá. Cùng lúc, ông đọc thần chú có vần điệu như hát theo âm thanh huyền hoặc từ hai ống nứa phát ra. Vừa đọc, ông vừa thổi hơi vào bát nước.
Theo thông lệ, chừng 30 phút sau đưa bát nước có sợi tóc, hoặc sợi chỉ cho người phụ nữ muốn thắt không sinh nở uống và sẽ hiệu nghiệm. Thầy Ràng Cao Ống cho biết, thổi mở cũng ở dạng này, nhưng bài chú sẽ có nội dung khác. Hỏi ông về nội dung các câu chú, và nhờ dịch sang tiếng quốc ngữ thì ông lắc đầu: "Đó là điều thiêng của người Rục, không thể để người ngoài biết được".
Anh Cao Văn Đàn cho biết, những phép thuật nói trên nay không còn phổ biến trong cộng đồng người Rục, những thầy Ràng như ông Cao Ống cũng không còn nhiều, lớp trẻ dường như cũng ít quan tâm đến điều đó.
Trở lại câu chuyện với ông Đinh Thanh Dự, ông cho biết đã cố công nghiên cứu về nó nhưng không thể. Bao nhiêu năm tìm hiểu, đến giờ, tộc người Rục vẫn còn nhiều "vùng cấm" trong hoạt động nghiên cứu của ông, từ nếp ăn, ở, sinh hoạt, cách chữa bệnh đến chuyện thờ cúng... Ngay cả việc chép lại truyện kể dân gian của người Rục cũng không dễ như những tộc người khác. Nếu như người Sách có thể kể một mạch về những điều mình muốn tìm hiểu thì người Rục lại rất ngần ngại trong việc chia sẻ.
Người Rục vốn kín đáo, đặc biệt là những câu chuyện tâm linh, thờ cúng, họ luôn muốn giữ riêng cho mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo