Giải thưởng Hội nhà văn đâu chỉ là chuyện thương hiệu
Giải thưởng - theo một cách nghĩ sẽ là thương hiệu cho chính đơn vị tổ chức xét giải thưởng đó. Dù chỉ mới 5 năm nhưng giải thưởng Bùi Xuân Phái đã trở thành một thương hiệu của báo Thể thao Văn hóa, được giới chuyên môn đánh giá là chính thức trở thành một sự kiện trong đời sống văn hoá của Hà Nội.
Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh được trao hằng năm cho các cá nhân có cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực Giáo dục, Nghiên cứu văn hoá, Việt Nam học và Dịch thuật cũng được coi là một giải thưởng có trọng lượng khi chọn đúng “mặt gửi vàng”. Giải thưởng Sách hay được trao vào rằm Trung thu hàng năm cũng là một sự kiện văn hóa - giáo dục đang ngày càng được độc giả hưởng ứng.
Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, đồng thời là thành viên hội đồng giải thưởng Sách hay cho biết: “Khi xét giải thưởng, chúng tôi không căn cứ việc bình chọn từ dưới lên trên, từ hội đồng cơ sở rồi lên hội đồng cao hơn; cũng không có việc tác giả hay tác phẩm tự giới thiệu mình, tự kê khai mà chúng tôi lấy tiêu chí từ việc xã hội bình chọn, độc giả bình chọn và tiểu ban chuyên môn xét duyệt. Sau đó hội đồng giải thưởng mới quyết định”.
Rõ ràng việc so sánh sẽ là khập khiễng bởi mỗi giải thưởng là một hình thức và một lĩnh vực tôn vinh khác nhau. Nhưng có một điều mà bất cứ những nhà cầm cân nẩy mực nào cũng phải vượt qua là chất lượng giải thưởng. Chất lượng giải thưởng phụ thuộc vào những cái đầu, không chỉ hiểu rõ về những công trình, tác phẩm tham gia tranh giải mà còn có cả chiều sâu, tầm bao quát về tính chất của giải thưởng đó.
Theo ý kiến của nhà thơ Vũ Quần Phương, Ban giám khảo phải là những người thực sự có chuyên môn, nghiệp vụ mới có thể đủ tầm xét giải: “Phải tìm ra được cái hay để khen. Nhưng muốn tìm ra được cái hay thì phải chú ý thành phần ban giám khảo. Hiện nay, chúng ta hơi lầm lẫn cấu tạo ban giám khảo lại căn cứ vào những cương vị xã hội. Vì có thể cương vị rất quan trọng, rất cao nhưng về lĩnh vực nghệ thuật cần thẩm định thì chưa chắc đã tinh”.
Không chỉ lấy chuyên môn làm gốc, nhà thơ Vũ Quần Phương còn cho biết: trong quá trình xét giải thưởng cần thông tin cụ thể đến bạn đọc và các cơ quan truyền thông về chất lượng của chính những tác phẩm đang được lựa chọn xét giải.
Những chuyện ồn ào xảy ra xung quanh giải thưởng Hội Nhà văn năm nay không phải là chuyện lạ trong giới văn chương. Chuyện nhà văn Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam gửi thư ngỏ trên mạng từ chối giải thưởng cũng là chuyện xưa nay không hiếm. Thế nhưng, từ sự việc xảy ra những năm gần đây, nên chăng việc xét giải cần chú ý hơn đến vai trò lấy độc giả làm trung tâm.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều trao giải thưởng Hội Nhà văn 2012
Bên cạnh đó, Hội Nhà văn cần chú ý việc xây dựng hội đồng chấm giải. Bởi lẽ, theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam là một thương hiệu hay đúng hơn là giải văn chương danh giá nhất. Tuy nhiên, giải thưởng văn học hàng năm được trao theo quan điểm của Ban chấp hành từng khóa đảm nhận. Điều đó có nghĩa là 5 năm một lần, thành phần Ban giám khảo mới có sự thay đổi: “Tôi nghĩ cái này là tiền lệ của Hội Nhà văn từ xưa đến nay rồi. Chúng tôi đã bàn rằng, chúng ta có thể thay đổi 2 năm một lần hoặc có thể hội đồng 9 người, nhưng có thể mỗi một năm chỉ một nửa số hội đồng tham gia và nửa còn lại chúng ta mời những chuyên gia từ ngoài vào. Chúng tôi đã bàn và sè bàn tiếp về việc đó”.
Mỗi năm có hàng trăm tác phẩm văn học ra đời. Việc in ấn, giới thiệu tác phẩm văn học và tạo sự chú ý của truyền thông nay cũng dễ dàng hơn so với nhiều năm trước. Xét giải thưởng hàng năm là một trách nhiệm lớn của những người có chuyên môn khi phải đọc, hiểu và thẩm định tác phẩm, bởi lẽ thái độ đối với văn chương cũng là thái độ với văn hóa.
Giá trị của văn chương nằm ngay trong lòng độc giả bởi hiện nay không thiếu những tác phẩm được tôn vinh xong rồi xếp xó như chia sẻ của nhà thơ Bùi Kim Anh: “Làm thế nào để bạn đọc, không chỉ là lớp trẻ mà cả người lớn tuổi tiếp cận với văn học? Tôi còn nhớ hồi nhỏ tôi phải chen chúc ở cửa hàng sách mới mua được một cuốn sách. Bây giờ, câu hỏi là làm thế nào để lớp trẻ và mọi người đến được với văn hóa đọc và nhất là những tác phẩm được giải hàng năm. Nó không chỉ dừng lại ở Hội nhà văn Việt Nam, không chỉ dừng lại ở các nhà văn Việt Nam mà nó phải đến được với đại chúng. Đấy là ta chưa nói đến nhiều tác phẩm đạt giải rồi nhưng bị chìm lấp, có khi chính các nhà văn còn chưa được đọc”.
Thiết nghĩ việc xét giải thưởng văn học hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam không nhất thiết năm nào cũng theo cơ cấu giải thưởng ở tất cả các hạng mục. Bởi chỉ khi nào tìm ra được tác phẩm hay, có giá trị để tôn vinh sẽ quý hơn nhiều so với việc trao giải một cách gượng ép và để lại nhiều câu hỏi với bạn đọc./.
Hồng Lĩnh (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vợ cũ đại gia của Đàm Vĩnh Hưng tỏ thái độ sau khi nam ca sĩ kiện tỷ phú Mỹ vì đứt lìa vài ngón chân
Ai là người đưa vụ kiện của Đàm Vĩnh Hưng lên mạng xã hội? Lý do thật sự khiến Mr.Đàm đứt vài ngón chân là gì?
NS đầu tiên ra mặt hé lộ về vụ Đàm Vĩnh Hưng bị đứt vài ngón chân, tuyên bố sẽ làm chứng trước tòa
Thuỷ Tiên tái xuất đẹp “đỉnh nóc” nhưng cảm giác cô đơn, lạc lõng bao trùm, phải chăng bị “ăn bơ”?
Bạn lớp đại học zoom cận nhan sắc và vóc dáng đời thực chưa chỉnh sửa của Phương Nhi gây ngỡ ngàng
HIEUTHUHAI nói gì khi Tăng Mỹ Hàn bị bóc phốt? Bạn gái cũ và hiện tại của nam rapper cùng hành động lạ