Gian nan đường đến kẹo que Hạnh Phúc
Gập ghềnh, gian nan tìm lối
Khi mới 17 tuổi, Lương đã tập tành bán kẹo que. Buổi tối, cậu học sinh lớp 12 này mang kẹo ra công viên 30/4 bán, tiền lời mỗi tối được 35.000. Bán một thời gian, nhận thấy khả năng mình bán hàng không được nên cậu nghỉ tập trung vào việc học. “Muốn bán được kẹo mình phải năn nỉ người ta, mình thấy cái sự tội nghiệp của mình trong đó. Có cảm giác rất ngại giống như đi lừa người khác để mua một cây kẹo” - Lương giải thích.
Lên đại học, từ năm thứ nhất Lương tìm ngay công việc làm thêm. Anh xin làm nhân viên phục vụ trong KFC. Ngoài kiếm tiền, mục đích chính của Lương là học hỏi quy trình quản trị kinh doanh. “Mình vô đó làm nhưng có một cái giống như là gián điệp lắm. Mình vô phòng quản lý coi sổ sách, giấy tờ, nhập hàng, doanh thu bao nhiêu, hàng xuất nhập từ đâu. Coi họ quản lý, mô-típ họ chuyển giao cho người này người nọ. Coi để sau này nếu có mở một KFC thì mình sẽ biết cách quản lý và điều hành” - Lương tiết lộ.
Ngoài ra, anh cũng thường đảm nhận vị trí dọn phòng vệ sinh, lau sàn nhà 10 phút/lần vì cho rằng việc này sẽ giúp mình có tính tỉ mỉ, quan sát.
Khi KFC mở khóa đào tạo kỹ năng cho nhân viên, Lương đăng ký học nhưng không giống các học viên khác. Trong quá trình học, Lương quay phim, ghi âm lại. “Mình thấy cách giảng và cách dùng ngôn từ của ông thầy quá hay nên quay phim, ghi âm để về mình tập y chang như vậy. Cố gắng hoàn thiện để có phong cách giống ông thầy đó” - Lương cho biết.
Một thời gian sau, Lương đăng ký vào trung tâm dạy kỹ năng mềm. Tại đây, Lương được đánh giá rất cao về kỹ năng thuyết trình, có năng lực và kiến thức đủ để đáp ứng yêu cầu công việc. Chính vì thế, ngay sau khi kết thúc khóa học, phía trung tâm có ý muốn nhận Lương làm nhân viên chính thức. Lương vui lắm, vì trước đó xuất phát điểm của anh rất thấp. Năm lớp 12 Lương có tật nói ngọng và rụt rè không dám nói trước nhiều người. “Đứng trước đám đông hai tay cứ bấm chặt, nói chuyện mà người khác thấy mình run rõ luôn. Những gì mình muốn truyền tải cho người khác thì không nói được. Nhiều người nói thằng này dễ nhảy vô họng nó lắm nên cứ nhảy đi” - Lương nhớ lại.
Trong quá trình học, thấy sân thượng của trung tâm kỹ năng bỏ trống, các học viên lại hay lên đó hóng mát, Lương lên kế hoạch cùng với hai người bạn mở quán càphê sân thượng. Để có tiền hùn vốn, Lương vay mượn tất cả các mối quan hệ mình có. “Quán càphê không lỗ nhưng mình chẳng có lời” - Lương nói. Bởi vì bao nhiêu lợi nhuận dù không nhiều, Lương lại để trả nợ, lo cho sinh hoạt.
Một thời gian sau, Lương được hai bạn nữ trình bày ý tưởng thuê một nhà nguyên căn rồi chia phòng cho thuê lại. Lương nhận lời tham gia. Đến ngày đặt tiền cọc thuê nhà, Lương bỏ tiền của mình đặt cọc. Nhưng tới ngày ký hợp đồng, hai bạn nữ bất ngờ rút lui. Vì không muốn mất tiền cọc, một lần nữa Lương phải xoay xở mượn tiền để thuê nhà.
Khi kinh doanh nhà trọ cho thuê, có một tình huống dở khóc dở cười xảy ra với Lương. Hôm đó, có người liên hệ thuê phòng, Lương mượn xe máy của bạn để chở “khách hàng” tới xem phòng. Tới nhà trọ, Lương nói: “Giới thiệu với em, phòng trọ của anh rất là an ninh. Trước là doanh trại quân đội, phía sau là tổ dân phố”. Ai ngờ, lát sau chiếc xe máy Lương để ngoài phòng trọ bị kẻ gian lấy mất.
Chiếc xe mất là của người bạn cùng góp vốn mở quán càphê, kể từ đó tình cảm anh em có chút rạn nứt. “Vụ quán càphê ứng vốn, nhà trọ mới đầu tư, giờ mất chiếc xe nữa. Thế nhưng, thời gian đó mình lại đam mê kinh doanh cực kỳ. Nhiều đêm, một mình đóng cửa phòng rồi hét thật to: Tôi nhất định thành công, nhất định thành công” - Lương kể.
Đó cũng là khoảng thời gian sóng gió nhất với Lương. Anh thường xuyên gọi điện thoại vay tiền. Đồng thời tiết kiệm bằng cách nhịn ăn. “Ngày mình chỉ ăn một dĩa cơm, đồng thời ăn nhiều cơm thêm và uống nhiều nước” - Lương kể.
Sau đó, chỗ sân thượng Lương bán càphê bị tăng giá mặt bằng, cộng với lúc này anh em xích mích từ vụ mất xe máy nên cả nhóm quyết định trả mặt bằng không kinh doanh nữa.
Sang năm 2, Lương kết hợp với những người bạn có kỹ năng mềm mở ra một trung tâm dạy kỹ năng. Cùng với kinh doanh nhà trọ, Lương còn thử sức 20 công việc khác nhau từ phát tờ rơi, phục vụ, đến MC, diễn viên, bán bảo hiểm... “Cách mình nghĩ lúc đầu là muốn làm được việc lớn thì phải làm những cái nhỏ trước để tích lũy kinh nghiệm. Đến khi làm những việc lớn cần tố chất nào thì có sẵn trong người chứ không phải học mới” - Lương nói.
Thời gian dịp lễ tết 2013, Lương xin làm bảo vệ trên đường hoa Nguyễn Huệ. Canh gác suốt 38 tiếng, Lương thay ca và vào ca liên tục. Mục đích của anh là kiếm tiền mua quần áo sỉ về bán buổi tối.
Hạnh phúc của ông chủ kẹo que
Trải qua đủ mọi nghề, tháng 6. 2013, Lương lại quay trở lại bán kẹo que. Lần này anh tập trung một nhóm 10 người, có hẳn ban quản trị kinh doanh, lên kế hoạch rõ ràng. Nhóm của Lương tỏa khắp các công viên, khu vui chơi của TPHCM và xuống tận Vũng Tàu bán kẹo que. Được một thời gian, Lương gặp khó khăn khi bị đối thủ chơi xấu làm mất nguồn hàng phải đền cho đối tác.
Để chủ động, anh quyết định tìm học cách làm kẹo que theo công nghệ Nhật Bản. Tuy nhiên, anh không sử dụng máy móc nhiều như người Nhật mà đánh mạnh vào giá trị thủ công. “Tôi không thích áp dụng máy móc nhiều quá vì phải đóng khuôn. Thủ công vừa theo ý mình vừa để khách hàng tùy ý đặt mẫu mình thích. Cho nên khách hàng đặt đơn hàng sỉ hay lẻ chúng tôi đều làm được” - Lương giãi bày.
Lương nhiều lần thử nghiệm hương vị khác nhau như: Chocolate, vani, chanh, dâu… nhưng thất bại. Lúc thì khách hàng chê kẹo ngọt quá, kẹo chanh thì chua quá, rồi những đơn hàng bị lỗi…. Thế nhưng, sau mỗi lần ấy, anh lại càng quyết tâm gây dựng. “Sau nhiều lần thử nghiệm, tôi cải tiến chỉ chọn những hương vị chua vừa miệng như dâu cộng với mùi thơm để sản phẩm tích hợp “2 trong 1”, đẹp và ngon miệng” - anh phân tích.
Để phát triển, Lương tiếp tục xoay vốn bằng mọi cách: Mượn bạn bè, vay lãi suất cho đến cầm chiếc laptop tự tay dành dụm được...
Đến tháng 6.2014, Lương mở một cơ sở sản xuất kẹo que với số vốn hơn 100 triệu trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp). Trước kia, mỗi ngày chỉ làm được 500 cây kẹo thì nay xưởng đã sản xuất đến hàng ngàn cây. Hiện cơ sở có 6 người làm kẹo và hơn 50 người bán kẹo trên toàn quốc. Ban đầu, anh gây dựng kênh bán hàng cả offline và online. Lương thu hút khách trên fanpage, website bằng những dịch vụ độc đáo, gần gũi giới trẻ như khắc tên, vẽ chibi...
Cơ sở của Lương chia ra hai khu vực: Nơi pha chế nguyên liệu được tách biệt và nơi chế biến sản xuất đại trà để mọi nhân viên phối hợp thực hiện các công đoạn: Quậy nguyên liệu tạo nên thành phẩm, vào khuôn, thiết kế hình dáng, sấy khô, đóng bao bì rồi phân phối tới thị trường.
Ngoài ra, Lương còn giúp những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn vào lực lượng bán kẹo. Ban đầu, anh tặng mỗi em một giỏ kẹo để khi bán hết các em tiếp tục có vốn kinh doanh. “Kẹo que hạnh phúc bắt nguồn từ 3 nhân tố: Người làm ra sản phẩm, sản phẩm và người bán sản phẩm. Làm sao để họ đều thấy hạnh phúc khi mua và bán kẹo” - Lương nói.
Lương cho biết mình đang gấp rút chuẩn bị để chuyển lên thành Cty. Đồng thời anh đang lên kế hoạch mở rộng thị trường, tạo lập đội ngũ chào hàng để phân phối kẹo vào các siêu thị, quán cà phê. Kẹo sẽ được thiết kế logo, tên theo từng quán càphê; sản phẩm được đặt giữa bàn và tính tiền vào hóa đơn.
Chiến lược phát triển sắp tới của Lương là vẫn đánh mạnh vào sản phẩm độc quyền là kẹo que, sau này sẽ phát triển thêm sản phẩm kẹo dẻo. Bên cạnh đó, Lương đang xây dựng thị trường, đội nhóm tại những khu du lịch Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt với khách hàng chiến lược là các đôi tình nhân. “Các bạn nam sẽ trao những lời cây kẹo ngọt ngào và các bạn nữ sẽ trao yêu thương trở lại” - Lương lý giải.
End of content
Không có tin nào tiếp theo