Doanh nghiệp - Doanh nhân

Giới siêu giàu dạy con những gì để giàu đến ba đời?

Giới siêu giàu được định nghĩa là những gia đình sở hữu ít nhất 5 triệu USD tài sản ròng, không kể giá trị nơi ở chính của họ, theo tổ chức nghiên cứu quản lý tài sản Spectrem Group.

Bà Carol M. Schleif - Phó tổng giám đốc đầu tư tại Abbot Downing, đơn vị trực thuộc công ty tài chính Wells Fargo, nơi chuyên tập trung vào những gia đình sở hữu tài sản ròng từ 100 triệu USD trở lên - cho biết: Câu thành ngữ “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” hay khái niệm tài sản của một gia tộc cuối cùng cũng sẽ biến mất, thường xuyên xuất hiện trong các cuộc đối thoại giữa những gia đình siêu giàu.

Đương đầu với nỗi sợ đó, rất nhiều gia đình thuộc giới siêu giàu đã và đang dạy cho con cái họ cách sử dụng tiền bạc từ rất sớm để khối tài sản của gia tộc mãi mãi trường tồn. Và, những bài học này hoàn toàn thích hợp để áp dụng tất cả các gia đình chưa gia nhập giới siêu giàu.

Người giàu rất quan tâm đến việc làm thế nào để tài sản gia tộc được mãi mãi trường tồn. Ảnh: Big Think.

Schleif nói: “Việc bạn có bao nhiêu số 0 trong tài khoản ngân hàng hiện tại không quan trọng. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ, kết quả sau cùng mà bạn muốn con mình đạt được là gì và bạn có thể làm được gì để dạy cho chúng biết về điều đó”. Và, dưới đây là 4 điều mà giới siêu giàu thường xuyên dạy con cái họ.

Dạy con biết tiền không phải là tất cả

Trái với phần đông suy nghĩ của nhiều người, những gia đình siêu giàu thường dạy con cái họ làm giàu bằng cách gửi đi thông điệp: Tiền không phải là tất cả. Bà Judy Spalthoff - Giám đốc điều hành chi nhánh New York của ngân hàng đầu tư UBS - nói: “Số dư trong tài khoản ngân hàng không phải là tất cả khi nói về chúng tôi. Nếu mọi thứ người khác biết về gia đình chúng tôi chỉ gói gọn trong số tiền mà chúng tôi có, thì điều ấy không thực sự tốt cho lắm. Nếu người khác nghĩ chúng tôi chỉ có thế, tức là chúng tôi đang phát đi một thông điệp sai lầm”.

Để con cái của họ thực sự nhận thức được điều này, các bậc cha mẹ của những gia đình siêu giàu thường giữ kín việc họ có nhiều tiền với con cái và chờ cho đến khi mọi thứ chín muồi. Bà Schleif chia sẻ: “Các bậc cha mẹ siêu giàu không muốn những đứa trẻ đánh mất đi mục đích sống cũng như động lực làm việc. Họ muốn con mình tự định hình lối sống của riêng bản thân chúng. Họ biết để cho con tự nỗ lực và tự trải nghiệm thất bại”.

Yêu cầu con đi làm và để con thất bại

 

Con cái của các gia đình thành công rất cần cơ hội để được làm việc và được thất bại. Theo bà Spalthoff, thất bại đối với trẻ con không cần thiết phải là những điều gì đó quá to tát, mà hoàn toàn có thể là những việc vô cùng đơn giản. Ví dụ, nếu con quên đem theo bài tập về nhà, cha mẹ sẽ không mang nó đến trường cho chúng. Nếu đứa trẻ quên đôi giày thể thao, cha mẹ cũng sẽ không mang nó đến sân bóng giúp, dù rằng đội bóng của con có thể phải bị xử thua vì chuyện này. 

Ngoài ra, thông qua quá trình làm việc, những đứa trẻ sẽ hiểu được việc kiếm tiền khó như thế nào, mặc dù gia đình giàu có của chúng không thực sự bận tâm đến số tiền đó. Và, bằng cách cho con cơ hội được làm việc, chúng sẽ hiểu được giá trị của sức lao động là như thế nào. Bà Spalthoff nói: “Nếu chúng ta không cho con cơ hội được làm việc từ lúc bé, thì đến khi chúng tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm thực sự, chúng sẽ chẳng có bất kỳ hành trang hay một sự chuẩn bị nào cho thời điểm đó cả”.

Những công việc đầu tiên lúc bé có thể mang đến rất nhiều bài học ý nghĩa cho con, bà Schleif chia sẻ. Ví dụ, con cái sẽ biết số tiền mà cha mẹ chúng sử dụng để trả tiền sinh hoạt cho gia đình thực sự đến từ đâu và đến như thế nào. Thế nên, đó là lý do tại sao rất nhiều gia đình giàu có yêu cầu con cái họ đi làm từ thời thiếu niên.

Dạy con hiểu chiến lược kinh doanh của gia đình

Để các thế hệ tiếp theo có thể duy trì khối tài sản của gia đình từ đời này sang đời khác thì việc hiểu rõ tại sao và làm cách nào khối tài sản ấy được tạo ra là hết sức quan trọng. Bằng cách ôn lại truyền thống của gia đình thông qua những câu chuyện, bạn có thể tìm ra một giá trị chung hoặc một chiến lược kinh doanh xuyên suốt được truyền lại qua nhiều thế hệ, bà Schleif cho biết.

 

Nữ doanh nhân tiếp lời: “Việc ôn lại truyền thống sẽ giúp bọn trẻ nhận ra rằng bố mẹ và bản thân chúng đều có xuất phát điểm giống nhau. Đồng thời, những câu chuyện cũng mang đến cho bọn trẻ một ví dụ thực tế về việc làm thế nào mà bố mẹ chúng đã có thể sống và xoay xở được trong hoàn cảnh như vậy. Việc dạy cho con hiểu được chiến lược kinh doanh của gia đình sẽ giúp chúng biết suy nghĩ và cẩn thận hơn với những gì mà chúng sẽ tiếp nhận và phát huy”.

Những buổi gặp gỡ và kể chuyện như thế có thể giúp mọi gia đình xác định mục tiêu của mình, dù cho họ có thuộc giới siêu giàu hay không.

Dạy con biết chia sẻ với cộng đồng

Dù nhiều người thuộc giới siêu giàu sở hữu lối sống vô cùng tằn tiện, song họ lại khá thoải mái trong việc chia sẻ tài sản của mình với cộng đồng. Các gia đình siêu giàu thường dạy cho con cái họ thói quen chia sẻ với cộng đồng bằng cách biến những công việc từ thiện trở thành một hoạt động trong gia đình, bà Schleif nói.

Ví dụ, vào các dịp lễ, họ sẽ cho phép con lựa chọn giữa việc để bố mẹ tặng quà hay sử dụng món quà đó để quyên góp từ thiện. Ngoài ra, các bậc cha mẹ giàu có còn có thể thành lập các tổ chức từ thiện hoặc các quỹ đóng góp từ những mạnh thường quân để giúp con mình thực hiện mong muốn đóng góp cho cộng đồng. Nỗ lực đóng góp, chia sẻ những gì mình sở hữu đến với cộng đồng có thể giúp xây dựng nhân sinh quan của mỗi người một cách phong phú và điều này hoàn toàn có thể áp dụng cho tất cả các gia đình, bất kể giàu nghèo, bà nói thêm.

 

Nữ Phó tổng giám đốc đầu tư tại Abbot Downing còn nói thêm: “Nếu chỉ duy nhất một mình bạn giỏi, thì bạn đã chẳng thể nào đạt đến vị trí như ngày hôm nay. Những gì mà bạn đóng góp cho xã hội rồi cũng sẽ quay trở lại với bạn, có khác chăng là chúng sẽ trở nên to lớn và lan tỏa hơn mà thôi”.

 

Nên đọc

 

Theo Doanh nhân Sài gòn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo