Văn hóa

Góc khuất của các trinh nữ trong điện thờ Nepal

Cuộc sống chân không chạm đất của các Thánh nữ đồng trinh ở Nepal khiến các cô gái gặp khó khăn khi họ quay lại cuộc sống đời thường.

Samita Bajracharya là một cô gái đang độ tuổi mới lớn. Cô có cuộc sống yên bình cùng cha mẹ trong ngôi nhà nhỏ ở Nepal. Samita học hành chăm chỉ và thích chơi đàn lute. Vào năm 2014, cuộc sống của cô đã đảo lộn khi người dân trong nước tin rằng Samita chính là một nữ thần đầu thai - một thánh nữ đồng trinh. Khi đó, cô gái nhỏ mới 12 tuổi.

Kể từ đó, cuộc đời của Samita chỉ còn biết gói gọn trong bốn bức tường trong một khu điện thờ ở Lalitpur, gần Kathmandu. Ngôi nhà cô sống rất khiêm tốn, và được phân biệt với những nơi khác bởi một biểu tượng màu đỏ gắn phía ngoài cửa, ghi dòng chữ "Nơi ở của nữ thần", theo BBC.

Nhiệm vụ của các nữ thần là ban phước lành cho người dân, và cả du khách. Có nhiều nữ thần ở Nepal, nhưng nữ thần quan trọng nhất là ở Kathmandu, sống trong ngôi nhà có tên là Kumari Bahal. Ảnh: Sarvodayausa.

Ngôi nhà này có một cầu thang gỗ hẹp dẫn lên tầng hai. Đây là nơi các nữ thần dành phần lớn thời thơ ấu tuyệt đẹp của mình để sinh sống. Những nữ thần này được gọi là Kumari (những cô gái trẻ đẹp, chưa lập gia đình). Các Kumari được thờ phụng bởi cả người theo đạo Hindu và Phật giáo ở Nepal. Người ta tin rằng, Kumari chính là hóa thân của nữ thần Durga (nữ thần Mẹ trong đạo Hindu).

Mẹ của Samita cảm thấy hạnh phúc xen lẫn nỗi buồn khi con gái mình trở thành nữ thần, được cả dân tộc tôn trọng. "Tôi cảm thấy hạnh phúc vì con gái là nữ thần. Có một vị thần trong nhà thực sự là một điều thú vị. Nhưng tôi cũng sợ hãi vì tôi không chắc chắn rằng chúng tôi có thể tuân thủ đúng theo các quy tắc được đề ra".

Một cô gái trước khi được chọn làm nữ thần phải trải qua nhiều bài kiểm tra ngặt nghèo. Ảnh: Trekroute.

Một số quy tắc của việc làm thánh nữ đồng trinh là: Gương mặt được trang điểm kỹ càng, mặc các bộ trang phục có thiết kế phức tạp, không được phép đi ra ngoài trừ các lễ hội. Chân của cô không được chạm đất, vì người dân coi rằng đất là thứ không sạch sẽ. Do đó, các thánh nữ phần lớn di chuyển bằng cách được người bế hay ngồi trong các kiệu khiêng. Trong các lễ hội, mọi người sẽ hôn chân nữ thần để được ban phước lành.

Kumari cũng không được phép nói chuyện với người lạ, trừ gia đình và bạn bè thân thiết. Cô gái đó sẽ không còn là nữ thần nữa khi xuất hiện kỳ kinh nguyệt đầu tiên.

Chanira Bajracharya, người tiền nhiệm của Samita, xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn của phóng viên BBC. Cô ngồi trên sàn của căn buồng tối, nơi đã dành cả thập kỷ để cầu nguyện và ban phúc cho người dân cũng như du khách.

 

"Khi tôi còn là một nữ thần, tôi đã nhìn ra bên ngoài qua các ô cửa sổ nhỏ", Chanira trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh trôi chảy. Cô cho biết, đã học ngôn ngữ này trong những ngày rảnh rỗi làm Kumari.

Những Kumari sẽ được chọn từ người của hai gia tộc Shakya hoặc Bajracharya. Đây là những gia tộc thuộc cộng đồng Newari danh giá ở Nepal.

Hiện nay, Chanira 23 tuổi. Cô từng học đại học ngành quản trị kinh doanh. Khi trở về làm "người thường", cô mặc quần áo trẻ trung và hiện đại, với áo thun và quần âu màu xanh da trời. Khi là nữ thần, Chanira mới 5 tuổi. "Làm nữ thần cũng giống như trở thành công chúa. Bạn sẽ có mọi thứ".

Nhưng có lẽ, vì tập tục chân không được phép chạm đất của nữ thần mà Chanira đã quên cả cách đi. Cô ngồi quá nhiều. "Khi tôi bắt đầu bước đi, tôi đã không thể đi đúng cách. Bố mẹ phải nắm lấy tay tôi và dạy tôi lại cách đi như hồi còn bé".

Khi còn là "người của công chúng", Chanira có gia sư dạy kèm ở nhà. Khi mãn nhiệm, cô phải đến trường giống như nhiều đứa trẻ khác. Và đó là một thách thức với một nàng thánh nữ đã có 10 năm sống cuộc sống chân không chạm đất. Bạn bè đối xử với Chanira e dè vì cô từng là một nữ thần. "Những người dân khi gặp tôi không còn quỳ xuống và hôn vào chân tôi như họ đã làm trong nhiều năm trước đó. Tôi đã mất đi sự tôn trọng mọi người dành cho. Tôi không bao giờ nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ thay đổi đột ngột như vậy".

Nên đọc
Theo VnExpress
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo