Khu du lịch quốc gia Núi Sam: Từ cấm xe gây khó doanh nghiệp đến “chặn đường” thu phí vô tội vạ
Vĩnh Long: Khai thác khoáng sản trái phép "lấn" sông Cổ Chiên, dư luận bức xúc vì sao chưa bị xử lý? / An Giang: “Chợ chui” ngang nhiên hoạt động giữa lòng thành phố
Trước đó, Doanh nghiệp Việt Nam từng phản ánh, sau khi tỉnh An Giang vừa mở cửa đón khách du lịch trở lại chẳng bao lâu thì doanh nghiệp, các hộ kinh doanh ở Khu DLQG Núi Sam (TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) lại bị “chặn” đường làm ăn, nguyên nhân được cho là xuất hiện biển cấm xe trên 16 chỗ đi vào đường Châu Thị Tế bất hợp lý. Từ đó, phía ngoài hình thành các bãi giữ ô tô “chui” ngang nhiên hoạt động ngay trong khuôn viên cơ quan nhà nước.
Nay, mặc dù Khu du lịch cấp quốc gia này chưa được đầu tư tương xứng, nhưng nhiều du khách đến đây vẫn bị “chặn đường” thu phí khiến họ vô cùng bức xúc, nhiều du khách cho rằng đến đây chỉ với mục đích duy nhất là hành hương Miếu bà Chúa xứ Núi Sam vì tín ngưỡng tâm linh. Đáng nói hơn, chính người dân địa phương sinh sống nơi đây cũng bị “chặn đường” thu phí vì Ban quản lý Khu Di tích lịch sử, văn hóa và Du lịch quốc gia Núi Sam vẫn chưa phân định địa giới khu vực rõ ràng giữa các công trình, hạng mục tham quan, du lịch với khu vực dân cư sinh sống, sản xuất.
Hơn 90% du khách đến Khu du lịch quốc gia Núi Sam để hành lễ bị "chặn đường" thu phí khiến nhiều khách hành hương không đồng tình.
Người dân, du khách đều bị “chặn đường” thu phí
Chị Hà Anh, lấy chồng ở huyện An Phú, tỉnh An Giang hay về thăm gia đình vào dịp cuối tuần, mỗi lần đi ngang trạm thu phí đều tranh cãi với với nhân viên nơi đây. “Mỗi lần về thăm nhà ở bên trong Khu DLQG Núi Sam cũng bị nhân viên của Ban Quản lý nơi đây chặn xe, bắt chạy vào bãi Trung tâm thương mại và phải trả phí tham quan 20.000 đồng/người rồi mới cho đi tiếp. Mặc dù tôi nói rõ là tôi về thăm nhà nhưng vẫn bị bắt đóng phí”, Chị Hà Anh bức xúc.
Cùng bức xúc như chị Hà Anh, ông Nguyễn Duy Khương, nhà huyện Tịnh Biên cho biết: Có khoảng 3 tuyến đường nơi đây bị họ đặt 3 chốt thu phí, việc họ đặt các chốt, chặn dừng tất cả ô tô đi ngang qua để kiểm tra “tận thu” mà không cần biết xe đó có phải đi du lịch hay không, họ cũng không quan tâm đến cảm giác của người khác. “Lần nào tôi đi ngang qua chốt thu phí đường vòng Núi Sam cũng bị chặn xe đòi thu phí tham quan, nhưng có cái gì để tham quan đâu mà thu phí. Mỗi khi bị chặn xe, tôi phải cãi nhau với nhân viên một lúc thì mới được cho qua chốt”, ông Khương nói.
Còn nhóm của chị Nguyễn Võ Quỳnh Nga, khách hành hương đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết: “Nhóm mình đi hành hương, du lịch rất nhiều nơi trên cả nước, trong đó có những địa điểm tín ngưỡng tâm linh, thờ tự tôn giáo nhưng chưa có chỗ nào thu phí để vào dâng hương, chiêm bái như Khu DLQG này. Việc thu phí là đúng nếu như chúng tôi đi tham quan tại đây, nhưng ở đây cũng chẳng có cái gì để tham quan cả”. Chị Nga chia sẻ.
Ngoài ra, có rất nhiều du khách hành hương đến Khu DLQG Núi Sam than phiền rằng: Mục đích chính của họ là hành hương Miếu bà Chúa xứ Núi Sam vì tín ngưỡng tâm linh, chứ rất ít khi đi tham quan nơi khác trong khu du lịch này. “Như vậy có phải là du khách bị thu phí khi đến hành hương Miếu bà Chúa xứ Núi Sam không?”, nhiều du khách thắc mắc.
Nhân viên điểm thu phí tham quan liên tục "chặn đường" thu phí bất kể người dân địa phương về thăm nhà hay khách hành hương. Có nhiều trường hợp phải tranh cãi một lúc mới được cho qua.
Theo ghi nhận của PV, tuy chưa phân định địa giới, khu vực rõ ràng nhưng Ban quản lý Khu Di tích lịch sử, văn hóa và Du lịch quốc gia Núi Sam vẫn bố trí đến 3 chốt tại 3 tuyến đường vào khu này.
Từ tuyến đường Tân Lộ Kiều Lương khi đến gần cổng chào Khu DLQG Núi Sam hiện hữu, tất cả ô tô phải rẽ trái vào Trung tâm thương mại bị bỏ hoang đang được trưng dụng làm bãi giữ ô tô, nơi đặt chốt thu phí tham quan du lịch. Tại đây, các nhân viên mặc đồng phục áo trắng yêu cầu hạ kính ô tô để đếm số lượng du khách và xé vé 20.000 đồng/người/lượt. Sau khi thu tiền xong, du khách không được hướng dẫn sẽ tham quan gì, chỉ có bảng chỉ dẫn rẽ phải về Miếu bà Chúa xứ.
Còn từ tuyến tránh QL 91, theo đường Lê Đại Cương đi vào Khu DLQG Núi Sam cũng dẫn vào bãi đất trống tại Trung tâm thương mại Châu Đốc là có một chốt thu phí tham quan thứ 2.
Nếu các phương tiện đi từ hướng huyện Tịnh Biên về TP Châu Đốc, theo QL 91 cũ, đến đường vòng Núi Sam cũng sẽ bị chốt chặn thu phí tham quan du lịch, đây cũng là chốt thứ 3 của khu này.
Liên quan đến việc thu phí, ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Châu Đốc cho biết, việc thu phí tham quan Khu DLQG Núi Sam thực hiện theo Nghị quyết HĐND tỉnh An Giang.
TS Ngô Quang Láng - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang cho rằng: Ngôi Miếu này là điểm hành hương tâm linh với nghi thức thờ mẫu dân gian. Mà đã là tín ngưỡng dân gian thì cần tạo điều kiện cho nhân dân đến đây chứ không thể tìm mọi cách để thu phí kiểu tận thu, trong khi tại khu du lịch này chưa có công trình đầu tư nào tương xứng để thu phí.
Mặt khác, Khu DLQG Núi Sam cũng không có hàng rào hay khuôn viên khép kín nên việc thu phí tham quan tất cả những người đi ngang qua là kiểu “gạn chài bắt cá”. Cũng theo Tiến sĩ Láng, trong điều kiện bình thường không có dịch bệnh, trung bình mỗi năm tỉnh An Giang đón khoảng 9 triệu lượt khách du lịch, trong đó đến 90% lượng khách hành hương Miếu bà Chúa xứ Núi Sam.
Tỉnh sẽ vào cuộc chấn chỉnh những bất cập
Liên quan đến vấn đề thu phí, ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Trước khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, tỉnh đã làm việc với UBND TP Châu Đốc tiến đến bỏ thu phí tham quan. Sau đó, dịch bệnh bùng phát dữ dội nên chưa ngồi lại bàn bạc, đi tới thống nhất.
“Việc thu phí tham quan do Ban Quản lý Khu di tích văn hóa lịch sử và Du lịch quốc gia Núi Sam (trực thuộc UBND tỉnh An Giang) thực hiện. Trước đây, Châu Đốc có đề nghị nên tỉnh tạm thời giao Ban này cho UBND TP Châu Đốc. Sắp tới sẽ phải tính toán lại, chấn chỉnh những bất cập, lập lại trật tự để tạo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh”. Ông Thư thông tin.
Còn liên quan đến bài phản ánh trước đó của Doanh nghiệp Việt Nam về những bất cập trong việc cấm đường, cấm xe đi vào đường Châu Thị Tế gây khó khăn việc kinh doanh hợp pháp của hơn 150 hộ kinh doanh tại Khu DLQG Núi Sam. Từ đó, phía ngoài hình thành các bãi giữ ô tô “chui” ngang nhiên hoạt động ngay trong khuôn viên cơ quan nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, đã có văn bản chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh An Giang và UBND TP Châu Đốc nghiên cứu, xử lý. Đồng thời báo cáo UBND tỉnh về kết quả, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét.
Còn ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch (phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội) tỉnh này cho rằng: Kiến nghị trên cần phải được xem xét, giải quyết thỏa đáng. Phải xem hộ kinh doanh cá thể là một thành phần kinh tế, họ đăng ký kinh doanh hợp pháp thì phải được bảo vệ và bảo đảm quyền kinh doanh và tạo nên hệ sinh thái dịch vụ trong khu du lịch. Ngoài ra, ông Thư cũng cho biết, việc cấm đường, cấm xe này là bất cập từ nhiều năm qua. Mỗi năm cứ đến thời gian gần Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam là lại tái diễn nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo ông Thư, quan điểm và cam kết của UBND tỉnh là tôn trọng và tạo điều kiện cho nhà đầu tư hoạt động kinh doanh; tôn trọng quyền và lợi ích của nhân dân - hộ kinh doanh hợp pháp trong khu du lịch; phục vụ tốt nhất cho khách hành hương, khách du lịch. Từ bất cập dẫn đến việc hình thành các bãi giữ ô tô thu phí trong trụ sở cơ quan nhà nước là sai quy định. Việc này những năm trước cũng có, đã kiểm tra chấn chỉnh giờ lại tái diễn.
Cũng theo ông Thư, năm 2016 tỉnh ký cam kết trong chủ trương mời gọi đầu tư phát triển du lịch về việc kêu gọi đầu tư du lịch vào Khu Di tích quốc gia đặc biệt Núi Sam và phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các sở, ngành, chính quyền địa phương cần tôn trọng, tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư theo 3 tiêu chí: Đối với doanh nghiệp, phải đảm bảo tạo điều kiện và giữ đúng lời hứa ban đầu; tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh trong hệ sinh thái cùng hoạt động; đối với du khách hành hương, phải tạo điều kiện phục vụ tốt nhất.
“Cả 3 tiêu chí này phải được đồng bộ với nhau, trong quá trình thực hiện phải có lộ trình, phải để doanh nghiệp, người dân địa phương tham gia để chủ động, có sự tính toán cho phù hợp theo từng thời điểm”, ông Thư nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo