Góc nhìn

Lễ hội Vía bà chúa xứ Núi Sam (TP Châu Đốc - An Giang): Dân và doanh nghiệp bị "ngược đãi", chính quyền bội thu..."chui"?

DNVN - UBND TP Châu Đốc (tỉnh An Giang) cấm xe trên 16 chỗ đi vào đường Châu Thị Tế và nhiều việc khác gây khó khăn cho các hộ kinh doanh, DN và du khách đi du lịch lễ hội cấp quốc gia đặc biệt Núi Sam. Xác minh của PV cho thấy, "lệnh cấm" này là hành động có tính chất "ngược đãi", trong khi chính quyền ung dung bội thu..."chui"?

Huyện Châu Thành (Kiên Giang): Nghi vấn một đường dây "buôn người" ở cảng cá Tắc Cậu / Nghi vấn "buôn người" ở cảng cá Tắc Cậu (Kiên Giang): Viện Kiểm sát hướng dẫn nạn nhân gửi đơn tố giác đến Công an tỉnh Kiên Giang

Làm khó cho doanh nghiệp, lại thêm "hành" du khách

Sau khi tỉnh An Giang vừa mở cửa đón khách du lịch trở lại chẳng bao lâu thì doanh nghiệp, các hộ kinh doanh ở Khu di tích lịch sử quốc gia Núi Sam, TP Châu Đốc lại bị “chặn” đường làm ăn. Còn vấn nạn chèo kéo khách mua nhang đèn, bán chim phóng sinh, chặt chém du khách vẫn chưa được chính quyền tập trung giải quyết dứt điểm. Đồng thời, các bãi giữ ô tô “chui” ngang nhiên hoạt động ngay trong khuôn viên cơ quan nhà nước.

bảng cấm

Biển cấm xe trên 16 chỗ đi vào đường Châu Thị Tế được cho là bất hợp lý, gây khó khăn cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp và du khách trong khu Du lịch quốc gia đặc biệt Núi Sam.

Ông L.V.T., (55 tuổi), chủ nhà trọ tại đường vòng núi Sam cho biết: Gia đình kinh doanh nhà trọ từ năm 1993 đến nay, trước đây biển cấm này cũng bị nhiều người phản ứng và đã che lại. “Sau dịch họ mở ra nên giờ tài xế không dám chở khách vào, tôi phải chạy ra vận chuyển từng người khách. Mỗi năm chỉ có 4 tháng này có khách mà họ lại cấm thì chúng tôi làm sao sống. Việc tài xế quay đầu, đậu lại thì cứ phạt, còn chỗ của tôi có bãi xe hẳn hoi", ông T bức xúc.

Tương tự, một hộ kinh doanh trên đường Châu Thị Tế là bà Th cũng bức xúc: “Dịch bệnh đã 2 năm rồi làm ăn không được, việc đặt biển cấm xe trên 16 chỗ vào là chấm dứt con đường làm ăn tại đây vì đối tượng khách ở đây là khách đoàn, phương tiện chủ yếu là xe lớn. Nếu muốn cấm thì phải có giải pháp cho chúng tôi như thế nào vì chúng tôi kinh doanh có đăng ký, đóng thuế đàng hoàng”.

Cũng theo bà Th, du khách than phiền việc di chuyển vào đây rất khó khăn. Ngoài việc đã mua vé 20 ngàn rồi, nhưng xe phải dừng ngoài các bãi phía ngoài. Khách muốn chủ động vào chùa thì phải tốn thêm tiền xe ôm nhưng ở đây không có giá cụ thể, khách hàng dễ bị chặt chém. Riêng chỗ của bà, phải thỏa thuận với xe ôm vận chuyển khách vào là 15 ngàn/ khách.

Trước, trong và sau khu Du lịch di tích quốc gia đặc biệt Núi Sam có rất nhiều hộ kinh doanh nhà trọ, bãi xe.

Hơn 150 hộ kinh doanh khách sạn, nhà trọ, bãi xe... cho rằng việc đặt biển cấm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của họ.

Nhiều hộ kinh doanh nơi đây thắc mắc, Tết Nguyên đán vừa rồi lực lượng chức năng làm rất rốt, không còn tình trạng kẹt xe như các năm trước. Nhưng không hiểu sao qua Tết chính quyền lại đặt biển cấm xe trên 16 chỗ như thế. “Năm nay, Công an phường Núi Sam thường xuyên ra quân dẹp hàng rong, hướng dẫn tài xế không quay đầu nên không còn tình trạng kẹt xe. Một phần năm nay có bãi xe của Khu du lịch Cáp treo Núi Sam cũng giải quyết được chỗ đậu cho 3.000 xe”, ông B khẳng định.

Ông Nguyễn Thanh Tòng (chủ một nhà xe lớn ở TP Hồ Chí Minh), cũng là tài xế thường chở khách đến đây cho biết, từ ngày có biển cấm, ông thường xuyên phải giải quyết xung đột giữa tài xế và hành khách. Theo ông, tài xế gặp biển cấm thì không dám chạy vào nên buộc phải thả khách khá xa địa điểm nhà nghỉ đã hợp đồng. “Trong khi đó, khách yêu cầu phải đưa vào đến khu vực các bãi xe trong khu vực Miếu Bà để tiện việc mang vác lễ vật như heo quay, hoa quả… dâng lên cúng Bà Chúa xứ Núi Sam. Chưa nói tới việc xe vừa dừng lại bến là cánh tài xế xe ôm ập vô dành bắt khách khiến người già, trẻ nhỏ hoảng sợ. Nói chung là du khách tới đây hành hương mà bị “hành” năm đường bảy chặn nên ngao ngán lắm. Nhất là người già, người có tuổi mà cứ lên xuống xe, di chuyển từng chập như vậy rất bất tiện”, ông Tòng nói.

Theo ông Tòng, việc con đường hơn chục mét như thế mà cấm xe trên 16 chỗ là bất hợp lý, bản thân thấy việc di chuyển vào xuống khách rồi đi thẳng đường vòng chạy ra không gây ảnh hưởng đến chuyện kẹt xe, trường hợp xe đậu lại hay quay đầu thì chấp nhận bị phạt là đúng.

Về việc đặt biển cấm xe trên 16 chỗ, ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Châu Đốc thông tin: Hơn cả chục năm nay, mỗi khi đến mùa lễ hội, khu vực cổng sau Miếu Bà thường xảy ra tình trạng kẹt xe làm mất an ninh trật tự. Ông Tuấn cho rằng, nguyên nhân do một số hộ kinh doanh nhà trọ cho để xe, chủ yếu xe 30 đến 40 chỗ trong quá trình để ra gây ùn ứ, kẹt xe. "Việc cấm xe chỉ ảnh hưởng lợi ích cá biệt của một số hộ dân phía trong, trong khi đây là chủ trương chung của thành phố theo kế hoạch lập lại trật tự khu vực trước, sau và trong Miếu Bà", ông Tuấn nói.

 

Tuy nhiên, ghi nhận của PV, cả đường Vòng Núi Sam và đường Châu Thị Tế có hơn 150 hộ kinh doanh nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn và các dịch vụ khác. Hơn 100 người dân đồng loạt ký tên vào đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan báo chí vì không đồng tình với việc cấm đường, cấm xe của cơ quan chức năng TP Châu Đốc.

Thành phố cấm đường, trụ sở phường “mọc” bãi giữ xe “chui”

Theo phản ánh và dư luận người dân, việc cơ quan chức năng cấm đường, cấm xe đường Châu Thị Tế không chỉ đơn thuần vì phân luồng đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực Miếu bà chúa xứ, mà còn có lợi ích nhóm, lợi ích của một số người có chức quyền. “Đặc biệt là việc cấm đường, cấm xe trên 16 chỗ đi vào đường Châu Thị Tế để dồn hết lượng xe chở khách hành hương, du lịch vào các bãi xe “chui” phía bên ngoài, cách xa khu vực Miếu bà chúa xứ Núi Sam. Trong khi các nhà nghỉ, khách sạn tại đây đều có bãi xe riêng từ 20-30 chiếc/bãi. Đó là chưa nói bãi xe của Khu Du lịch cáp treo Núi Sam có thể chứa đến 2.000 xe ô tô lớn nhỏ, lại gần khu vực Miếu bà chúa xứ, rất thuận tiện cho khách hành hương thì lại bị cấm nên rất lãng phí”, nhiều người dân bức xúc cho biết.

Bãi xe rộng hơn 2.000 xe của Khu du lịch Cáp treo Núi Sam trở nên vô tác dụng vì biển cấm xe trên 16 chỗ của TP Châu Đốc.

Bãi xe rộng với sức chứa hơn 2.000 xe của Khu du lịch Cáp treo Núi Sam trở nên vô tác dụng vì biển cấm xe trên 16 chỗ của TP Châu Đốc.

 

Bãi giữ xe "chui" ngang nhiên "mọc" giữa UBND phường Núi Sam.

Bãi giữ xe "chui" ngang nhiên "mọc" giữa UBND phường Núi Sam.

Từ thông tin trên, chúng tôi đã đi thực tế xác minh, ghi nhận tình hình. Tại UBND phường Núi Sam có một bãi xe “chui” ngang nhiên hoạt động, giữ xe thu tiền trong trụ sở cơ quan nhà nước. Bãi xe này không hề có đăng ký hoạt động, biên lai hay phiếu thu mà thu tiền mặt theo ý muốn. Một xe ô tô loại 4-7 chỗ ngồi vào bãi xe “chui” này phải trả phí 50.000 đồng/xe, các xe lớn hơn thì từ 100.000 đồng/xe. Trong sân lúc nào cũng có từ vài chục xe ô tô lớn nhỏ đủ loại “Nhất là thứ bảy, chủ nhật có hàng trăm xe, không đủ chỗ đậu”, người phụ nữ tại bãi xe này nói. Theo tìm hiểu, chị B người túc trực điều hành xe ra vào bến bãi và thu tiền giữ xe là con gái của ông Lâm Văn Be, Trưởng ban Bảo vệ Dân phố phường Núi Sam. “Bãi xe này do ba tôi làm việc trong phường mười mấy năm rồi, có uy tín mới được giao. Nhiều người muốn vô đây lắm mà đâu có vô được. Ba tôi làm bãi xe này 8 năm rồi, mỗi năm nộp cho UBND phường Núi Sam 100 triệu đồng”, chị B nói rõ.

 

Trả lời Doanh nghiệp Việt Nam, ông Tuấn cho biết: “Việc UBND phường Núi Sam hình thành bãi xe, trước đó, UBND thành phố đã ra lệnh cấm triệt để việc giữ xe có thu phí cũng như việc tổ chức cho xe ô tô vào khu vực hành chính của phường Núi Sam. Thành phố sẽ kiểm tra lại và xử lý những ai vi phạm”, ông Tuấn nói. Còn ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định: “Việc trưng dụng trụ sở cơ quan nhà nước để làm bãi giữ xe rồi tổ chức cho thu phí là sai hoàn toàn. Việc này cứ lập đi lập lại và bị người dân phản ánh sau mỗi mùa lễ hội nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”.

Cần tạo điều kiện cho DN và người dân
Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, năm 2016 tỉnh ký cam kết trong chủ trương mời gọi đầu tư phát triển du lịch về việc kêu gọi đầu tư du lịch vào Khu Di tích quốc gia đặc biệt Núi Sam và phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các sở, ngành, chính quyền địa phương cần tôn trọng, tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư theo 3 tiêu chí: Đối với doanh nghiệp, phải đảm bảo tạo điều kiện và giữ đúng lời hứa ban đầu; tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh trong hệ sinh thái cùng hoạt động; đối với du khách hành hương, phải tạo điều kiện phục vụ tốt nhất. “Cả 3 tiêu chí này phải được đồng bộ với nhau, trong quá trình thực hiện phải có lộ trình, phải để doanh nghiệp, người dân địa phương tham gia để chủ động, có sự tính toán cho phù hợp theo từng thời điểm”, ông Thư nói.



Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm