Góc nhìn

Sập “bẫy lãi nặng”, doanh nghiệp xuất khẩu kêu cứu

DNVN - Là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có tiếng từ năm 2015, Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường (tỉnh Tiền Giang trước đây, nay là tỉnh Đồng Tháp) đang đứng trước bờ vực phá sản, hoạt động cầm chừng vì sập hàng loạt “bẫy lãi nặng”.

Vụ doanh nghiệp Phước Hải “chiếm” đất xây nhà máy: Chủ tịch tỉnh Trà Vinh chỉ đạo "nóng" / Cà Mau: Nhiều người dân phản ánh mắc bẫy lừa đảo khi bán đất

Năm 2015, Công ty TNHH Sản xuất Chế biến Nông sản Cát Tường đã tạo dựng được chuỗi liên kết từ vùng trồng, hộ nông dân, hợp tác xã và thị trường tiêu thụ, đáp ứng tiêu chuẩn Global Gap đưa nông sản Việt vào Mỹ, châu Âu và nhiều nước trên thế giới. Thời điểm này, Cát Tường là một trong những doanh nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu tại Việt Nam.

Từ những tranh chấp trong việc hợp tác kinh doanh, giữa năm 2020, 2 lãnh đạo công ty Cát Tường dính vào quyết định tố tụng từ tố cáo của đối tác, khiến các đầu mối xuất khẩu nông sản đi nước ngoài bị huỷ bỏ, nhiều tài sản bán tháo bán đổ, máy móc hoen rỉ… Doanh nghiệp buộc phải vay ngoài để hoạt động cầm chừng rồi sập hàng loạt “bẫy lãi nặng”.

Ông Trần Văn Sang (áo vest bên trái) và Đoàn Văn Sang trong buỗi lể công bố xuất khẩu lô vú sửa đầu tiên sang Hoa Ký

Ông Trần Văn Sang (áo vest bên trái) và Đoàn Văn Sang trong buổi lễ công bố xuất khẩu lô vú sữa đầu tiên sang Hoa Kỳ.

Bị vu khống, doanh nghiệp cầu cứu?

Ông Trần Văn Sang - Chủ tịch Hội đồng thành viên và ông Đoàn Văn Sang - Tổng Giám đốc công ty Cát Tường trình bày, thông qua một người bạn đã quen biết với ông Nguyễn Hồng Chương Giám đốc công ty Hồng Lĩnh, biết phía Cát Tường sở hữu giống thanh long vỏ vàng, ruột trắng, tai xanh nên ông Chương đã tới tham quan và đề cập hợp tác.Trên cơ sở đó, cuối tháng 4/2019, công ty Cát Tường do ông Đoàn Văn Sang làm đại diện và công ty Hồng Lĩnh do ông Chương làm đại diện, ký thỏa thuận hợp tác kinh doanh.

Theo thỏa thuận, hai bên góp vốn thành lập liên doanh sản xuất, chế biến trái cây. Cụ thể, bên Cát Tường góp vốn bằng giống cây thanh long vỏ vàng, ruột trắng, tai xanh, trị giá 610 tỷ đồng và hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, xây dựng nhà máy chế biến, bao tiêu sản phẩm. Bên Hồng Lĩnh góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất 500ha, hạ tầng trên đất, giá trị 510 tỷ đồng và nguồn tài chính 610 tỷ đồng. Trong thời hạn 90 ngày từ khi ký hợp tác, phía Hồng Lĩnh có trách nhiệm ứng trước cho Cát Tường là 150 tỷ.

Khi phía Hồng Lĩnh chuyển cho Cát Tường 90 tỷ đồng, ngày 27/5/2019 liên doanh mới là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông nghiệp công nghệ cao Hồng Lĩnh Cát Tường được thành lập, vốn điều lệ 300 tỷ đồng (ông Nguyễn Hồng Chương nắm 70% cổ phần; ông Trần Văn Sang, Đoàn Văn Sang chia đều 30% cổ phần). Liên doanh này do ông Trần Văn Sang làm đại diện pháp luật.

Từ đó, 2 bên xảy ra tranh chấp khi phía Hồng Lĩnh không chịu nghiệm thu số giống Cát Tường chuyển đến, còn Cát Tường phát hiện khu đất mà Hồng Lĩnh đưa vào góp vốn bị UBND tỉnh Bình Thuận thanh tra, chỉ ra sai phạm và bị buộc khôi phục lại hiện trạng. Sau nhiều lần trao đổi qua lại bằng văn bản không thành, ông Nguyễn Hồng Chương, đại diện Hồng Lĩnh có đơn tố cáo ông Trần Văn Sang, Đoàn Văn Sang đến Công an tỉnh Tiền Giang.

Từ tháng 2/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang có quyết định tạm hoãn xuất cảnh với 2 ông Sang để phục vụ điều tra, rồi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên cơ sở tố cáo của ông Chương. Hiện vụ án này đã tạm đình chỉ.

Quy trình chế biến thanh long của Công ty Cát Tường

Quy trình chế biến trái cây bên trong nhà máy của công ty Cát Tường.

Theo ông Trần Văn Sang, sự việc kéo dài hơn 5 năm nay nhưng chưa được giải quyết và cho rằng mình bị vu khống, nên ngày 20/6 vừa qua, ông và ông Đoàn Văn Sang làm đơn tố cáo ông Nguyễn Hồng Chương đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, với nguyện vọng được minh oan để hồi sinh hoạt động của doanh nghiệp, nhằm tạo công ăn việc làm cho công nhân người lao động tỉnh nhà.

“Từ khi bị dính vào vụ án rồi tạm đình chỉ, đến nay những hệ lụy thật khủng khiếp. Các đầu mối xuất khẩu nông sản của chúng tôi đi nước ngoài phần nhiều huỷ bỏ, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, nhiều tài sản bán tháo bán đổ, máy móc hoen rỉ… chịu nợ xấu tại các tổ chức tín dụng rồi liên tiếp sập “bẫy lãi nặng” bên ngoài”, ông Trần Văn Sang nói.

Dấu hiệu vay lãi 3.650%/năm?

Theo hồ sơ, từ đầu năm 2022 đến cuối năm 2024, do cần tiền duy trì hoạt động công ty nên ông Trần Văn Sang có phát sinh nghĩa vụ tài chính và dính đơn kiện với một số cá nhân tại các TAND TP Mỹ Tho, huyện Tân Phước và tỉnh Tiền Giang (thời điểm trước khi sáp nhập tỉnh).

Bị xử thua ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm nên ông Sang đã có đơn kháng nghị giám đốc thẩm lên VKSND cấp cao và yêu cầu tòa án chuyển hồ sơ qua cơ quan cảnh sát điều tra vì cho rằng, các hợp đồng vay trên đều ký giả cách, trên thực tế là vay lãi nặng. Sau đó, hàng loạt vụ bị tòa cấp cao tại TP Hồ Chí Minh hủy bản án phúc thẩm, giao hồ sơ cho tòa sơ thẩm xét xử lại. Đồng thời, một số vụ được chủ nợ tự nguyện nộp đơn xin tái thẩm rồi rút đơn kiện.

Ông Sang cho biết, bà Cao Lê Thùy Vi (nhân viên công ty Cát Tường), lợi dụng tình hình khủng hoảng do công ty Hồng Lĩnh gây ra đã cấu kết với một số người bên ngoài cho công ty vay đáo hạn ngân hàng, tuy nhiên các khoản vay đều là lãi nặng nhằm chiếm đoạt tài sản công ty. Điển hình là vụ của ông Trần Văn Thôi và ông Mai Công Tiếp (cháu ruột ông Thôi).

Từ khoản nợ tiền mua thanh long chỉ hơn 6 tỷ đồng, ông Thôi đã ép buộc ông ký giấy nợ hơn 97 tỷ đồng, rồi câu kết với ông Tiếp ép buộc ký hợp đồng chuyển nhượng 8 thửa đất có giá trị hơn 100 tỷ đồng, với hình thức đứng dùm để vay ngân hàng gán nợ ông Thôi và một số người khác. Ngày 19/5/2020 tại công ty Cát Tường, ông Mai Công Tiếp đã đưa người của văn phòng công chứng Chợ Gạo lên để chuyển nhượng 8 thửa đất trên.

“Thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng có sự chứng kiến của bà Bùi Thị Mười, ông Phan Văn Hiền và bà Nguyễn Thị Hồng Phượng. Bởi, chính tôi là người đã nhờ bà Mười vay của bà Phượng số tiền là 100 triệu đồng để trả phí công chứng. Lúc ký hợp đồng ông Tiếp có đưa tôi ký nhiều giấy A4 trống, để ông tự đi làm thủ tục vay ngân hàng (thực chất ghi nội dung thuê đất). Sau đó, ông Tiếp bội tín khởi kiện ra TAND huyện Tân Phước, chúng tôi bị tuyên tôi trả cho ông Tiếp số tiền thuê đất 500 triệu đồng và buộc trả lại 8 thửa đất và tài sản gắn liền trên đất cho ông Tiếp.

Đối với vụ án này, trong bản án có giành quyền lại khởi kiện, nên tôi đã nộp đơn khởi kiện ở tòa án huyện Tân Phước. Mặc dù có thông báo thụ lý ngày 3/1/2025 của tòa Tân Phước, nhưng ngày 24 - 25/2 vừa qua, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Phước đã cưỡng chế buộc tôi giao đất cho ông Tiếp”, ông Trần Văn Sang bức xúc.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Cát Tường

Trung tâm nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Cát Tường, nằm trên 8 thửa đất có giá trị hơn 100 tỷ đồng hiện đã bị thi hành án giao cho ông Tiếp.

Ngày 28/5 vừa qua, TAND TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang trước đây) mở lại phiên tòa xét xử vụ “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, giữa ông Trần Văn Thôi và ông Trần Văn Sang. Hiện, phiên tòa tạm dừng do yêu cầu giám định chữ ký của ông Thôi trong các phiếu chi của công ty Cát Tường. Đây là một trong những vụ liên quan đến tranh chấp về hợp đồng vay tài sản liên quan đến ông Sang, mà tòa án cấp cao quyết định giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang trước đây, do có dấu hiệu cho vay nặng lãi.

Liên quan đến vụ tranh chấp này, tại quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án số 257, ngày 30/9/2022 của TAND tỉnh Tiền Giang trước đây, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh nhận định, căn cứ các chứng cứ, đối chiếu bảng kê chi tiết công nợ giữa 2 bên với biên nhận giấy vay tiền ngày 8/4/2020 (âm lịch), thì có sự chênh lệch rất lớn về số tiền vay mượn và số tiền mua bán thanh long, nên chưa đủ căn cứ để chứng minh ông Sang nợ ông Thôi số tiền hơn 97 tỷ đồng.

“Theo các phiếu chi số PC19020121 ngày 28/2/2019, Công ty Cát Tường có chi cho ông Thôi số tiền 105 triệu đồng, lý do chi tiền lãi món 6 tỷ mượn ngày 27 và 28/2/2019. Tương tự, ngày 19/3/2019, chi thanh toán tiền mượn ngoài (gốc + lãi) số tiền hơn 7 tỷ; ngày 8 - 9/4/2019, chi trả tiền mượn Trần Văn Thôi hơn 12,7 tỷ đồng và ngày 10/4/2019, chi tiền mặt gốc + lãi Trần Văn Thôi (anh Lức) hơn 3,7 tỷ đồng. Đối chiếu số tiền trả trên số tiền vay có cơ sở thể hiện ông Sang vay của ông Thôi theo hình thức vay ngày, lãi suất 10%/ngày (tương đương 3.650%/năm)”, quyết định kháng nghị giám đốc thẩm tòa cấp cao nêu rõ.

Đồng thời, VKSND cấp cao cho rằng, ông Sang có đơn tố cáo ông Thôi tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang về hành vi cho vay lãi nặng là có cơ sở xem xét làm rõ trước khi đưa vụ tranh chấp ra giải quyết bằng pháp luật dân sự, nhưng tòa sơ thẩm và phúc thẩm không chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra giải quyết trước theo thủ tục tố tụng dân sự là không đúng quy định pháp luật.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm