Cần Thơ: Doanh nghiệp gặp khó vì chờ đấu giá bến đò
Lộn xộn bãi tập kết hàng hóa tự phát ở Khu kinh tế Cửa khẩu Tịnh Biên / Nghệ An: Chặn tình trạng “phát triển nóng” , “đóng băng” bất động sản
Nhiều lần kiến nghị vẫn chưa tổ chức đấu giá để hoạt động
Theo ông Thái Công Danh - Phó Chủ tịch Hợp tác xã Giao thông vận tải Thành Lợi (chủ bến Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), bến của hợp tác xã được quy hoạch theo nghị quyết số 119/NQ-HĐND và được cấp thẩm quyền cấp phép hoạt động nhiều lần và lần cấp phép hoạt động gần đây nhất vào ngày 5/4/2024. Còn bến Cồn Khương (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) được quy hoạch theo quyết định số 2047/QĐ-UBND là bến do nhà nước đầu tư, là tài sản công được đấu giá để thu ngân sách cho địa phương.
Bến đò Cồn Khương (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) từng được UBND quận Ninh Kiều phê duyệt kết quả đấu giá tại quyết định số 3554/QĐ-UBND ngày 11/6/2018, với giá hơn 16 tỷ đồng. Sau nhiều năm hết hạn vẫn chưa tổ chức đấu giá lại.
“Phía hợp tác xã đã nhiều lần ký kết đối lưu với bến Cồn Khương từ lúc hoạt động đến nay. Thực hiện theo nội dung trong biên bản của Phòng Quản lý Đô thị quận Ninh Kiều ngày 23/7/2018 về việc thỏa thuận bến đối lưu cho bến khách ngang sông tại Cồn Khương là kể từ ngày 31/7/2018 đến nay vẫn còn hiệu lực. Nhưng đến tháng 4/2020 thì chủ bến Cồn Khương tự ý dừng hoạt động nên phía bến Thạnh Lợi cũng không thể hoạt động được, nhiều tài sản đã xuống cấp khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản và khó khăn cho người dân địa phương 2 bên khi qua lại lao động, học tập, vận chuyển hàng hóa, giao thương”, ông Danh cho biết.
Theo ông Danh, quyền khai thác bến đò Cồn Khương đã hết hạn vào tháng 7/2021, đến cuộc họp giao ban của lãnh đạo vào tháng 1/2024, ông Ánh đã từng giao phòng quản lý đô thị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu UBND quận tổ chức đấu giá, khai thác bến đò Cồn Khương trong tháng 2/2024.
Đến thời điểm này, phía bến Thành Lợi đã gửi rất nhiều văn bản kiến nghị, khiếu nại tới các cơ quan ban ngành có thẩm quyền và cũng nhận được nhiều văn bản phản hồi của các cơ quan trên nhưng đến nay bến Cồn Khương vẫn chưa tổ chức đấu giá để hoạt động.
“Bến đang hoạt động đã được quy hoạch tại sao không tổ chức đấu giá khai thác để đem lại nguồn thu cho ngân sách, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương giữa 2 địa phương. Trước đây, bến này đã từng đấu giá và được UBND quận Ninh Kiều phê duyệt kết quả đấu giá tại quyết định số 3554/QĐ-UBND ngày 11/6/2018, cho ông Huỳnh Quang Thoại với giá hơn 16 tỷ đồng”, ông Danh thắc mắc.
Phía bến Cồn Khương tự ý dừng hoạt động, nên phía bến Thạnh Lợi cũng không thể hoạt động được, nhiều tài sản đã xuống cấp khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.
Còn theo ông Nguyễn Thành Trung - Thành viên Hợp tác xã Thành Lợi, bến phà Thành Lợi được đầu tư hơn 11 tỷ đồng gồm: bến bãi và 3 chiếc phà (vốn góp từ 28 xã viên).
“Bến đò Cồn Khương hoạt động từ năm 2012, mỗi ngày có khoảng 2.000 lượt người cùng phương tiện đi đò qua sông, khi bến còn hoạt động, là lựa chọn thuận tiện cho người dân huyện Bình Tân (Vĩnh Long) sang làm ăn tại TP Cần Thơ. Hiện nay để qua lại, các hộ dân và tiểu thương ở hai địa phương này đã phải di chuyển khoảng 3km (phía Cần Thơ) đến gần 10km (phía Vĩnh Long) để di chuyển trên một bến phà tư nhân.
Hơn thế nữa, bến đò cũng tạo thu nhập chính cho các xã viên của hợp tác xã, từ khi bến dừng hoạt động không những họ mất thu nhập. Đến nay, bến bãi, các phương tiện đã rất xuống cấp, hợp tác xã đã bán đi một chiếc phà để có chi phí duy tu, bảo dưỡng 2 chiếc còn lại. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ hợp tác xã phải bán luôn các phương tiện còn lại”, ông Trung lo lắng.
Cơ quan quản lý nói gì?
Liên quan đến bến tư nhân tại vị trí bến phụ của bến phà Cần Thơ cũ trên đường Trần Phú mà phía Hợp tác xã Thành Lợi phản ánh, trước đó vào đầu tháng 5/2024, ông Trần Văn Hiếu - Phó Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều từng thông tin với báo chí, sau khi được giao quản lý, đơn vị rà soát lại và nhận thấy bến phà qua sông Hậu này chưa đủ điều kiện pháp lý để cấp phép mới.
Cụ thể, phần diện tích hàng trăm mét vuông đất và đường vào bến đò ngang hiện vẫn giao cho Công ty Cổ phần quản lý khai thác cầu Cần Thơ. Tuy nhiên, trong phương án của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) năm 2014 về việc xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu của công ty lại không thể hiện diện tích đất này. Vì thế, đất này vẫn thuộc quyền của Bộ GTVT nên hợp đồng giữa công ty và chủ bến đò ngang không đảm bảo tính pháp lý.
Phía chủ bến cũng không trình được hợp đồng thuê mặt nước để phục vụ hoạt động bến đò với sở tài nguyên và môi trường theo quy định nhưng nhận thấy nhu cầu đi lại của người dân hai bên bờ sông Hậu, đặc biệt là người lao động nghèo vì vậy thống nhất gia hạn hoạt động cho bến phà Cần Thơ đến hết tháng 6/2024, trùng với thời gian hết hạn giấy phép của phà Bình Minh (Vĩnh Long).
Trong quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa TP Cần Thơ từ năm 2021 - 203, bến phụ phà Cần Thơ (đường Trần Phú) qua thị xã Bình Minh bị xem xét xóa bỏ.
Trong văn bản phản hồi với Doanh nghiệp Việt Nam vào ngày 7/11/2024, UBND quận Ninh Kiều khẳng định, trước đây, Sở GTVT TP Cần Thơ đã ban hành quyết định số 789 ngày 23/6/2021 và công văn số 1779 ngày 21/6/2022 về việc công bố và gia hạn hoạt động bến khách ngang sông bến đò Cần Thơ qua thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) do bà Nguyễn Thị Lệ Thủy làm chủ bến.
Đến ngày 7/9/2023, UBND TP Cần Thơ ban hành quyết định phân cấp thẩm quyền cho quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ quản lý hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Do đó, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy có hồ sơ đề nghị công bố hoạt động bến khách ngang sông trên đường Trần Phú. Qua kiểm tra, hồ sơ chưa đủ điều kiện theo quy định nên UBND quận đã đề nghị bà Thủy cung cấp đầy đủ hồ sơ, thủ tục có liên quan, làm cơ sở xem xét giải quyết theo quy định.
Còn về việc chậm tổ chức đấu giá, ông Nguyễn Ngọc Ánh - Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết, hiện UBND quận đã thành lập hội đồng xác định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa tại Cồn Khương và đã tổ chức khảo sát, kiểm đếm số lượng phương tiện, người, hàng hóa… được vận chuyển tại các bến đò, phà lân cận làm cơ sở đề xuất giá khởi điểm theo quy định.
Ngày 1/10/2024, hội đồng xác định giá khởi điểm đã tổ chức họp thông qua, thống nhất đề xuất giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác. Đến ngày 21/10, UBND quận đã có tờ trình đề nghị sở tài chính thành phố thẩm định, trình UBND thành phố xem xét phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa tại Cồn Khương. Do đó, sau khi UBND thành phố phê duyệt giá khởi điểm, quận sẽ tổ chức đấu giá lựa chọn đơn vị khai thác theo quy định và hoạt động lại bến khách ngang sông tại Cồn Khương theo quy định.
Liên quan đến việc khai thác, quản lý các bến khách ngang sông, theo quyết định số 2047, ngày 8/8/2017, về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa TP Cần Thơ từ năm 2021 - 2030, thì bến đò Cồn Khương qua huyện Bình Tân (Vĩnh Long) được quy hoạch bến loại I; bến phụ phà Cần Thơ (đường Trần Phú) qua thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) xem xét xóa bỏ.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo