Google và xu hướng bán hàng trực tuyến sang trực tiếp
Tháng trước, Google cho biết hãng đã kí kết hợp đồng thuê lại khu đất có diện tích gần 750 m2 tại số 131 đường Green trong khu phố thương mại cao cấp Manhattan, Mỹ. Cửa hàng đầu tiên của Google sẽ sớm được khai trương và tập trung chủ yếu vào mảng tiện ích và công nghệ.
Lợi thế của Google là danh tiếng rất tốt cho dù là nhờ vào sản phẩm hay dịch vụ mà hãng cung cấp. Sau gần 15 năm phát triển, Google đã xây dựng được thương hiệu vững bền nhờ công nghệ tìm kiếm, hệ điều hành Android và công nghệ lái xe tự động. Theo các nhà phân tích, thách thức của Google khi mới gia nhập thị trường bán lẻ cũng có thể chuyển thành lợi thế nếu hãng sẵn sàng tập trung vào việc thu thập thông tin cá nhân của khách hàng.
Không chỉ có Google mà các hãng công nghệ lớn khác như Apple, Samsung, Microsoft, thậm chí là eBay cũng quay trở lại thị trường bán lẻ trực tiếp truyền thống.
Cũng như Google, Microsoft cũng là một công ty phần mềm. Nhưng với việc thúc đẩy thiết bị phần cứng và hệ điều hành máy tính để bàn, không khó hiểu vì sao Microsoft lại phát triển hệ thống bán lẻ. Cửa hàng đầu tiên của hãng được khai trương tại Arizona, Mỹ vào tháng 10 năm 2009. Hiện nay, Microsoft có khoảng 63 cửa hàng trải khắp Bắc Mỹ.
Năm 2013, Apple đã mở thêm 26 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng bán lẻ của hãng lên 416. Còn Samsung cũng đã mở thêm 60 cửa hàng mới tại châu Âu trong vòng 3 tháng để cạnh tranh với Apple tại thị trường này.
Bản thân Google cũng đã có một số cửa hàng trưng bày tại một số thành phố lớn tại Mỹ. Vậy đâu là lý do những gã khổng lồ công nghệ với truyền thống bán hàng trực tuyến lại quay lại những trung tâm mua sắm trực tiếp với khách hàng?
Trực tuyến hay trực tiếp
Trong khi sự cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến đang ngày càng sôi động, nhiều công ty lại lao đầu đầu tư vào các cửa hàng bán lẻ. Theo các chuyên gia, các cửa hàng này mang lại những trải nghiệm mà những hình thức mua bán qua mạng không thể đem lại cho khách hàng.
Bên cạnh việc tìm kiếm những cơ hội phát triển mới, các công ty cũng mở thêm các cửa hàng bán lẻ để xây dựng bức tranh tổng quan về thái độ khách hàng. Họ sẽ trực tiếp nhận được những góp ý về sản phẩm hay dịch vụ của công ty.
Bên cạnh đó, theo Faith Hope Consolo, giám đốc bộ phận bán hàng của Douglas Elliman, “Mua sắm là một loại hoạt động xã hội, và người tiêu dùng muốn nhìn thấy, cảm nhận và thử trước sản phẩm mình muốn mua. Đó chính là lợi thế của các cửa hàng trực tiếp”.
Cũng đồng quan điểm với Consolo, Christian Davies, giám đốc điều hành Americas tin rằng các cửa hàng trực tiếp mang lại cơ hội giao tiếp với khách hàng theo cách mà cho dù những website bán hàng tốt nhất cũng không thể mang lại. Khách hàng được tiếp cận trực tiếp với thương hiệu một cách cá nhân và phù hợp hơn”.
Theo eMarketer, mặc dù thị phần của bán lẻ trực tiếp không tăng, nhưng nó vẫn chiếm tới 92% tổng giá trị giao dịch hiện nay.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng thương mại điện tử đang tạo nên bước đột phá trong thị trường hiện nay nhờ sự thuận tiện khi mua sắm cho người dùng hay tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng cho công ty và nhà suất.
Bởi vậy, rất nhiều công ty đã lựa chọn cả hai cách tiếp thị để thúc đẩy doanh số. Và có lẽ đây chính là sự lựa chọn khôn ngoan nhất để thành công.
End of content
Không có tin nào tiếp theo