Văn hóa

Goong, Chinh trong đời sống của người S'Tiêng

Goong, Chinh, Goong Xơn Gănt hay còn gọi là Cồng, Chiêng không chỉ là một nhạc cụ đơn thuần mà còn là tài sản vô giá, văn hóa tiêu biểu của người S’Tiêng sinh sống trên mảnh đất Bình Phước. Goong, Chinh được người S’Tiêng lưu giữ, sáng tạo trong suốt quá trình lao động sản xuất, được kế thừa qua nhiều thế hệ.

Theo kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2013, 2014 Bình Phước có khoảng 267 bộ Goong, Chinh, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh có số Goong, Chinh lớn nhất với 45 hộ, xã Bình Minh huyện Bù Đăng có đến khoảng 110 nghệ nhân của 4 sóc biết đánh Goong, Chinh. Một số địa phương xã Lộc An, Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh; xã An Khương, huyện Hớn Quản; xã Thanh Phú, huyện Bình Long; xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập xã Thống Nhất, thị trấn Đức Phong, huyện Bù  Đăng; xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp việc kế tục truyền thống đánh Goong, Chinh được lưu giữ thông qua các đội, Câu lạc bộ đánh Goong, Chinh.

Trước khi mang Goong, Chinh ra biểu diễn trong các dịp nghi lễ, lễ hội, người S’Tiêng phải làm lễ cúng Thần, lễ vật cúng thường có gồm có gà, cơm ống (Spiêng prong),  rượu cần…

Goong, Chinh của người S’Tiêng gồm có hai loại: Goong (Cồng) có 5 loại có độ lớn khác nhau, mặt có núm, cái lớn nhất có kích thước khoảng 58 đến 62 cm chủ yếu phổ biến ở nhóm người Bu Đel, Chinh (Chiêng) phổ biến ở nhóm người S’ Tiêng Bù Lơ gồm có 6 cái, cái lớn nhất có kích thước 42 đến 46 cm và nhỏ nhất có kích thước 26cm.

Nếu Cồng chiêng Tây Nguyên người đánh chủ yếu là nam giới thì với người S’Tiêng đánh Goong, Chinh có cả nam và nữ. Người đàn ông thường đóng khố, phụ nữ mặc váy ngắn, đi chân đất, dùng tay đấm mặt Chinh, dùng dùi để đánh vào mặt chính Goong.

Goong, Chinh, Goong Xơn Gănt hay còn gọi là Cồng, Chiêng không chỉ là một nhạc cụ đơn thuần mà còn là tài sản vô giá, văn hóa tiêu biểu của người S’ Tiêng sinh sống trên mảnh đất Bình Phước. 

Ngày xưa, mỗi lần mang Goong, Chinh ra đánh trong các dịp lễ hội của đồng bào, Goong, Chinh được bôi máu của các con vật như trâu, gà hoặc được rửa qua rượu cần, mục đích để Goong, Chinh phát ra âm thanh, tiết tấu chuẩn, giai điệu nhịp nhàng, do lâu ngày Goong, Chinh không được đánh.

Khi biểu diễn người đánh xách Goong, Chinh bằng tay trái, tay phải đấm, đánh dùi vào mặt Goong, Chinh, lưng hơi khom, đoàn người tạo thành một hàng đi vòng quanh đống lửa, cây nêu theo chiều vận động của mặt trời ngược chiều kim đồng hồ, dàn âm thanh Goong, Chinh có cấu trúc khá chặt chẽ, mỗi chiếc Goong, Chinh trong dàn, tùy  theo vị trí đánh nhưng phải phù hợp với trật tự , chặt chẽ về cao độ, sắc thái, tính chất âm thanh nhịp điệu, tiết tấu khi hòa tấu vào dàn Goong, Chinh.

Trong phấn lớn những sinh hoạt nghi lễ và lễ hội của người S’Tiêng Goong, Chinh chiếm một vị trí quan trọng, Goong, Chinh gắn bó vòng đời người S’Tiêng từ lúc sinh ra cho đến trưởng thành, về với tổ tiên, từ trong chiến đấu đến lao động sản xuất.

Khi chào đời, đứa trẻ đã được thưởng thức âm thanh của tiếng Goong, Chinh trong lễ thổi tai. Khi lớn lên tiếng Goong, Chinh theo người S’Tiêng trong lễ cột chỉ tay, lễ trưởng thành, lễ mừng sức khỏe...

Khi biểu diễn người đánh xách Goong, Chinh bằng tay trái, tay phải đấm, đánh dùi vào mặt Goong, Chinh, lưng hơi khom, đoàn người tạo thành một hàng đi vòng quanh đống lửa, cây nêu theo chiều vận động của mặt trời ngược chiều kim đồng hồ. 

Trong hôn nhân của người S’Tiêng, trai gái tìm đến nhau thông qua tiếng Goong, Chinh để gửi gắm, giãi bày  những tâm tư, tình cảm,  vừa là sính lễ, nhạc cụ tạo không khí vui tươi, rộn ràng trong ngày tổ chức lễ cưới:

 

Bùng! Bùng! Bùng/Tiếng Goong bay qua mười sông/Để thông báo: Gia đình nhà trai chúng tôi có nhiều Goong, Chinh/Có nồi to,nồi nhỏ/Có Chinh kêu rất rõ/Có Goong kêu rất vang.

Trong đám tang, khi người S’Tiêng nằm xuống đánh 3 tiếng liền không nghỉ mà vẫn vang xa thì đó là dấu hiệu trong buôn sóc có đám tang. Goong, Chinh như tiếng khóc than tưởng nhở về người đã khuất và thông điệp nhắn nhủ người ở lại trong gia đình, gắn bó, quan tâm đến nhau.

Goong, Chinh còn xuất hiện trong các nghi lễ liên quan đến vòng sinh trưởng của cây trồng như  lễ trỉa hạt, lễ mừng lúa trưởng thành, lễ thu hoạch lúa, lễ rước hồn lúa về kho, lễ lên nhà lúa, lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa… Âm thanh của Goong, Chinh như là nhạc cụ thiêng, một nhịp cầu nối giữa con người với  thế giới thần linh…

 Trong các nghi lễ và lễ hội cộng đồng như lễ lập làng, lễ dựng nhà, lễ mừng nhà mới, lễ mừng chiến thắng, lễ đón năm mới, Goong, Chinh được vang lên để cầu xin thần Yang Liêng, thần trời, thần đất, thần núi, thần nước, thần sông suối phù hộ cho dân làng  sức khỏe, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở. Âm thanh tiếng Goong, Chinh hòa quyện cùng với  tiếng kèn, sáo trong những vũ điệu múa uyển chuyển, đa dạng làm cho không khí trong các nghi lễ, lễ hội  thêm tưng bừng, sôi nổi và linh thiêng. Tiếng Goong, Chinh cứ bập bùng, cùng với đôi tay mềm dẻo, bước chân nhịp nhàng, rộn rã hết giờ này đến giờ khác, vang xa cả một vùng núi rừng.

Trong các nghi lễ và lễ hội cộng đồng như lễ lập làng, lễ dựng nhà, lễ mừng nhà mới, lễ mừng chiến thắng, lễ đón năm mới, Goong, Chinh được vang lên để cầu xin thần Yang Liêng, thần trời, thần đất, thần núi, thần nước, thần sông suối phù hộ cho dân làng  sức khỏe, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở. 

Không gian văn hóa Goong, Chinh của người S’Tiêng là một trong những hiện tượng văn hóa đặc sắc trong đời sống văn hóa vật chất, tinh thần trong cộng đồng các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Bình Phước. Goong, Chinh của người S’ Tiêng đã và đang góp phần quan trọng cho văn hóa âm nhạc Việt Nam những sắc thái đa dạng, phong phú, mới mẻ.

 

Song, cũng như các nền văn hóa dân tộc khác trong khu vực, Goong, Chinh của người S’ Tiêng ở Bình Phước đang đứng trước những thách thức, nguy cơ bị mai một một cách nhanh chóng  khi những nghệ nhân, những người biết đánh Cồng, Chiêng, những người biết chỉnh Goong, Chinh chết đi, thế hệ trẻ là con em người S’Tiêng không được truyền dạy, một số nơi, khu vực trên địa bàn tỉnh hiện nay, hiện tượng người S’Tiêng theo đạo Tin lành đang diễn khá phổ biến, đây là một trong số những nguyên nhân làm cho các dàn Goong, Chinh bị bỏ đi, không còn được sử dụng đến, nhiều dàn Goong, Chinh quý bị bán cho các thương lái buôn đồ cổ.

Chính vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Goong, Chinh cần được quan tâm giữ gìn để Không gian văn hóa Goong, Chinh của người S’Tiêng không chỉ là món ăn tinh thần trong đời sống nghi lễ, lễ hội hàng ngày mà còn góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa riêng đối với mảnh đất, con người Bình Phước.

Nên đọc
Theo Thế giới di sản
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo