GP.Bank có bị mua lại?
NHTMCP Đại Dương (OceanBank) vừa là cái tên tiếp theo sau NHTMCP Xây dựng (VNCB) được Ngân hàng nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng. Như vậy kể từ đầu năm đến nay, NHNN đã trực tiếp “ra tay” với 2 ngân hàng (NH) nhằm thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, qua đó nhằm lành mạnh và củng cố hoạt động hệ thống NH. Dư luận hiện quan tâm, cái tên nào sẽ được xướng lên tiếp theo sau VNCB và OceanBank?
Theo dõi chuỗi thông tin suốt thời gian vừa qua liên quan đến các thương vụ sáp nhập (M&A) và mua lại, ngoài 2 cái tên đã được định đoạt kể trên, cái tên NHTMCP Dầu khí toàn cầu (GP.Bank) xem ra được thị trường khá quan tâm và theo dõi. Với thông tin đồn thổi rằng, GP.Bank sẽ về chung một nhà với một lớn quốc doanh, nhưng tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của ông lớn này vừa diễn ra cuối tháng 4, các thông tin về việc sáp nhập với một NH khác có được nhắc tới, nhưng cái tên đó không phải là GP.Bank.
Trở lại với thông tin liên quan đến GP.Bank, vào ngày 2.3, phía NHNN gợi mở, họ có thể mua lại GP.Bank, bước tiếp theo tương tự như với VNCB nếu GP.Bank không thể tự tăng vốn. Ngay sau khi nhận được hồi chuông cảnh báo từ lãnh đạo NHNN, ông Phạm Quyết Thắng - TGĐ GP.Bank, đã trả lời trên báo chí rằng: “Thời gian vừa qua, ngoài các đối tác nước ngoài cũng có nhiều đối tác trong nước đến tìm hiểu và họ đã nhận thấy GP.Bank là NH ổn định, có những nền tảng cơ bản rất tốt nên đã quyết định đầu tư vào”.
Theo đó, GP.Bank cũng đã tiến hành lựa chọn được các đối tác trong nước là các cá nhân, doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, có khả năng và kinh nghiệm quản lý, điều hành.
Ông Thắng khẳng định với quyết tâm tái cơ cấu của ban lãnh đạo NH cùng với sự trợ giúp đắc lực từ các đối tác chiến lược này, GP.Bank sẽ sớm hoàn thành công cuộc tái cơ cấu NH theo như chỉ đạo của NHNN.
Có một thông tin đáng chú ý mà ông Thắng đưa ra là: “Phương án của chúng tôi tuân thủ đúng theo chủ trương tái cơ cấu của NHNN. Do đó, với quyết tâm của các bên và dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng phương án tái cơ cấu của NHNN, tôi tin tưởng mọi công việc sẽ hoàn tất trong thời gian tới”.
Xâu chuỗi các thông tin trên, người lạc quan trong cuộc có thể cho rằng một kịch bản tương tự như đối với VNCB và OceanBank sẽ không xảy ra, bởi họ cho rằng, sau khi có cảnh báo, NH của họ đã quyết liệt tự tái cấu trúc, thể hiện bằng động thái chấn chỉnh hoạt động của nhà băng này… Còn đối với người ngoài cuộc, có thể họ lại cho rằng, một kịch bản tương tự của GP.Bank sẽ diễn ra như đã diễn ra với VNCB và OceanBank, bởi các thông tin về GP.Bank suốt từ đầu năm đến nay là khá ít ỏi, không rõ quá trình tái cơ cấu của nhà băng này đã đạt được kết quả gì, lấy cơ sở nào làm thước đo cho rằng quá trình tái cơ cấu đã diễn ra thành công…
Có thể nói, việc NHNN phải mua lại các NH yếu kém với giá 0 đồng là việc “cực chẳng đã”, nhưng với vai trò là cơ quan quản lý, với trách nhiệm của hệ thống, NHNN buộc phải làm như vậy. Với GP.Bank, cho dù với kịch bản nào, không thể phủ nhận một điều, họ đang nỗ lực nắm lấy cơ hội được cho là cuối cùng này để tự thân trở lại và có thể khẳng định mình trên thị trường.
Được biết hiện GP.Bank đã bị âm vốn quá sâu, trước đó, NHNN cũng đã từng có công văn gửi đến NH Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đề nghị NH này xem xét nhận GP.Bank vào hệ thống. Tuy nhiên lãnh đạo NH này đã từ chối với lý do đang còn phải đầu tư vào hệ thống sau khi sáp nhập với Cty dịch vụ Tiết kiệm bưu điện. Trong số 9 NH yếu kém buộc phải tái cơ cấu từ năm 2012, GP.Bank là NH còn lại duy nhất vẫn chưa có phương án khả thi trong khi 8 NH còn lại đã hoàn thành công cuộc tái cơ cấu thành công
Theo Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Cột tin quảng cáo