GS.TS Trần Quang Hải: Hành trình đưa ví, dặm đến di sản thế giới
Hát ví, dặm đã quen thuộc với công chúng khi đi vào văn chương, nghệ thuật. Ai mà chẳng từng nghe: “Giữa Mạc Tư Khoa/ Rừng dương như trầm lặng/ Mà nghe câu dặm/ Rằng hết giận rồi thương…” hay “Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu ví/ Nhớ làng Sen từ thuở ấu thơ”. Những câu hát dân gian đặc sắc của xứ Nghệ đang tiến gần đến ngày được công nhận di sản văn hóa phi vật thể - cách hữu hiệu góp phần bảo vệ gìn giữ, tránh biến đổi, thất truyền
(Thethaovanhoa) - Hồ sơ hát ví, hát dặm Nghệ An và Hà Tĩnh đang được xây dựng và hoàn thiện để có thể trình lên UNESCO xem xét công nhận vào năm 2014.
Về với ví, dặm
Hội thảo thẩm định hát ví và hát dặm diễn ra từ ngày 18 - 20/6 tại chính quê hương ví, dặm, là hoạt động quan trọng để Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và các cơ quan phối hợp hoàn chỉnh hồ sơ. Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ VH, TT&DL) được giao chủ trì sự kiện.
GS.TS dân tộc nhạc học Trần Quang Hải (sinh năm 1944 ở Thủ Đức, TP.HCM, định cư tại Paris từ 1961) là người bền bỉ nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu, biểu diễn truyền bá nhạc dân tộc Việt Nam khắp thế giới. Ông vừa trở về nước sáng 17/6 để tham dự hội thảo.
Cha của GS Hải - GS.TS Trần Văn Khê (SN 1921, sang Pháp năm 1948, hồi hương về TP.HCM từ 2003), từng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương ở Paris, Phó Chủ tịch Hội đồng quốc tế âm nhạc của UNESCO và cũng chính là người đã đóng góp rất lớn cho hai hồ sơ Nhã nhạc cung đình Huế và Cồng chiêng Tây Nguyên.
Tiếp nối con đường của cha - Tiến sĩ âm nhạc dân tộc đầu tiên trên đất Pháp, GS. TS Trần Quang Hải là hội viên của nhiều hội nghiên cứu lớn trên thế giới, nhận 30 giải thưởng quốc tế, có gần một vạn buổi diễn trên các châu lục, là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên tham gia trình diễn tại các dịp kỷ niệm lịch sử và giảng dạy tại hơn 100 trường đại học trên thế giới.
Với tài nghệ sử dụng thành thạo các nhạc cụ dân tộc, trình độ âm nhạc uyên bác, GS Hải đã tham gia xây dựng bốn hồ sơ của Việt Nam trình lên UNESCO: ca trù, quan họ, hát xoan và đờn ca tài tử. Năm 2010, ông được mời chủ tọa một bàn tròn về dân tộc nhạc học.
Người dân xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương (Nghệ An) biểu diễn ví, dặm
Suốt mấy tháng nay, GS Hải cấp tập chuẩn bị cho hồ sơ ví, dặm. Ông còn tranh thủ dùng uy tín, ảnh hưởng của mình quảng bá cho loại hình dân ca độc đáo của miền Trung Việt Nam trên truyền thông quốc tế bằng việc trả lời phỏng vấn trên Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI) và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) về những cái hay, độc đáo của ví, dặm.
Ngoài GS Trần Quang Hải, tham dự cuộc hội thảo còn có các đồng nghiệp quốc: GS.TS Barley Norton (Đại học Goldsmiths, London), Yoshihito Tokumaru (Đại học Seitoku) và Oshio Satomi (Đại học giáo dục Miyagi, Nhật Bản) và Tvrtko Zebec (Viện Nghiên cứu dân tộc Cull và dân gian Croatia) đều là các chuyên gia tích cực ủng hộ Việt Nam lâu nay. Các chuyên gia, học giả thẩm định hát ví, dặm của ngư dân trên sông Lam ở huyện Đô Lương ( cách TP. Vinh 40km) và cách sinh hoạt, truyền dạy hát ví, dặm của CLB Ví, dặm huyện Thanh Chương (cách Đô Lương 20km). Tối 18/ 6, đoàn xem chương trình ví, dặm trên sân khấu nhà hát ở TP Vinh...
Nhiều hy vọng cho các di sản Việt Nam
Sau cuộc hội thảo về hát ví, dặm, sáng 21/6, GS Hải và các chuyên gia quốc tế sẽ tới TP Hội An để dự hội thảo quốc tế Công ước UNESCO và tương lai di sản Việt Nam nhân Kỷ niệm 10 năm thực hiện công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) ở Việt Nam.
GS.TS Trần Quang Hải cho biết, tại hội thảo này, ông sẽ đặt ra một vấn đề đang rất thời sự hiện nay: “10 năm công ước về bảo vệ DSVHPVT của UNESCO có tác dụng gì với các DSVHPVT Việt Nam đã được và có thể được tuyên dương”? Ông đề xuất: Một số DSVHPVT như: hát xẩm, hát chầu văn, múa rối nước; các loại hát của dân tộc Thái, Tày, Nùng, Dao, H’Mông của miền Bắc; nhạc Phật giáo tán tụng của miền Trung; đờn ca tài tử Nam bộ, nhạc lễ, bản Dạ cổ hoài lang của miền Nam có thể được UNESCO đánh giá đúng mức để tuyên dương trong tương lai, nếu được Nhà nước đầu tư, từ việc có chế độ chăm sóc nghệ nhân và duy trì quan tâm đầy đủ bằng chính sách, cơ chế hợp lý, xứng đáng.
Thực tế, những nghệ nhân già - di sản sống, đang hao hụt dần do tuổi cao, trong khi các cơ quan chức năng và những người làm nghề vẫn chưa giải quyết được những thắc mắc, bất cập kéo dài về việc phong tặng Nghệ nhân dân gian nhân dân, Ưu tú kèm theo chính sách đãi ngộ. Di sản bị thay đổi, xói mòn khi chưa được chính con người trân trọng đúng mức.
Vi Vi
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo