Văn hóa

Hài trên truyền hình đang bế tắc: Hết cười với... “Chết cười”

Sau “Ơn giời, cậu đây rồi”, VTV lại có ngay một chương trình hài khác thế chỗ là “Chết cười”, phát vào khung giờ vàng trên VTV3 tối thứ bảy hằng tuần. Song, mới chỉ hai tập đầu, khán giả đã “hết cười” khi chứng kiến một chương trình hài quá nhạt và nguy cơ “Chết cười” có khả năng… chết yểu trong lòng khán giả ngay từ những số đầu tiên.

Một cảnh trong “Chết cười”

 

 Thành công ở tây nhưng chưa chắc thắng ở ta

 
13 tập của “Ơn giời, cậu đây rồi” cuối cùng đọng lại mỗi… cái tên chương trình. Nó thành câu cửa miệng và đi vào cuộc sống. Điều đáng tiếc là ngay cả cái tên ấy cũng “nhập khẩu”. “Ơn giời, cậu đây rồi” chính là cách “dịch thoáng” từ chương trình “Thank God, You’re here” của Australia. Theo lời giới thiệu của các nhà sản xuất, “Thank God, You’re here” có nội dung thú vị, hài hước và đầy bất ngờ. Từng vươn lên vị trí đầu bảng trong Network Ten với 2,1 triệu lượt xem tại Australia và giữ vị trí đầu bảng trong khung giờ phát sóng cho lứa tuổi từ 13 - 19 tuổi, cán mốc rating 98%, trong khi rating ở Thụy Điển là 83%. “Thank God! You’re here!” trở thành format được săn đón tại rất nhiều quốc gia khác như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Italia. Việt Nam là nước thứ ba tại Châu Á, sau Trung Quốc và Indonesia, mang “Thank God, You’re here!” tới khán giả nhà.
 
Trên thực tế thì phải thừa nhận “Ơn giời, cậu đây rồi” đã “hút” khán giả Việt Nam. Một con số đưa ra rất choáng váng là rating (chỉ số người xem) “Ơn giời, cậu đây rồi” đạt mức… 19,8 ở Hà Nội và 10,5 ở TPHCM, trong khi chỉ số ở một số chương trình “hot” khác chỉ là từ 4,0 đến 5,0.
 
Nó chứng minh điều gì? Con số ấn tượng ấy thực chất chỉ là lời khẳng định: Khán giả Việt Nam đang “khát” hài. Chứ không phải thật sự “Ơn giời, cậu đây rồi” có chất lượng cao. Sự chênh lệch giữa nếp sống và nền văn hóa đã khiến cho “Ơn giời, cậu đây rồi” dù thành công ở nhiều nơi, nhưng về Việt Nam chỉ là món ăn lạ chứ không ngon. Và cũng cần thừa nhận, sự thành công của “Ơn giời” được đảm bảo bởi hai gương mặt Xuân Bắc và Hoài Linh chứ không phải là những chiêu trò của chương trình.
 
Tương tự là câu chuyện của “Chết cười” mới phát sóng được 2 số (tối thứ bảy 17.1 và 24.1). “Chết cười” được giới thiệu là phiên bản Việt của chương trình Anything Goes có nguồn gốc đầu tiên từ Đài TF1 (Pháp) với tên gọi gốc là VendrediTous Est Permis. Ngay khi vừa lên sóng, chương trình này đã đạt tỉ suất người xem cao nhất trong tất cả các chương trình lên sóng cùng thời điểm tại Pháp và sau đó được mua bản quyền phát sóng tại nhiều nước như: Australia, Đan Mạch, Brazil, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ba Lan, Trung Quốc, Thái Lan, Canada…
 
Lại một món “hài tây” trình làng khán giả Việt Nam, lần này, MC là nghệ sĩ Đức Hải.
 
Nên nhớ, khiếu hài hước của người Pháp nhẹ nhàng khá trí tuệ. Song, khi được Việt hóa, “Chết cười” tập trung vào kiểu hài… cù nách, thậm chí ép khán giả cười với kiểu hài nhảm, hài nhạt.
 
Ngay số đầu tiên, đã có tranh cãi khi khán giả phản ánh rằng trong chương trình có trò “Chữ xếp người”, các nghệ sĩ dùng thân xếp thành chữ cái rất… thô và tạo hình phản cảm. Hơn thế, trong phần đối đáp có những ngôn từ nhạy cảm như “Cong quá gãy thì sao?”, “Cái gì càng chơi càng ra nước…”. Tất nhiên sau đó, những nhà tổ chức có giải thích rằng đó cũng là một kiểu “đố tục giảng thanh” trong dân gian.
 
Ở số thứ hai, yếu tố tục đã giảm đi nhưng lại gây tranh cãi về tiếng cười khi MC đối đáp với nghệ sĩ trong màn vừa nhảy vừa hỏi “Sợ thuốc gì nhất?”. Nghệ sĩ đáp: “Thuốc chuột!”.
 
Đó không phải là cái cười chiêm nghiệm, sâu lắng. Nhưng nếu chỉ đơn giản là cười “cơ học” thì có vẻ như “Chết cười” đã đúng với những màn đối đáp kiểu “uống thuốc chuột” như thế.
 
Hài cứ phải dung tục, phản cảm mới “câu” được khách?
 
Các nhà đài đều tin chắc là khán giả truyền hình hiện nay đang “khát hài” và họ cũng đầu tư, kêu gọi nhiều nghệ sĩ cùng tham gia. Đó là những nỗ lực cần ghi nhận. Thế nhưng, để mang đến tiếng cười sảng khoái thật sự thì nhiều chương trình vướng phải sự bế tắc. Bế tắc về kịch bản và bế tắc về con người.
 
Chẳng hạn, một trong những nét được cho là mới, là yếu tố gây hài trong “Chết cười” là màn diễn trên sân khấu nghiêng 22,5 độ. Tuy nhiên, đây cũng không phải là điều mới khi một chương trình hài “Hội ngộ danh hài” của kênh HTV9 phát tối chủ nhật đã qua được 6 tuần. Khác nhau duy nhất là ở… độ nghiêng. Trong “Chết cười” là 22,5 độ, còn ở “Hội ngộ danh hài” chỉ là 21 độ.
 
Hay trong một vài chiêu trò, kịch bản quá lạm dụng việc “giả gái” để gây cười. “Ơn giời, cậu đây rồi” đã tràn lan danh hài phải diễn giả gái thì “Chết cười” hôm 24.1, đến lượt hai diễn viên nam phải nhập vai hai… cô tiên!
 
Không chỉ bế tắc về kịch bản, dàn dựng các chương trình hài trên truyền hình thiếu danh hài. Một mình Hoài Linh chạy show khắp nơi và chắc chắn sẽ có mặt trong “Chết cười” để “cứu” chương trình. Hoặc ngay trong số mới nhất, dù có Bạch Long, Vũ Thanh, Tuyền Mập… nhưng rõ ràng thiếu cây hài “đinh” là chương trình đuối ngay.
 
Trong sự bế tắc ấy, để đánh đổi và tìm yếu tố gây cười, nhiều chương trình hài phải tìm đến con đường duy nhất là có nội dung dung tục, phản cảm để “câu khách”.
 
Một chương trình hài lớn, được cho là có nội dung sâu cay, ẩn ý như Táo quân - phát sóng trên truyền hình vào đêm 30 Tết cũng bị cho là có nhiều lời thoại dung tục, phản cảm. Đó chính là lý do khiến Cục Nghệ thuật biểu diễn đã “nhanh nhảu” ra một công văn yêu cầu đơn vị sản xuất “Táo quân 2015” phải gửi hồ sơ xin cấp giấy phép (vì tổ chức biểu diễn nghệ thuật ngoài trụ sở của đài kèm thông tin về kịch bản, số lượng tác phẩm, danh sách tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ tham gia để cơ quan quản lý kiểm duyệt. Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, nhằm tránh những lời thoại không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, sau đó, đạo diễn Đỗ Thanh Hải khẳng định, Táo quân 2015 được thực hiện tại Đài THVN.
 
Một lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng cho hay: “Khi đơn vị sản xuất Táo quân 2015 liên kết với các nhà phát hành để bán đĩa Táo quân ra thị trường thì chắc chắn vẫn phải làm đủ các thủ tục, trong đó có kiểm duyệt về nội dung trước khi tung ra thị trường”.
 
Theo Lao động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo